Nền kinh tế vĩ mô ổn định giúp Việt Nam trở thành “Vùng an toàn kinh tế”
Ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng, VinaCapital. Ảnh: PV.
GDP của Việt Nam tăng 13,7% so với cùng kỳ trong quý III, cao hơn nhiều so với dự kiến và Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam đã điều chỉnh chính sách lãi suất tăng thêm 100 điểm cơ bản lên 5% vào ngày 23/9 cũng là một điều bất ngờ.
Theo đánh giá của ông Michael Kokalari, CFA, Chuyên gia Kinh tế trưởng, VinaCapital tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam được dựa vào thị trường nội địa, cùng với quyết tâm mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách trong việc duy trì nền kinh tế vĩ mô ổn định sẽ khiến Việt Nam trở thành “Vùng an toàn kinh tế” trong số các nền kinh tế thị trường mới nổi.
“GDP của Việt Nam tăng 8,8% so với cùng kỳ trong 9 tháng năm 2022 nhờ tiêu dùng nội địa, vì vậy chúng tôi đang nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 từ 7,5% lên 8%”, ông Michael Kokalari cho hay.
Tiêu dùng chiếm 2/3 GDP của Việt Nam và doanh số bán lẻ thực tế (đã loại trừ tác động của lạm phát), là một dấu hiệu tốt cho tiêu dùng của hộ gia đình ở Việt Nam tăng 16,8% so với cùng kỳ. Một phần của sự tăng trưởng ấn tượng rõ ràng là do “hiệu ứng cơ bản thấp” bởi việc đóng cửa do COVID trong quý III/2022, trong đó doanh thu bán lẻ của Việt Nam đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, tiêu dùng nội địa ở Việt Nam cũng tăng trưởng liên tục kể từ đầu năm 2022, bao gồm tăng gần 3% so với tháng trước trong tháng 9. Tiếp theo, sản xuất chiếm hơn 20% GDP của Việt Nam và trước đó đã được kỳ vọng tăng trưởng khá yếu trong năm nay do nhu cầu thế giới đối với các sản phẩm “Sản xuất tại Việt Nam” suy yếu, nhưng sản lượng sản xuất của Việt Nam đã tăng 10,7% so với cùng kỳ trong 9 tháng.
Cuối cùng, Chính phủ đang tăng tốc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, do đó tăng trưởng của hoạt động xây dựng đã tăng từ mức 3,7% so với cùng kỳ trong nửa đầu năm lên mức tăng trưởng 8,6% trong 9 tháng.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới có chính sách lãi suất cao hơn tỉ lệ lạm phát. Theo VinaCapital. |
“Vào năm 2023, chúng tôi cho rằng nhu cầu nội địa của Việt Nam có thể sẽ chậm lại khi đất nước mở cửa hoàn toàn và nhu cầu đối với các sản phẩm “Sản xuất tại Việt Nam” đã giảm do nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng sự gia tăng chi tiêu công và lượng khách du lịch nước ngoài trở lại sẽ bù đắp phần nào điểm yếu đó, vì vậy chúng tôi chỉ kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại từ 8% năm 2022 xuống còn 6% vào năm 2023”, ông Michael Kokalari nhận định. Lạm phát ở Việt Nam vẫn ở mức dưới 4% và giá trị đồng tiền của Việt Nam đã mất giá dưới 5% so với đầu năm, mặc cho giá trị đồng USD tăng gần 20% so với đầu năm và giá trị đồng tiền của Trung Quốc giảm giá khoảng 10%.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cho rằng Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất nhằm bảo vệ giá trị của VND và nhận thấy rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam hiện nay chủ yếu được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước.
Mức lạm phát khiêm tốn của Việt Nam phần nào phản ánh cách xử lý thận trọng của Chính phủ đối với COVID; Chính phủ đã không phải gánh một khoản nợ đáng kể để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn COVID và đang có thặng dư ngân sách trong năm nay. Ngoài ra, Việt Nam là nước xuất khẩu lương thực nên lạm phát giá lương thực ở Việt Nam dưới 4%.
Cuối cùng, sự sụt giá khiêm tốn của VND cho thấy hiệu quả trong sự nỗ lực của Chính phủ nhằm ổn định giá trị của VND. Việt Nam hiện là một trong những quốc gia duy nhất trên thế giới có chính sách lãi suất cao hơn tỉ lệ lạm phát, khiến VND trở nên hấp dẫn cho người Việt Nam gửi tiết kiệm hơn là bán VND để mua USD.
Có thể bạn quan tâm
Chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn so với tiền gửi tiết kiệm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư