Nhà đầu tư cá nhân vẫn “làm chủ cuộc chơi” ở thị trường chứng khoán
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.
Tháng 9/2024 đánh dấu một tháng biến động trái chiều của VN-Index, tính từ ngày mở cửa đến ngày 16/9, chỉ số VN-Index có mức giảm 36 điểm, sau đó, thị trường bật tăng từ ngưỡng đóng cửa ngày 16/9 đến ngày 30/9 và ghi nhận mức tăng 48,68 điểm. Xu hướng tăng được giải thích do đà tâm lý tích cực tác động sau khi FED chính thức tuyên bố cắt giảm lãi suất trong ngày 18/9.
Về cơ cấu nhà đầu tư, dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho thấy, nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn là động lực chính thúc đẩy VN-Index khi là nhóm mua ròng duy nhất trong cơ cấu 4 nhóm nhà đầu tư. Xét về phe bán ròng, nhóm nhà đầu tư tổ chức bao gồm tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài là 2 nhóm rút ròng chủ yếu. Trong đó nhóm tổ chức trong nước sau khi mua ròng 7.238 tỉ đồng trong tháng 8 lại có động thái rút ròng hơn 3.200 tỉ đồng trong tháng 9. Nhóm tổ chức nước ngoài tuy vẫn duy trì bán ròng nhưng giá trị giao dịch giảm 42,5% so với tháng trước đó.
Nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn là động lực chính thúc đẩy VN-Index. |
Theo thống kê của TPS, trong 3 năm 2023 , 2022 và 2018 đã ghi nhận mức giảm lớn trong tháng 10 lần lượt là -10,9% , - 9,2% và -10, 1% . Tuy nhiên, năm 2021 và 2015 cũng ghi nhận mức tăng 8% và 7,6%. Như vậy, tháng 10 thường thiên về giảm điểm đặc biệt trong 2 năm gần đây. Về câu chuyện đầu tư trong tháng 10/2024, nhà đầu tư có thể duy trì theo dõi các ngành như ngân hàng và chứng khoán.
Cụ thể, đối với ngành chứng khoán TPS đánh giá các sản phẩm tài chính như trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận tổng giá trị phát hành mới đạt 257.900 tỉ đồng. Trong khi đó, giá trị giao dịch cổ phiếu bình quân đạt 24.641 tỉ đồng/phiên, tương đương mức tăng 39,8% so với cùng kỳ. Margin của toàn ngành chứng khoán tăng mạnh, đạt mức kỷ lục 225.000 tỉ đồng vào cuối quý II, cho thấy sự gia tăng trong việc sử dụng đòn bẩy tài chính.
Chính sách thúc tiền tệ như Chỉ thị số 14/CT-TTg nhằm tháo gỡ khó khăn sản xuất sẽ giúp thúc đẩy kinh tế vĩ mô và tăng khả năng tiếp cận dòng vốn từ cả trong nước lẫn nước ngoài. Nhờ đó, thanh khoản của toàn ngành chứng khoán đã được cải thiện và duy trì rõ từ đầu năm. Trong các tháng cuối năm, việc FED giảm lãi suất đến 0,5% sẽ là tiền đề tạo điều kiện thuận lợi cho dòng vốn quốc tế chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Ngoài ra, điều này còn giúp cho chính sách tiền tệ bớt áp lực để giúp dòng tiền nền kinh tế tiếp tục dồi dào và thúc đẩy thanh khoản cho thị trường chứng khoán.
Với nhóm ngành ngân hàng, TPS đánh giá tăng trưởng tín dụng vẫn duy trì ở mức ổn định, tăng khoảng 5,9% vào cuối tháng 7 năm 2024 nhờ vào nền kinh tế đã có nhiều sự phục hồi từ mức nền thấp vào đầu năm. Tính đến cuối tháng 7, tiền gửi dân cư đã tăng lên 6,83 triệu tỉ đồng, tăng 4,68% so với đầu năm và lập ra kỷ lục mới. Riêng trong tháng 7, tiền gửi dân cư đã tăng khoảng 21.000 tỉ đồng. Tiền gửi của tổ chức kinh tế đạt 6,77 triệu tỉ đồng, giảm 1,07% so với đầu năm. Trước đó vào cuối tháng 6, tiền gửi của nhóm này đã lên kỷ lục 6,91 triệu tỉ đồng. Với mức vay thấp, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng có thể có thêm dư địa để tiếp tục phát triển nhằm đảm bảo nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế sắp tới.
Có thể bạn quan tâm
Nếu không đầu tư, khả năng mua nhà của giới trẻ là rất nhỏ
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư