Hai sức ép lãi suất
Trong bối cảnh ngân hàng khát tiền gửi, việc tăng lãi suất đã giúp giảm căng thẳng về thanh khoản. Ảnh: Quý Hòa
“Chúng tôi nói thật là nếu lãi suất cho dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp không có cửa để đầu tư nên cần vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích hoạt đầu tư”, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), cho hay.
Lãi suất khó giảm
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM đưa ra lời than vãn trên trong bối cảnh mặt bằng lãi suất đang tiếp tục tăng. Trong tháng đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất tiền gửi có dấu hiệu hạ nhiệt, song mức cao nhất vẫn chạy đua ở ngưỡng 9,5%/năm cho kỳ hạn dài. Sau Tết Nguyên đán, có hàng chục ngân hàng vẫn niêm yết lãi suất huy động cao nhất từ 9-9,5%/năm. Lãi suất huy động 12 tháng trung bình tại các ngân hàng hiện là 8,49%/năm.
Việc tăng lãi suất huy động đã giúp các ngân hàng hút về một lượng tiền lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính tới ngày 21/12/2022, tiền gửi chảy vào hệ thống ngân hàng qua kênh tổ chức và dân cư đạt 11,6 triệu tỉ đồng. So với cuối năm 2021, hệ thống ngân hàng đã huy động được gần 360.000 tỉ đồng từ dân cư.
Mặc dù vậy, huy động vốn của ngân hàng gặp khó trong năm 2022, xuất phát từ cung tiền thấp, một phần tiền của dân cư kẹt trong trái phiếu, doanh nghiệp rút tiền đưa vào trang trải chi phí sản xuất kinh doanh. Việc huy động có được cải thiện trong 2 tháng cuối năm khi lãi suất tiền gửi lên cao nhưng giới chuyên gia dự báo vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong bối cảnh ngân hàng khát tiền gửi, việc tăng lãi suất đã giúp giảm căng thẳng về thanh khoản. Song, khi chi phí đầu vào tăng khiến lãi suất cho vay cũng biến động theo chiều đi lên. Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng trong hệ thống năm 2022 gấp đôi huy động, các ngân hàng trong nước có áp lực thu hút tiền gửi nhằm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn, nên có thể phải tăng lãi suất. Ngoài ra, áp lực lạm phát gia tăng kể từ quý IV/2022 và áp lực này hiện vẫn còn lớn. Theo một số dự báo, lạm phát có thể vượt mục tiêu 4,5% trong các tháng đầu năm nay. Do đó, lãi suất đầu vào khó có thể giảm trong thời gian này.
Vì vậy, dù Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các thành viên đồng thuận mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm nhưng trên thực tế, lãi suất huy động cao hơn nhiều so với con số công bố. Lãi suất đầu vào cao khiến lãi suất cho vay không thể giảm. Trong khi đó, trước áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và lạm phát tháng 1/2023, mặt bằng lãi suất tiền gửi ít có khả năng giảm thêm, thậm chí sớm tăng trở lại. Vì thế, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5 điểm phần trăm/năm trong nửa đầu năm 2023.
Thách thức cho thị trường vốn
“Lãi suất cho vay đang quá cao, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Không ít doanh nghiệp đang chọn phương án sản xuất cầm chừng vì càng làm càng lỗ”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính, đánh giá. Theo vị chuyên gia này, dù Ngân hàng Nhà nước cho rằng mặt bằng lãi suất ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực, nhưng lãi suất thực ở Việt Nam hiện nay quá cao.
Về điều hành chính sách tiền tệ năm 2023, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, trên cơ sở kết quả tín dụng tăng 14,17% của năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, nhưng sẽ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup, nếu lãi suất không giảm thì đây sẽ là thách thức lớn cho thị trường vốn và mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn khó khăn khi tỉ lệ hoàn vốn nội bộ để thực hiện dự án tăng lên. Đồng thời, rủi ro nợ xấu gia tăng khiến các ngân hàng thương mại sẽ lựa chọn kỹ càng hơn danh mục phê duyệt tín dụng, nhất là bất động sản. Nếu lãi suất huy động duy trì mặt bằng hiện nay (kỳ hạn dưới 1 năm từ 9-10%/năm) thì các doanh nghiệp khó có thể huy động vốn cho đầu tư phát triển.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, lạm phát khoảng 4,5% đã cho thấy thách thức rất lớn của cơ quan điều hành trong việc đảm bảo cân bằng giữa các mục tiêu, nhất là trong điều kiện dư địa chính sách tiền khá hạn hẹp. Do đó, theo ý kiến của nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, Việt Nam đang nỗ lực chống lạm phát, nhưng cũng cần phải duy trì lãi suất và tỉ giá phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Trong giai đoạn này, rất cần sự chia sẻ lẫn nhau giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cả người dân.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng MB nhận định trong quý I, II/2023 kinh tế có thể khó khăn nhưng khi lãi suất có chiều hướng đi xuống thì cầu đầu tư sẽ tăng lên. Ở kịch bản tích cực, nền kinh tế sẽ phục hồi rõ rệt từ quý III năm nay. Một số ngân hàng thương mại lớn cũng đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay. Mức lãi suất tối đa ở các ngân hàng lớn sẽ chỉ còn khoảng 8,7%/năm, thay vì mức tối đa 9,5% hiện tại.
Trong khi đó, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của VinaCapital, dự báo: “Lãi suất tại Việt Nam có thể sẽ giảm theo tiến độ năm 2022 vì giá trị của VND đã bắt đầu tăng và có khả năng tiếp tục tăng và vì áp lực lạm phát toàn cầu đang giảm bớt. Lãi suất thấp hơn sẽ mang lại lợi ích cho các bên môi giới, bất động sản và các công ty có dư nợ cao, mặc dù lãi suất thấp hơn có thể làm giảm thu nhập của các ngân hàng và công ty có số dư tiền mặt đáng kể".
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Nguyễn Hoàng
-
Trọng Hoàng
-
Thái Huệ
-
Trọng Kiên