“Đường tắt” của cổ phiếu
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã “nhường sân” cho nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Ảnh: TL.
Trong tháng 9, thị trường chứng khoán gần như đi ngang dưới mốc 1.350 điểm với thanh khoản không mấy sôi động, đặc biệt đối với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Sau giai đoạn được xem như hoàng kim của nửa đầu năm 2021 thì những diễn biến gần đây của thị trường cho thấy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã “nhường sân” cho nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Thời gian qua, cước vận tải biển tăng phi mã cũng kéo theo sự bứt phá của nhiều cổ phiếu trong ngành logistics và cảng biển. Nhà đầu tư đã chứng kiến sự tăng giá bằng lần của các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này chỉ trong thời gian ngắn. Tiêu biểu như cổ phiếu VNA của Công ty Cổ phần Vận tải biển Vinaship tăng hơn 458% kể từ giữa tháng 6 đến hết phiên 29/9. Hay như cổ phiếu HAH của Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng tăng tới 147% kể từ đầu tháng 6 tới nay. Hay các cổ phiếu khác trong ngành như GMD của Công ty Cổ phần Gemadept, SGP của Cảng Sài Gòn, TCL của Tân Cảng Logistics hay DXP của Cảng Đoạn Xá cũng đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về giá trong thời gian qua.
Nhóm cổ phiếu ngành hóa chất như DGC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang cũng hưởng lợi từ sự thiếu hụt chip trên toàn cầu. Cụ thể, nhu cầu chip trên thế giới tăng mạnh nhưng cung không đủ đáp ứng cầu đã khiến sự thiếu hụt chip diễn ra khắp thế giới. Trong đó, sự khan hiếm phốt pho, nguyên liệu đầu vào sản xuất là một trong những nguyên nhân chính. Điều này dẫn đến việc giá phốt pho tăng mạnh liên tục giai đoạn vừa qua và kỳ vọng giúp Hóa chất Đức Giang gia tăng tốt biên lợi nhuận gộp trong những quý tới. Lũy kế từ đầu tháng 6 đến hết phiên 29/9, giá của cổ phiếu DGC đã tăng hơn 111,5%.
Bên cạnh những nhóm cổ phiếu có “câu chuyện riêng” để tăng giá, lại có những cổ phiếu tăng bằng lần mà không rõ lý do. Ảnh: TL. |
Bên cạnh đó, các cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp như KBC của Đô thị Kinh Bắc; IDC của Tổng Công ty IDICO, SZC của Công ty Cổ phần Sonadezi Châu Đức hay LHG của Công ty Cổ phần Long Hậu cũng liên tục dậy sóng trong bối cảnh ngành bất động sản khu công nghiệp vẫn có nhiều tiềm năng tăng trưởng để tiếp tục đón sóng dịch chuyển vốn FDI nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Ngoài ra, các cổ phiếu có yếu tố đầu tư công, hay tiêu dùng thiết yếu thời gian qua cũng nhận được sự chú ý đặc biệt của dòng tiền.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhóm cổ phiếu có “câu chuyện riêng” để tăng giá, lại có những cổ phiếu tăng bằng lần mà không rõ lý do và trở thành “hiện tượng” trên thị trường chứng khoán. Cụ thể, nhóm cổ phiếu có liên quan đến Louis Holdings đã liên tục “làm mưa làm gió” với những phiên tăng trần đồng loạt và liên tục.
Việc tăng giá của những cổ phiếu này có yếu tố bất ngờ chứ không có nhiều yếu tố cơ bản hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp liên quan đến Louis Holdings còn thay đổi ban lãnh đạo trong thời gian ngắn và giao dịch mua bán cổ phiếu nội bộ diễn ra khá “sôi động”.
Trước khi có bàn tay của Louis Holdings, BII của Công ty Cổ phần Louis Land chỉ là cổ phiếu “không tên tuổi” khi chỉ được giao dịch quanh mốc 1.000 đồng/cổ phiếu (tháng 2/2021). Sau đó, cục diện thay đổi, BII liên tục tăng trần. Giá của cổ phiếu này tại phiên 23/9 đã gấp hơn 20 lần so với hồi tháng 2/2021 và thậm chí đã có lúc giá cổ phiếu BII đã gấp hơn 30 lần so với đầu năm. Thanh khoản khớp lệnh cũng lên tới hàng triệu cổ phiếu mỗi phiên, so với con số hàng ngàn trước đó.
Tương tự BII, cổ phiếu TGG của Công ty Cổ phần Louis Capital (trước đó là Công ty Cổ phần Xây dựng và Đầu tư Trường Giang) tăng giá tính bằng hàng chục lần lũy kế từ tháng 5/2021 đến hết phiên 23/9. Hay những cổ phiếu khác có liên quan đến Louis Holdings như SMT của Công ty Cổ phần Sametel, APG của Công ty Chứng khoán APG cũng đều tăng bằng lần kể từ giữa tháng 8 đến hết phiên 23/9.
Đặc điểm chung của các cổ phiếu này là đều “bốc đầu” khi có sự tham gia của Louis Holdings thông qua việc thâu tóm trực tiếp, gián tiếp hoặc mua cổ phần để trở thành cổ đông lớn.
Sau thời gian tăng phi mã, gần đây nhóm này đã đồng loạt đảo chiều. Lũy kế chỉ 5 phiên giao dịch gần nhất (22-28/9/2021), các cổ phiếu như BII, SMT đã giảm hơn 40%, hay như cổ phiếu APG cũng giảm tới 30% chỉ trong thời gian ngắn.
Chia sẻ về kinh nghiệm đầu tư tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Mã Thanh Danh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, cho biết nhà đầu tư cá nhân nên tập cho mình xây dựng danh mục đầu tư, xác định độ rủi ro có thể chấp nhận được, từ đó mới lựa chọn theo chu kỳ ngành rồi doanh nghiệp. “Đừng bao giờ chỉ dồn tiền mua 1 cổ phiếu mà nên có ít nhất 3 cổ phiếu trong danh mục”, ông Danh nói.
Đối với nhà đầu tư cá nhân, ông Danh cũng chia sẻ cần phải đặt ra mức rủi ro chấp nhận được, nhiều danh mục lỗ 15% có cắt lỗ không hay danh mục lời 30% đã nên chốt lời hay chưa? Đó là những kỹ thuật cơ bản nhất nhưng chúng ta phải xác định được. “Cuối cùng, cổ phiếu cũng dựa trên chất lượng của doanh nghiệp. Nếu mua bán hằng ngày đu theo những cổ phiếu tăng nóng, bạn sẽ gánh rủi ro khi nó bất ngờ tụt dốc”, ông Danh nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư