Hủy
Tài Chính

Dòng tiền vào các tài sản tài chính tiếp tục giảm mạnh

Phạm Vũ Thứ Năm | 07/04/2022 21:01

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán quốc tế. Ảnh: CNBC

Dòng tiền vào các tài sản tài chính tiếp tục suy giảm mạnh khi nhà đầu tư giảm tỉ trọng các tài sản rủi ro trong danh mục.
 

Trong tháng 3, căng thẳng địa chính trị cùng với động thái của các Ngân hàng Trung ương lớn và lo ngại về suy thoái kinh tế tác động tới tâm lý nhà đầu tư và mức phân bổ dòng tiền vào các tài sản tài chính. 

Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research trích dẫn kết quả khảo sát ở các nhà quản lý quỹ của Bank of America Merill Lynch, tỉ trọng tiền mặt trong danh mục tiếp tục tăng lên 5,9% từ mức 5,3% trong tháng 2, tương đương với tỉ trọng vào thời điểm tháng 2 và tháng 3/2020 khi dịch COVID-19 xuất hiện. 

 

Theo SSI Research, dòng vốn vẫn ghi nhận vào ròng trên thị trường cổ phiếu, đạt 41 tỉ USD trong tháng 3, giảm 17,8% so với tháng 2. Dòng vốn vào các quỹ trái phiếu đã có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn ghi nhận mức giảm 23 tỉ USD đến từ động thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.

Dòng vốn cổ phiếu toàn cầu mặc dù vào ròng nhưng giá trị giảm rõ rệt so với tháng trước, trên cả hai thị trường phát triển và đang phát triển. Cụ thể tại thị trường phát triển, tổng giá trị mua ròng ghi nhận là 34,2 tỉ USD, mức thấp nhất trong vòng 17 tháng qua, giảm 7,6% so với tháng 2 và 72% so với cùng kỳ năm 2021. Thị trường Mỹ vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền với lượng mua ròng là 53,4 tỉ USD, tăng 40% so với tháng 2 và là mức vào ròng mạnh nhất trong vòng 11 tháng qua, nhờ kỳ vọng về kết quả kinh doanh khả quan trong quý I, cũng như thị trường đã điều chỉnh mạnh trong tháng 2 và nửa đầu tháng 3 đã phần nào phản ánh những thông tin tiêu cực. 

 

Trong khi đó, tháng 3/2022 dòng vốn vào thị trường mới nổi giảm mạnh 47,2%, xuống chỉ còn mua ròng 6,8 tỉ USD, chủ yếu do dòng tiền vào Trung Quốc giảm nhiệt. Cụ thể, lo ngại việc áp dụng chính sách “Không Covid” trong bối cảnh số ca lây nhiễm tăng nhanh sẽ tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế và khiến dòng vốn vào Trung Quốc chỉ đạt 1,5 tỉ USD trong tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021.

Theo SSI Research, trong thời gian tới, phân bổ dòng vốn vào các tài sản tài chính sẽ khó lường hơn khi nhiều lo ngại về tình trạng thị trường “gấu” đã xuất hiện trên thị trường cổ phiếu. Theo khảo sát từ Bank of American Merill Lynch trong tháng 3, khả năng suy thoái kinh tế đã trở thành rủi ro lớn thứ hai mà các nhà quản lý quỹ lo ngại, chỉ sau cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Các cuộc khủng hoảng địa chính trị có tác động mạnh mẽ nhưng tương đối ngắn hạn, trong khi đó lo ngại về suy thoái kinh tế sẽ có tác động dài hạn hơn tới việc phân bổ dòng vốn vào thị trường cổ phiếu. Trên thực tế, có tới 64% nhà quản lý quỹ trong khảo sát cho rằng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ kém đi trong vòng 12 tháng tới (tăng từ tỉ lệ 20% trong khảo sát tháng 2). Do vậy, dòng tiền vào thị trường trái phiếu có thể được cải thiện do nhu cầu phân bổ tỉ trọng vào các tài sản ít rủi ro tăng trong bối cảnh khó lường của thị trường toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm 

Nhà đầu tư ngoại bán ròng gần 7.000 tỉ đồng trong quý I/2022


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới