Những nhóm ngành hấp dẫn trong những tháng cuối năm
Lĩnh vực xây dựng/vật liệu/bất động sản có thể sẽ được hưởng lợi lớn nhờ vào việc giải ngân gói hỗ trợ trong hai năm tới. Ảnh: TL.
Trong tháng 10, thị trường tiếp tục phục hồi bất chấp kết quả kinh doanh quý III/2021 chậm lại với lợi nhuận sau thuế giảm 15,5% so với quý trước (dựa trên dữ liệu của Fiinpro). Theo quan điểm của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và tái khởi động lại các hoạt động kinh tế tại TP. HCM, trung tâm kinh tế trọng điểm là động lực chính của thị trường.
Cụ thể, đã có gần 80% công dân TP. HCM (trên 18 tuổi) được tiêm vaccine đủ liều. Ngoài ra, sự sụt giảm đáng kể số ca nhiễm COVID-19 so với thời kỳ đỉnh cao ở TP. HCM từ hơn 8.000 ca xuống dưới 1.000 ca (tính đến ngày 2/11) cũng cho thấy tín hiệu tích cực trong công tác chống dịch.
Trong 10 ngày sau khi thông tin về việc phê duyệt gói hỗ trợ trị giá 4,5 tỉ USD, chỉ số SET (Thái Lan) đã tăng 1%. Đối với trường hợp của Indonesia, thị trường thậm chí còn diễn biến tốt hơn khi tăng 5% sau khi có tin tức về gói hỗ trợ. |
Tuy nhiên, VDSC đánh giá việc thị trường đã bứt phá nhanh kể từ cuối tháng 10 đã khiến cho định giá ở nhiều ngành trở nên kém hấp dẫn hơn, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cần lựa chọn cổ phiếu cẩn trọng hơn kết hợp với một kỳ hạn đầu tư dài hơn để giảm thiểu rủi ro biến động thị trường trong ngắn hạn. Trên thực tế, việc tái định giá ở nhiều ngành đã diễn ra rất nhanh trong khoảng thời gian ngắn. Trong khi một số ít ngành được xúc tác bởi kết quả kinh doanh đột biến, phần lớn các ngành còn lại hưởng lợi từ sự dồi dào của dòng vốn trên thị trường.
VDSC cho biết họ nhận thấy rằng định giá của những ngành như nông nghiệp, phân phối & sản xuất phụ tùng ô tô không thay đổi quá nhiều bất chấp kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh. Tương tự, ngành ngân hàng, kho vận chứng kiến mức định giá dao động trong biên độ hẹp nhưng tăng trưởng lợi nhuận ròng quý III/2021 lại tương đối khả quan. “Đây cũng là hai ngành mà chúng tôi đánh giá cao về khả năng được tái định giá trong những tháng cuối năm, khi tính đến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự phóng trong quý IV/2021 cũng như cho năm 2022”, VDSC nhận định.
Công ty chứng khoán này cũng đánh giá rằng những lo ngại chất lượng tài sản của nhóm ngân hàng sau làn sóng COVID-19 thứ tư nhiều khả năng là nguyên nhân chính cho diễn biến định giá ngành này. VDSC đánh giá việc các ngân hàng đã trích lập dự phòng mạnh tay trong quý III/2021 cũng hỗ trợ cho triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành trong các quý tiếp theo trong bối cảnh các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới, cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ liên quan tới thuế và lãi suất đang được kỳ vọng trong thời gian tới.
Đối với nhóm ngân hàng, VDSC vẫn cho rằng một số ngân hàng sẽ có kết quả kinh doanh khả quan như Techcombank và tốt hơn kỳ vọng như Vietinbank sẽ hỗ trợ một phần cho thị trường. Đối với cổ phiếu nhóm Vin, VDSC đánh giá cổ phiếu VHM đang có cơ hội vào thời điểm này trên nền tảng kết quả khả quan của các giao dịch bán buôn và kết quả kinh doanh ổn định của họ trong quý III/2021, cùng với triển vọng 2022.
Trong thời gian tới, VDSC dự báo hoạt động kinh tế sẽ quay lại mạnh mẽ trong quý IV. Sự hỗ trợ từ Chính phủ là một trong những yếu tố then chốt để kích hoạt nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19 với gói hỗ trợ quy mô khoảng 800.000 tỉ đồng, gấp 3,5 lần so với gói hỗ trợ của Chính phủ trong năm 2021.
Trong số các đối tượng của gói kích thích, đầu tư cơ sở hạ tầng là một trong những trụ cột quan trọng, vì vậy VDSC kỳ vọng các công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng/vật liệu/bất động sản có thể sẽ được hưởng lợi lớn nhờ vào việc giải ngân gói hỗ trợ trong hai năm tới.
Có thể bạn quan tâm
Sàn HOSE có thêm có thêm 6 doanh nghiệp tỉ USD
Khối tự doanh mua mạnh trong tháng 10
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư