Hủy
Tài Chính

DVP: Cảng sâu đón tàu lớn

Vũ Quỳnh Thứ Hai | 25/11/2019 14:00

Trong 10 năm liền, biên lợi nhuận gộp của cảng Đình Vũ luôn dao động quanh 40-50%.
 

Thành lập từ năm 2002, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (mã DVP) luôn nằm trong nhóm doanh nghiệp có mức biên lợi nhuận gộp cao và ổn định nhất ngành. Theo đồ thị lợi nhuận qua các năm, động năng tăng trưởng lợi nhuận của Cảng Đình Vũ tiếp tục đi lên. Theo FPT Securities, Cảng Đình Vũ ngoài vị trí thuận lợi hơn cụm cảng tại thượng nguồn sông Cấm, còn có ưu thế vượt trội khi có trang thiết bị hỗ trợ tốt nhất khu vực. Trong 9 tháng đầu năm 2019, doanh nghiệp đã hoàn thành 73,4% tổng doanh thu kế hoạch đề ra và 83,5% tổng lợi nhuận trước thuế kế hoạch đề ra. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế trong kỳ đạt 238,91 tỉ đồng.

Việt Nam là quốc gia có vị trí vô cùng thuận lợi khi sở hữu đường biển dài 3.260km với nhiều vùng nước sâu và cửa vịnh thuận lợi cho ngành cảng biển. Dựa theo hải trình quốc tế hiện tại, hàng hóa xuất cảng tại Hải Phòng sẽ đi Hồng Kông, Đài Loan, sau đó đi xa hơn về Busan (Hàn Quốc), đến Kobe - Nayoga (Nhật) và cuối cùng kết thúc tại Oakland (Mỹ). Nếu xuất phát từ Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu), hàng hóa sẽ tập trung ở Singapore, sau đó tiến về Trung Á, vượt Địa Trung Hải và dừng neo tại Southhampton (Anh Quốc), Le Harve (Pháp), hoặc Rotterdam (Hà Lan).

 

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Tân Việt, sau hơn 10 năm gia nhập WTO, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng gấp 3,4 lần, đạt 482 tỉ USD vào năm 2018. Con số này tiếp tục tăng trưởng trong năm 2019. Theo Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2019 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 245,48 tỉ USD tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2018. Tính riêng khu vực Hải Phòng, số lượng hàng hóa thông quan đạt 169 triệu tấn/năm, sản lượng container đạt 4,4 triệu TEU/năm.

Tại khu vực cụm cảng Hải Phòng, ngành cảng biển được đánh giá là sôi động, với sự cạnh tranh giữa các cảng là khá cao. Chia cắt bởi cầu Bạch Đằng, cụm cảng được phân thành nhóm thượng nguồn và hạ nguồn sông Cấm. Cảng thượng nguồn gồm có Green Port, Đoạn Xá, Hải An...; trong khi phía hạ nguồn có các cảng như Tân Vũ, Lạch Huyền, Đình Vũ, Nam Hải Đình Vũ...

Dù đối diện với sự cạnh tranh căng thẳng, Đình Vũ vẫn là một trong những cảng kinh doanh mang lại lợi nhuận hiệu quả nhất. Theo báo cáo của Tân Việt Securities, trong hơn 10 năm, biên lợi nhuận gộp của Đình Vũ luôn dao động quanh 40-50%. Trong năm 2018 và đầu năm 2019, con số này là 50%. Phong độ của doanh nghiệp này thậm chí còn tốt hơn những “đại gia” cảng biển như Viconship, Cảng Hải Phòng hay Gemadept.

 

Cùng nhận định, báo cáo phân tích FPT Securities cho rằng Cảng Đình Vũ là doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất trong các doanh nghiệp cảng biển niêm yết trên sàn ở khu vực Hải Phòng.Tổng hợp ý kiến của nhiều chuyên gia, Cảng Đình Vũ nổi bật với 4 yếu tố đáng chú ý gồm: (1) Cảng Đình Vũ có vị trí thuận lợi hơn so với các cảng nằm ở khu vực thượng nguồn sông Cấm, do nằm gần cửa biển nên lượng tàu cập cảng nhiều, với tải trọng lớn; (2) Đình Vũ là một trong những cảng có trang thiết bị hỗ trợ tốt nhất khu vực bán đảo Đình Vũ; (3) Định hướng chiến lược kinh doanh phát triển theo chiều sâu, hạn chế đối đầu trực tiếp với các đối thủ cùng ngành có vốn hóa lớn hơn bằng cách thành lập các công ty hoạt động dịch vụ sau cảng; và (4) Cơ cấu tài sản khỏe mạnh, từ quý II/2018, Công ty đã trả hết nợ vay chịu lãi.

Trong 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng container qua Cảng Đình Vũ đạt 415.218 TEUs (giảm -14,4%), do sự sáp nhập để hình thành hãng tàu ONE (Ocean Netword Express). Theo đó, doanh thu thuần đạt 424.287 tỉ đồng (giảm 9,1%), lợi nhuận trước thuế là 238 tỉ đồng (giảm 3,8%).

Song FPT Securities cho rằng Cảng Đình Vũ có thể đạt được kế hoạch đề ra năm 2018 với nhận định: (1) Lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cảng Hải Phòng vẫn giữ được mức tăng trưởng khoảng 15%; (2) Đình Vũ đều vượt kế hoạch đặt ra trong 3 năm gần nhất. Theo đó, doanh thu dự kiến đạt 650 tỉ đồng (100% kế hoạch); lợi nhuận trước thuế đạt 288,9 tỉ đồng (101% kế hoạch). Thu nhập mỗi cổ phiếu (EPS) là 5.294 đồng.

Trên phương diện định giá, so sánh với P/E ngành là 6,5x, Cảng Đình Vũ chỉ có P/E Trailing là 6,0x, theo đó FPT Securities nhận định giá trị hợp lý của DVP là 41.731 đồng/cổ phiếu. Khuyến nghị đưa ra là mua khi cổ phiếu về vùng giá 34.000 đồng. Sử dụng phương pháp chiết khấu cổ tức (DDM), Công ty Chứng khoán Tân Việt cho rằng định giá phù hợp của DVP là 50.900 đồng, với chi phí vốn cổ phần là 10,46%.

►Cảng Đình Vũ tính chi cổ tức 70%

Cảng Đình Vũ hoàn thành kế hoạch năm trong 11 tháng

Top 50 2017: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới