Hủy
Tài Chính

Ngân hàng lo nợ xấu

Vũ Hoài Thứ Ba | 22/08/2023 14:00

Trong ngắn hạn, ngành ngân hàng khó kỳ vọng sự bứt phá về lợi nhuận. Ảnh: Quý Hoà.

Ngành ngân hàng đang đối mặt với quá nhiều nỗi lo: nợ xấu mới phát sinh, chất lượng tài sản suy giảm, NIM thu hẹp...
 

Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2023 của các ngân hàng niêm yết cho thấy, bên cạnh kết quả kinh doanh suy giảm, nợ xấu cũng có xu hướng gia tăng.

Kinh doanh phân hóa

Theo số liệu từ Công ty Chứng khoán VNDirect, quý II/2023 tổng lợi nhuận trước thuế của 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất đạt khoảng 61.600 tỉ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Xét về tăng trưởng, con số này cũng thấp hơn nhiều so với mức tăng hơn 36% so với cùng kỳ trong quý II/2022.

Bức tranh kinh doanh của các ngân hàng thể hiện rõ sự phân hóa về tăng trưởng lợi nhuận quý II. Đầu tiên là xét theo nhóm, trong khi 3 ngân hàng thương mại nhà nước niêm yết bao gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank ghi nhận mức tăng trưởng bình quân 15% lợi nhuận trước thuế so với cùng kỳ, thì nhóm ngân hàng thương mại cổ phần niêm yết lại suy giảm về lợi nhuận với nhiều ngân hàng giảm tới 2 con số.

 

Dữ liệu thống kê của SSI Research cho thấy, trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cũng có sự phân hóa rõ nét, có ngân hàng ghi nhận tăng trưởng đến 2 con số, trong khi nhiều ngân hàng lại ghi nhận mức giảm trên 10%, thậm chí là 20%, 30% về lợi nhuận trước thuế trong quý II.

Nổi bật ở nhóm này là Sacombank với mức tăng trưởng gần 80% lợi nhuận trước thuế trong quý II/2023 so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ thu nhập lãi thuần tăng mạnh, trong bối cảnh dư nợ cho vay và lãi suất cho vay bình quân đều diễn biến tích cực. Phía Sacombank cho biết, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu của Ngân hàng đang tiếp tục được đẩy mạnh với số thu gần 2.700 tỉ đồng nợ gốc và lãi tồn đọng, nâng tổng mức thu hồi xử lý lũy kế từ khi triển khai Đề án lên gần 90.000 tỉ đồng.

Ngoài Sacombank, kết quả kinh doanh của OCB cũng rất ấn tượng khi lợi nhuận trước thuế tăng gần 75% trong quý II/2023. Bên cạnh sự cải thiện về thu nhập từ lãi cũng như doanh thu từ hoạt động dịch vụ, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng đem về cho OCB nguồn thu hơn 62 tỉ đồng trong quý II, gấp hơn 7 lần cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, ở kỳ này OCB không còn ghi nhận hơn 203,8 tỉ đồng từ lãi thuần mua bán chứng khoán đầu tư, trong khi cùng kỳ năm 2022 con số này là lỗ hơn 275,9 tỉ đồng.

Ở chiều ngược lại, VPBank, Techcombank và TPBank là 3 ngân hàng ghi nhận mức suy giảm lợi nhuận mạnh nhất so với cùng kỳ trong quý II. Đối với VPBank, nguyên nhân chủ yếu là do trong kỳ ngân hàng này đã không còn khoản thu nhập hơn 5.642 tỉ đồng từ hoạt động hỗ trợ khác và thu nhập khác giống như kỳ trước.

Ở trường hợp của Techcombank, tỉ suất lợi nhuận gộp (NIM) giảm mạnh trong quý II cùng sự suy giảm ở các mảng kinh doanh như bancassurance và ngân hàng đầu tư đã khiến lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này giảm hơn 20% so với cùng kỳ trong quý II/2023. Trong khi đó, chi phí vốn và chi phí hoạt động tăng lại là nguyên nhân kéo lùi lợi nhuận của TPBank.

Nhìn chung, kết quả kinh doanh của các ngân hàng kém khả quan trong quý II phần nhiều là do tăng trưởng tín dụng thấp và NIM sụt giảm. 

NIM thu hẹp

Theo số liệu từ VNDirect, NIM của 25 ngân hàng niêm yết lớn nhất đã giảm 32 điểm cơ bản so với cùng kỳ, xuống còn 3,41% trong quý II/2023 và là quý thứ 2 liên tiếp sụt giảm.

Trong nhóm các ngân hàng vừa và lớn, chỉ có Sacombank là ngân hàng có NIM tăng trưởng mạnh nhất khi đơn vị này không còn áp lực lãi dự thu. Ngoài ra, VIB và VietinBank cũng là 2 ngân hàng hiếm hoi có thể duy trì NIM tăng trưởng dương so với cùng kỳ nhờ tận dụng tốt nguồn vốn liên ngân hàng.

 

Trong khi đó, dữ liệu của VNDirect cho thấy, NIM của VPBank, Techcombank, LienVietPostBank và TPBank tiếp tục giảm mạnh nhất khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản vẫn gặp khó khăn về thanh khoản.

Điểm tích cực là tiền gửi không kỳ hạn (CASA) toàn ngành đã cải thiện từ mức 17,6% tại cuối quý I/2023 lên 18,2% tại cuối quý II/2023, khi lãi suất tiền gửi giảm liên tục theo 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành.

“Chúng tôi kỳ vọng chi phí vốn sẽ giảm mạnh hơn khi lần thứ 3 và 4 cắt giảm lãi suất diễn ra vào cuối quý II/2023 sẽ có hiệu lực toàn bộ từ nửa cuối năm 2023 trở đi. Tuy nhiên, chúng tôi không kỳ vọng NIM sẽ cải thiện ngay lập tức khi việc cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế”, VNDirect nhận định.

SSI Research thì cho rằng NIM được duy trì tương đối tốt tại các ngân hàng thương mại nhà nước vì tài sản sinh lời được phân bổ cân bằng hơn do tiền gửi Kho bạc Nhà nước không còn dồi dào như quý trước. Ngược lại, NIM tiếp tục giảm tại nhóm ngân hàng thương mại cổ phần do nhiều nguyên nhân, bao gồm tăng trưởng huy động quá cao so với tăng trưởng tín dụng (VPBank, HDBank), hạ lãi suất hỗ trợ khách hàng (Techcombank) hoặc tăng mạnh danh mục trái phiếu tổ chức tín dụng (MB).

Trên thực tế, các sự kiện bất thường trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và sự việc ở  Ngân hàng SCB đã ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư. Theo đó, sẽ tạo ra rào cản đối với các ngân hàng thương mại nhỏ, đặc biệt là những ngân hàng yếu hay chưa có độ nhận diện thương hiệu tốt.

Nếu như năm ngoái các ngân hàng thường thiếu room tín dụng thì năm nay room tín dụng đang còn rất nhiều. Ảnh: Quý Hoà.
Nếu như năm ngoái các ngân hàng thường thiếu room tín dụng thì năm nay room tín dụng đang còn rất nhiều. Ảnh: Quý Hoà.

Thời điểm thanh khoản khan hiếm, những ngân hàng nhỏ đã đưa ra mức lãi suất huy động khá cao, lên tới 10-12%, để phần nào bù đắp những rủi ro mà nhà đầu tư lo ngại. Động thái trên cũng ảnh hưởng đến NIM của nhóm ngân hàng này. Trong khi đó, các ngân hàng lớn, đặc biệt là nhóm ngân hàng quốc doanh lại có nhiều lợi thế hơn trong việc huy động tiền gửi với mức chi phí huy động thấp hơn đáng kể. 

Chất lượng tài sản suy giảm 

Bên cạnh việc suy giảm lợi nhuận do NIM thu hẹp và tăng trưởng tín dụng thấp, các ngân hàng còn chịu áp lực suy giảm về chất lượng tài sản. Trong đó, VPBank, OCB, VIB dẫn đầu về tỉ lệ nợ xấu, đồng thời nợ xấu cũng có xu hướng gia tăng so với quý trước ở các ngân hàng này. Số liệu của SSI Research thì cho thấy nợ xấu và nợ quá hạn hình thành mới tại các ngân hàng thương mại nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần như ACB, MB và OCB đã chậm lại đáng kể so với quý IV/2022 và quý I/2023.

Một điểm sáng trong bức tranh kinh doanh quý II/2023 của các ngân hàng là thu nhập từ hoạt động dịch vụ hồi phục so với quý trước và tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã tạo đáy trong quý I/2023 đối với hầu hết các ngân hàng.

 

Dưới góc nhìn của người trong cuộc, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Điều hành của TPBank, cho hay trong năm 2023 điều kiện trở nên khó khăn hơn và ngân hàng cũng là ngành chịu ảnh hưởng bởi những diễn biến không tích cực của thị trường. Có thể thấy thị trường bất động sản, thị trường tiêu dùng có lực cầu trì trệ... cũng đưa ngân hàng vào thế khó.

“Nếu như năm ngoái các ngân hàng thường thiếu room tín dụng thì năm nay room tín dụng đang còn rất nhiều, nhưng ngân hàng lại khó trong việc giải ngân tín dụng. Và số lượng giải ngân ra không bù được số trả nợ. Thêm vào đó, những nguồn thu lớn trước đây như thu từ dịch vụ, bảo hiểm cũng sụt giảm, nên các ngân hàng cũng gồng mình để đạt được kế hoạch lợi nhuận đề ra”, ông Hưng nói.

Cũng theo đại diện của TPBank, năm nay sẽ khó hơn cho ngành ngân hàng và nếu kỳ vọng mức lợi nhuận vượt trội thì không dễ, chưa kể khi các thị trường như thị trường bất động sản vẫn đang còn trì trệ, việc phát sinh nợ xấu liên quan cũng là chuyện có thể hiểu được, từ đó làm tăng chi phí dự phòng của các ngân hàng, qua đó gián tiếp làm giảm lợi nhuận.

Ở góc nhìn phân tích, ông Nguyễn Đức Khang, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Pinetree, cho rằng mặc dù lợi nhuận của các ngân hàng trong quý II không giảm quá nhiều, nhưng chất lượng tài sản của các ngân hàng đang đi xuống tương đối lớn, với việc nợ nhóm 3 tăng lên và độ bao phủ nợ xấu giảm đi.

“Nhóm ngân hàng trong quý II vừa rồi, tăng trưởng nhiều nhất là Sacombank với câu chuyện riêng, còn các ngân hàng khác đều có mô-típ chung là lợi nhuận giảm, đi ngang hoặc tăng nhẹ, nhưng chất lượng tài sản thì đi xuống. Tôi nghĩ xu thế này sẽ còn tiếp diễn ở quý III và quý IV. Trong ngắn hạn, ngành ngân hàng khó kỳ vọng sự bứt phá về lợi nhuận”, ông Khang nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

Câu lạc bộ vốn hóa 10 tỉ USD có thành viên mới


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới