Lãi suất và nút chặn tỉ giá
Cán cân thương mại tháng 1/2023 ghi nhận mức thặng dư 656 triệu USD. Ảnh: Quý Hòa
Sau đà tăng nóng đỉnh điểm đạt 25.000 VND/USD hồi tháng 11/2022, tỉ giá đã liên tục hạ nhiệt và ổn định trong gần 2 tháng. Gần đây, tỉ giá có dấu hiệu tăng trở lại, áp sát mức 24.000 VND/USD.
Ngân hàng UOB dự báo đà tăng tỉ giá sẽ tiếp diễn trong năm nay, lần lượt đạt mức 25.200 và 25.400 VND/USD trong quý I và quý II, sau đó tăng lên mức 25.600 và 25.800 VND/USD trong quý III và quý IV/2023.
Kịch bản cũ có lặp lại?
Dữ liệu của Trading View cũng cho thấy chỉ số sức mạnh đồng USD (USD Index) đã tăng gần 4% so với mức thấp nhất đầu tháng 2. Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, giá trị USD tăng lên sẽ đẩy giá trị đồng VND xuống, làm tăng tỉ giá của VND với USD, tạo ra sự bất ổn trên thị trường ngoại hối. Điều này dấy lên quan ngại đà tăng tỉ giá lần này sẽ lặp lại kịch bản hồi tháng 11 năm ngoái, tuy nhiên phần lớn các chuyên gia kinh tế cho rằng rủi ro này sẽ khó lặp lại.
Cán cân thương mại tháng 1/2023 ghi nhận mức thặng dư 656 triệu USD. Luồng USD về khá nhiều. Việc đồng USD tăng thuần túy là hoạt động kinh doanh lãi suất của hệ thống ngân hàng và chưa ảnh hưởng tới nhu cầu thật, do đó không mang tính chất hệ thống như tháng 11/2022, theo ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital.
Sự khác biệt giữa nỗi lo lần này và lần tháng 11 nằm ở dự trữ ngoại hối, suy giảm tăng trưởng ở khu vực Âu - Mỹ tiếp tục gây áp lực đến hoạt động xuất khẩu, kiều hối tuy được dự báo tăng trưởng, nhưng lại tăng trưởng thấp hơn các năm trước.
Báo cáo về di trú và phát triển do World Bank và KNOMAD cho biết, Việt Nam tiếp tục là 1 trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới, ước tính lượng kiều hối tăng 3,6-4,5% trong năm 2023, góp phần cải thiện các cán cân của Việt Nam, cũng như gia tăng nguồn dự trữ ngoại hối.
Chi tiết hơn, Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ phục hồi từ mức 89 tỉ USD cuối năm 2022 lên mức 102 tỉ USD vào cuối năm 2023, tương đương 3,3 tháng nhập khẩu. Tổ chức này cũng cho rằng thặng dư thương mại năm 2023 có thể tăng thêm 1 tỉ USD so với năm ngoái, còn tài khoản vãng lai sẽ thặng dư ở mức 1,4% GDP.
Theo phân tích của Ngân hàng Shinhan Bank, sau khi bán dự trữ ngoại hối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ thận trọng hơn khi bán ngoại tệ trong tương lai, thay vào đó có thể sẽ lựa chọn tăng lãi suất.
“Tuy nhiên, cần lưu ý tới cuộc họp tháng 3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), chỉ số lạm phát của Mỹ vẫn đang cao hơn dự kiến, do đó thị trường phỏng đoán FED sẽ tăng thêm 0,25 điểm hoặc thậm chí 0,5 điểm lãi suất. Nếu đồng USD gửi liên ngân hàng có lãi suất hơn 5%, thì lãi suất VND sẽ rất khó hạ dưới mức này”, ông Tuấn cho biết.
Thiệt hại khi tỉ giá tăng
Tỉ giá tăng có thể sẽ gây áp lực lên kế hoạch hạ lãi suất trong nước. Dù vậy, giới phân tích cho rằng áp lực tỉ giá không quá lớn là điều kiện để mặt bằng lãi suất có dư địa giảm thêm.
Tuy nhiên, việc tăng lãi suất để bảo vệ tỉ giá lại đang gặp khá nhiều khó khăn, do nền kinh tế vẫn đang chịu áp lực thanh khoản, đặc biệt là ở khu vực bất động sản, khi điểm rơi đáo hạn trái phiếu nằm trong năm 2023, người mua nhà và doanh nghiệp bất động sản vẫn đang gồng mình trả lãi. Tăng lãi suất có thể khiến áp lực lãi vay gia tăng hơn nữa và gây tổn hại đến thị trường bất động sản.
Ngược lại, nếu ổn định lãi suất thì tỉ giá sẽ tăng, kéo theo rủi ro lạm phát. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Nếu tỉ giá tiếp tục tăng, không chỉ tác động đến thị trường ngoại hối, mà còn là câu chuyện buôn lậu, mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do, hàng nhập khẩu phải mua với tỉ giá cao hơn làm tăng giá trị rổ hàng hóa khiến tăng lạm phát”.
Thêm vào đó, tỉ giá tăng còn quyết định rất lớn đến dòng vốn giải ngân của nhà đầu tư nước ngoài, khi đồng nội tệ suy yếu, dòng vốn ngoại có xu hướng tháo chạy sang các kênh tài sản được định giá bằng USD, nhằm tránh rủi ro lỗ tỉ giá. Ngược lại khi tỉ giá giảm hoặc ổn định, nhà đầu tư nước ngoài thường tích cực giải ngân qua nhiều hình thức vào Việt Nam. Dễ thấy nhất có lẽ là các động thái phản ánh trên thị trường chứng khoán.
Hàng tỉ USD đã được nhà đầu tư nước ngoài bơm vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, đồng pha với đà suy giảm và ổn định của tỉ giá. Khi gần đây tỉ giá có dấu hiệu tăng trở lại, nhóm này ngay lập tức đã giảm lượng mua ròng, thậm chí xuất hiện những phiên bán ròng đến gần 1.000 tỉ đồng.
Do vậy, dù nhiều chuyên gia nhận định tỉ giá sẽ được duy trì ổn định, nhưng các bất ngờ nếu xảy ra có thể gây rủi ro không nhỏ đến nền kinh tế và thị trường tài chính.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư