EPS không như kỳ vọng
Các dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đã được giảm từ khoảng 6% cách đây vài tuần xuống còn khoảng 4,5%. Ảnh: TL.
Nửa sau tháng 7, hoạt động kinh doanh của Nhựa Bình Minh bị sa sút nghiêm trọng trước các biện pháp giãn cách, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn do không phải sản phẩm thiết yếu. Sau 7 tháng, Nhựa Bình Minh mới thực hiện 23% kế hoạch lợi nhuận năm; doanh thu thuần tháng 8 ước tính chỉ bằng 1/7 so với tháng 7 do giãn cách xã hội ngày càng siết chặt.
Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều doanh nghiệp trước sự lây lan mạnh của dịch bệnh COVID-19. Hoạt động kinh tế quý II mất đà tăng trưởng đã đạt được trong đầu năm 2021 do các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ mà Chính phủ áp dụng để kiểm soát các ca nhiễm mới.
Trong bối cảnh này, ngay cả “vua bán lẻ” Thế Giới Di Động cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận dù có sự tăng trưởng mạnh bù đắp từ hệ thống Bách Hóa Xanh. Trong tháng 7, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của Công ty chỉ đạt 231 tỉ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, mặc dù đơn hàng vẫn tăng trưởng khá tốt, nhưng những doanh nghiệp tại phía Nam lại đang có nguy cơ đánh mất cơ hội do dịch bệnh làm đứt gãy sản xuất, gây đổ vỡ trong chuỗi cung ứng. Công ty Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công cho hay, trong tháng 7, lợi nhuận sau thuế giảm tới 47% so với cùng kỳ, dù doanh thu chỉ giảm 3%.
“Các dự báo của chúng tôi luôn thấp hơn và chính xác hơn so với dự báo chung của thị trường. Chúng tôi cũng cho rằng kỳ vọng tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) 38% trong năm 2021 là khó khả thi”, ông Michael Kokalari, CFA, chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, nhận định.
Thực tế, tỉ suất lợi nhuận của những công ty sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất thấp hơn nhiều so với các công ty sản xuất điện tử tiêu dùng nên càng gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này cũng đã giảm mạnh trong tháng 8. Hầu hết các công ty chứng khoán cùng chung một nhận định rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2021. Lợi nhuận sau thuế trên HOSE trong quý II của các doanh nghiệp đại diện 97,2% vốn hóa đã công bố tăng trưởng 59,31% so với cùng kỳ, thấp hơn so với mức 79,7% ở quý I.
Với các doanh nghiệp xuất khẩu, mặc dù đơn hàng vẫn tăng trưởng khá tốt, nhưng những doanh nghiệp tại phía Nam lại đang có nguy cơ đánh mất cơ hội do dịch bệnh. Ảnh: Qúy Hòa. |
Trước tác động kể trên của đợt bùng phát COVID-19 lần thứ 4, các dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đã được giảm từ khoảng 6% cách đây vài tuần xuống còn khoảng 4,5%. World Bank cũng đã hạ dự báo xuống 4,8% trong báo cáo mới nhất được công bố. “Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đó vẫn là những dự báo lạc quan hơn mức thực tế”, đại diện VinaCapital nhận định. Trong bối cảnh vĩ mô kém lạc quan, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp toàn thị trường 6 tháng cuối năm 2021 vì thế cũng được dự báo sẽ chậm lại so với nửa đầu năm.
Theo Công ty Chứng khoán Mirae Asset, thời gian kiểm soát dịch càng lâu càng ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong trường hợp xấu, dịch bệnh kéo dài đến cuối tháng 10, tăng trưởng EPS chỉ kỳ vọng ở mức 28%. Trong quý IV, nếu không có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, hoạt động kinh tế sẽ phục hồi ở mức thấp do những ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch lên thị trường lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng và ngân sách của Chính phủ, bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp và túi tiền hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tiến độ đầu tư công có thể không như mong muốn do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Ông Petri Deryng, người đứng đầu quản lý Quỹ PYN Elite Fund, cho rằng, nền kinh tế sẽ tăng trưởng chậm lại và tăng trưởng kết quả kinh doanh của các công ty niêm yết cũng chậm lại. Mặc dù vậy, cho cả năm 2021, PYN Elite Fund kỳ vọng Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng tốt ở mức 5-6% và các công ty niêm yết sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hơn 20% so với năm ngoái.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, trong danh sách cổ phiếu theo dõi của VDSC, 3 ngành đã gần như hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm là thép (98%), bảo hiểm (101%) và phân bón (197%); 10/19 ngành nhìn chung ghi nhận thu nhập tốt hơn mong đợi, vượt 50% dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 sau 6 tháng đầu năm.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Trực Thanh