Kiên nhẫn với vàng nhẫn
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới ghi nhận tốc độ tăng mạnh nhất và chuỗi phiên tăng dài nhất kể từ ngày 25/3. Ảnh: TL
Theo đà tăng của giá vàng thế giới, giá vàng nhẫn trong nước cũng dậy sóng và liên tục thiết lập đỉnh mới. Trong khi đó, giá vàng miếng SJC sau một giai đoạn tăng không ngừng nghỉ dường như đã chững lại và đứng ngoài xu hướng tăng giá này.
Vàng nhẫn cao hơn vàng miếng
Tính từ đầu tháng 9 đến nay, giá vàng nhẫn đã có nhiều phiên “nhảy vọt”. So với đầu năm, giá đã tăng khoảng 20 triệu đồng, tương đương mức tăng 31%. Tính ra, mức sinh lời của vàng nhẫn trơn năm nay cao hơn nhiều lần so với vàng miếng SJC là 13%.
Về nguyên tắc, việc giá vàng nhẫn theo sát và có khả năng vượt giá vàng miếng là khá bất thường do vàng miếng được ưa chuộng hơn vàng nhẫn, nhờ những ưu điểm như là thương hiệu quốc gia, chất lượng uy tín hơn, không dễ làm giả, làm nhái. Trong khi đó, vàng nhẫn có nhiều thương hiệu, khả năng làm giả, nhái dễ hơn vàng miếng. Vàng nhẫn chỉ có ưu điểm là đơn vị nhỏ, vừa túi tiền với người dân khi mua trong khi vàng miếng hiện chỉ có loại 1 lượng, nhiều tiền mới mua được.
Tuy nhiên, nghịch lý này xảy ra cũng có lý do. Giá vàng nhẫn bao năm nay vẫn diễn biến theo giá vàng thế giới, chỉ chênh lệch 3-4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Trong khi đó, vàng miếng SJC được người dân ưa chuộng, hàng khan hiếm nên có thời điểm giá cao hơn vàng nhẫn 10 triệu đồng/lượng, cao hơn giá thế giới tới 20 triệu đồng/lượng.
Sau khi có sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh và thời gian qua liên tục đứng yên, không biến động theo giá thế giới. Tuy nhiên, tại thời điểm này, vàng miếng rất khó mua, kể cả khi Ngân hàng Nhà nước bán vàng qua đấu thầu vàng và đã bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại gồm Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank, ban đầu là bán trực tiếp và đến bây giờ là bán online.
Trong bối cảnh vàng miếng không dễ tiếp cận, nhiều người dân chuyển qua vàng nhẫn trơn dẫn đến nhu cầu về vàng nhẫn tăng cao cùng với đà tăng của giá vàng thế giới. Có thể thấy, nguyên nhân đẩy giá vàng miếng và vàng nhẫn trong nước tăng cao là do nguồn cung khan hiếm. Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái nào cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Do đó, dự báo giá vàng vẫn có thể có những biến động bất thường.
Đu đỉnh hay chờ đáy?
Bên cạnh nguồn cung hạn chế, các chuyên gia cho rằng giá vàng nhẫn tăng cao như hiện tại là bình thường vì giá vàng nhẫn trong nước đang được dẫn dắt bởi giá thế giới. Theo chuyên gia kinh tế Trần Duy Phương, giá vàng thế giới tăng kéo theo giá vàng nguyên liệu quy đổi đầu vào tăng. Hiện giá vàng thế giới đang ở mức khoảng 2.630 USD/ounce, sau khi quy đổi, cộng các loại thuế phí, vận chuyển về đến Việt Nam thì giá cũng khoảng hơn 80 triệu đồng/lượng. Cộng thêm chi phí sản xuất, vận hành, giá vàng nhẫn bán ra vẫn đang nằm trong khoảng giá hợp lý. “Nếu như giá vàng nhẫn tăng hoặc giảm ngược chiều với giá vàng thế giới thì lúc đó mới bất thường”, ông Phương nhận định.
Cũng theo ông Phương, giá vàng nhẫn tăng mạnh trong thời gian qua là do giá vàng thế giới tăng quá mạnh. Còn việc giá vàng nhẫn tiệm cận với giá vàng miếng là do vàng miếng SJC đang được quản lý giá bởi Ngân hàng Nhà nước nên không thể tự tăng/giảm theo thị trường. Do đó, giá vàng miếng SJC tăng/giảm có độ trễ hơn so với giá vàng nhẫn.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới ghi nhận tốc độ tăng mạnh nhất và chuỗi phiên tăng dài nhất kể từ ngày 25/3. Hiện kim loại quý này đã tăng 120 USD/ounce sau 5 ngày liên tục leo dốc. Thời điểm hiện tại, mỗi ounce vàng trên thị trường quốc tế dao động quanh mức 2.660 USD. Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương 79,3 triệu đồng/lượng. Khoảng cách chênh lệch giữa giá “ngoại” và vàng miếng SJC đang được rút ngắn xuống còn 4,2 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng nhẫn 9999 khoảng 3,7 triệu đồng/lượng. Trong phiên, có thời điểm giá vàng thế giới thiết lập kỷ lục mới khi bật lên 2.668 USD/ounce. Tính từ đầu tháng 9 đến nay, giá vàng thế giới đã tăng thêm khoảng 160 USD/ounce, tương ứng tăng thêm trên 4,7 triệu đồng/lượng, chưa tính các loại thuế phí.
Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB dự báo, vàng có thể lên 2.700 USD một ounce trong quý IV/2024, đạt 2.800 USD vào quý I/2025, 2.900 USD vào quý II và 3.000 USD vào quý III năm sau. Rủi ro chính với kịch bản tích cực này là khả năng lạm phát bất ngờ tăng tốc trở lại, buộc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phải thu hẹp quy mô cắt giảm lãi suất dự kiến. Do đó có thể dẫn đến sự gia tăng trở lại của đồng USD và lãi suất sẽ gây bất lợi cho vàng. Ngoài ra, sự gia tăng trở lại của USD vì nhiều lý do nằm ngoài dự báo cũng có thể gây áp lực lên vàng. Trung bình mỗi năm, mức tăng trung bình của giá vàng chỉ khoảng 5-10%. Hiện giá vàng thế giới đã tăng khoảng 30% có thể là gần đạt đỉnh và sẽ có một đợt điều chỉnh giảm trước khi tăng tiếp.
Ông Đinh Tùng Lâm, Phó Giám đốc Viện Thực hành Đầu tư Tài chính Da Vinci, cho rằng nhà đầu tư không nên xuống tiền mua vàng vào thời điểm này. “Vàng lên đến giá này là đã hết biên độ, cùng lắm sẽ lên đến 85 triệu đồng/lượng, sau đó gãy. Có thể giá vàng sẽ lao dốc nên chỉ canh bán chứ tuyệt đối không nên mua”, ông Lâm nhận định.
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu giá vàng miếng vẫn còn bị kiểm soát, giá vàng nhẫn sẽ tăng mạnh trong năm nay và sang năm 2025. Nhưng nếu vàng nhẫn nóng sốt như đã xảy ra với vàng miếng, có thể sẽ bị kiểm soát và sẽ được điều chỉnh để ổn định.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư