Lời khuyên của “Phù thủy chứng khoán”: Ứng phó ra sao với những trường hợp khẩn cấp?
Ảnh: Tradingreviewers
Cách tốt nhất để đảm bảo thành công trên thị trường chứng khoán là có những kế hoạch ứng phó với những trường hợp khẩn cấp…
Mark Minervini, được mệnh danh là “Phù thủy chứng khoán”. Ông là quán quân của cuộc thi “Nhà vô địch đầu tư chứng khoán Hoa Kỳ” và là tác giả của cuốn sách được nhiều nhà đầu tư tìm đọc “Trade Like a Stock Market Wizard” tạm dịch “Cách tư duy và giao dịch như một nhà vô địch đầu tư chứng khoán”.
Theo chia sẻ của ông, cách tốt nhất để đảm bảo thành công trên thị trường chứng khoán là có những kế hoạch ứng phó với những trường hợp khẩn cấp. Bởi, thị trường chứng khoán muôn hình vạn trạng và biến động liên tục với những tin tức, sự kiện xoay quanh nó.
Theo chia sẻ của phù thủy chứng khoán, bạn nên có kế hoạch ứng phó khẩn cấp cho một số tình huống sau:
Đâu là mức giá nên đóng vị thế khi giao dịch không đúng như kỳ vọng của bạn
Trước khi mua cổ phiếu, nên tính trước điểm cắt lỗ tối đa, tức là mức giá mà bạn sẽ bán toàn bộ vị thế của mình. Điều này đồng nghĩa với việc, đó là mức lỗ cao nhất có thể chịu được trong mỗi giao dịch.
Đây được xem là mức dừng lỗ ban đầu, và cần được xác định trước khi vào lệnh. Khi cổ phiếu tăng giá, điểm bán nên được nâng lên để bảo vệ lợi nhuận, hay còn gọi là dời mức stop loss.
Cổ phiếu phải diễn biến như thế nào để quyết định mua vào trở lại sau khi đã đóng vị thế giao dịch?
Một vài cổ phiếu hoàn tất tín hiệu mua nhưng sau đó lại bất ngờ điều chỉnh hoặc kéo ngược mạnh khiến bạn phải cắt lỗ. Điều này vẫn thường xảy ra trong thực tế đối với những tin tức bất ngờ, và cổ phiếu hay thị trường chung tạo gap (khoảng trống giá). Thông thường, một cổ phiếu có các yếu tố cơ bản tốt có thể hồi phục trở lại sau khi trải qua một đợt giảm mạnh và hình thành điểm mua mới.
Bạn không nên giả định một cổ phiếu sẽ nhanh chóng hồi phục sau khi đã chạm điểm cắt lỗ. Một nhà đầu tư luôn luôn phải biết bảo vệ bản thân và sẵn sàng cắt lỗ.
Cũng không nên vì lý do vừa cắt lỗ cổ phiếu đó mà trở nên ghét bỏ nó, rồi loại cổ phiếu ấy ra khỏi danh sách ứng cử viên tiềm năng. Nếu cổ phiếu quay lại xu hướng tăng, thỏa mãn những điều kiện để vào lệnh thì hãy cứ mạnh dạn tham gia và tìm kiếm điểm mua hợp lý cho cổ phiếu này.
Khi nào nên bán cổ phiếu?
Khi mua cổ phiếu, có 2 tình huống cơ bản để bán và bảo vệ lợi nhuận. Lý tưởng nhất là bán khi cổ phiếu đang tăng mạnh, sau khi đã đạt được mục tiêu giá kỳ vọng. Trường hợp thứ hai là bán khi cổ phiếu đang suy yếu, vì cổ phiếu khi đảo chiều giảm đến một mức giá nào đó sẽ là lời cảnh báo cho bạn.
Bán khi cổ phiếu đang tăng mạnh là một kỹ năng mà nhà đầu tư cần thời gian để rèn luyện. Điều quan trọng là nhận ra khi nào một cổ phiếu đang tăng giá quá nhanh và do đó dễ bị kiệt sức. Bạn có thể dễ dàng đóng vị thế khi vẫn còn nhiều người mua. Hoặc bạn có thể bán khi giá cổ phiếu đổ nhào về điểm hòa vốn sau khi xuất hiện tín hiệu suy yếu đầu tiên.
Ở cả hai trường hợp, phải có kế hoạch cụ thể để bán cổ phiếu. Nếu cổ phiếu tăng giá và mang tới khoản lãi 20%, đừng bao giờ để mất toàn bộ lợi nhuận và thậm chí là trở nên thua lỗ. Để bảo vệ lợi nhuận, hãy dời điểm cắt lỗ lên giá hòa vốn hoặc khóa 1 phần lợi nhuận. Nhà đầu tư có thể cảm thấy tiếc nuối khi đóng lệnh tại điểm hòa vốn hoặc chỉ có một khoản lãi nhỏ. Tuy nhiên, sẽ tồi tệ hơn nếu như toàn bộ lợi nhuận biến thành thua lỗ.
Theo chia sẻ của “Phù thủy chứng khoán”, thứ tự tầm quan trọng trong những trường hợp khẩn cấp được chia ra như sau:
- Giới hạn khoản lỗ, phải xác định bạn sẵn sàng chấp nhận bao nhiêu rủi ro và thiết lập một mức cắt lỗ.
- Bảo vệ nguồn vốn. Một khi cổ phiếu tăng giá và bạn có khoản lợi nhuận kha khá, nên nâng mức cắt lỗ lên, về gần điểm hòa vốn.
- Bảo vệ lợi nhuận. Đừng để một khoản lãi lớn biến mất hoặc trở thành một khoản lỗ lớn. Hãy khóa một phần lợi nhuận bằng cách dời điểm cắt lỗ lên trên.
* Có thể bạn quan tâm
►Mark Minervini, Phù thủy chứng khoán: Nên mua cổ phiếu ở giai đoạn nào?
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư