Lãi suất rục rịch tăng, chứng khoán có ảnh hưởng?
Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.
Trong khi các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước vẫn duy trì lãi suất huy động như một điểm neo về mặt chính sách, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân nhóm 1 đã nhích dần với mức tăng trung bình từ 15-33 điểm cơ bản ở tất cả các kỳ hạn, kỳ hạn ngắn 1-3 tháng ghi nhận mức thay đổi nhiều hơn so với kỳ hạn dài.
Trong báo cáo được công bố hồi đầu tháng 6, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, theo quan sát của họ xu hướng tăng lãi suất huy động có phần hạn chế, và chưa mở rộng sang các nhóm ngân hàng khác.
Đồng thời, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của toàn hệ thống vẫn đang thấp hơn 20-46 điểm cơ bản so với đầu năm. Lãi suất huy động trên thị trường 1 (các giao dịch giữa các định chế tài chính với doanh nghiệp và dân cư) có thể tăng nhưng VDSC cho rằng mức tăng sẽ hạn chế. Kịch bản thuận lợi nhất là trở lại mặt bằng vào cuối năm 2023, và như vậy sẽ không quá ảnh hưởng đến triển vọng giảm lãi suất cho vay.
Trong thời gian tới, VDSC cho rằng việc tỉ giá có căng thẳng tiếp hay không sẽ phụ thuộc đáng kể vào lộ trình cắt giảm lãi suất của FED và xu hướng đồng USD.
“Diễn biến bên ngoài hiện đang khá thuận cho việc điều hành tỉ giá nên chúng tôi cho rằng kịch bản cơ sở là tỉ giá USD/VND có thể duy trì ở mức 25.500 đồng. Xét yếu tố trong nước, thời gian cao điểm đối với nhu cầu ngoại tệ thường rơi vào cuối quý III, đầu quý IV. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần bán tiếp ngoại tệ để ổn định tỉ giá”, VDSC nhận định.
Chia sẻ với NCĐT, bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), câu chuyện lãi suất được quan tâm rất nhiều trong thời gian gần đây, xu hướng lãi suất huy động Việt Nam đang tiếp tục tăng, giúp giữ vững vị thế đồng VND và hạ nhiệt vấn đề tỉ giá.
Khi lãi suất có xu hướng tăng trong ngắn hạn thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán. Một nhóm nhà đầu tư sẽ bắt đầu đắn đo giữa việc gửi tiết kiệm và đầu tư chứng khoán là điều hiển nhiên khi việc luân chuyển dòng tiền giữa các kênh đầu tư liên tục diễn ra trong nền kinh tế. Dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm đến nơi có lợi suất cao hơn.
Tuy nhiên, bà Thảo Như cho rằng để việc tăng lãi suất huy động thực sự ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán thì còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác, đơn cử như mức độ tăng lãi suất có đủ cao để thu hút một lượng lớn nhà đầu tư chuyển dịch sang gửi tiết kiệm, hay đơn giản thị trường chứng khoán có mất dần sự hấp dẫn để nhà đầu tư phải tìm kiếm những cơ hội ở những kênh khác.
“Có thể thấy việc điều chỉnh tăng lãi suất chỉ mang tính chất điều tiết vĩ mô trong bối cảnh hiện tại nhiều hơn là một xu hướng dài hạn và bản thân nội tại thị trường chứng khoán vẫn đang mang lại một suất sinh lợi rất tốt cho nhà đầu tư. Theo tôi, việc tăng lãi suất trong thời gian gần đây sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sức hút của thị trường chứng khoán”, bà Thảo Như chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư