Hủy
Tài Chính

Sàn HOSE có thêm có thêm 6 doanh nghiệp tỉ USD

Kim Anh Thứ Hai | 08/11/2021 09:16

Hình ảnh nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.

Thị trường chứng khoán bùng nổ đã giúp giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp bứt phá mạnh mẽ.
 

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 10/2021, chỉ số VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử mới với 1.444,27 điểm, cao nhất trong 21 năm qua, tăng 7,62% so với tháng trước, tăng 30,84% so với đầu năm.

Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 10 quay lại đà tăng với giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt khoảng 22.139 tỉ đồng và 729,2 triệu cổ phiếu, tăng 5,94% về giá trị và tăng 2,68% về khối lượng so với tháng trước.

 

Đến hết tháng 10, trên HOSE đã có 45 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỉ USD, tăng 15% số lượng công ty so với tháng trước, trong đó có 5 doanh nghiệp có vốn hóa trên 10 tỉ USD, bao gồm: Tập đoàn Vingroup (VIC), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Công ty cổ phần Vinhomes (VHM), Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) và Tổng Công ty Cổ phần Khí Việt Nam (GAS).

So với tháng 9/2021, sàn HOSE đã có thêm 6 doanh nghiệp tỉ đô là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB); Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG); Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB); Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (VND); Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE).

Năm 2020 đánh dấu hành trình 20 năm hình thành và phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam. Từ một trung tâm giao dịch chứng khoán với 2 doanh nghiệp niêm yết, đến nay đã có tới hơn 1.600 doanh nghiệp niêm yết, đăng ký giao dịch trên 2 sàn với giá trị vốn hóa trên 4 triệu tỉ đồng, tương đương 65% GDP.

 

Trong 5 năm trở lại đây, quy mô doanh nghiệp niêm yết tăng rất nhanh, từ chỗ chỉ 1 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỉ USD thì đến cuối năm 2019 là hơn 30 doanh nghiệp trên cả 2 sàn. Không những vậy, thị trường chứng khoán cũng đã chứng minh vai trò ngày càng quan trọng trong huy động vốn, cung ứng vốn trung - dài hạn cho phát triển kinh tế.

Năm 2006, thị trường chứng khoán huy động được 40.000 tỉ đồng cho nền kinh tế thì con số này đến năm 2019 là 320.000 tỉ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2018 và gấp 8 lần so với năm 2006. Góp phần tạo nên sự lớn mạnh của thị trường, không thể phủ nhận những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp đối với nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Bàn luận về quan điểm “nếu không có thị trường chứng khoán thì khó có thể có nhiều doanh nghiệp tỉ USD như hiện nay”, ông Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) cho rằng quan điểm này là chính xác vì nếu không có thị trường chứng khoán thì giá trị của một doanh nghiệp sẽ chỉ nằm ở trên sổ sách.

Khi có thị trường chứng khoán giá trị sổ sách đó mới được mang ra trao đổi giữa các nhà đầu tư với nhau. Họ sẽ định giá doanh nghiệp dựa trên doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ tăng trưởng lợi nhuận để xác định mức giá trao đổi, hay chính là giá cổ phiếu ở trên thị trường. Ngoài ra, diễn biến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp còn đến từ sự kỳ vọng của nhà đầu tư về tiềm năng tăng trưởng và tạo ra lợi ích trong tương lai của doanh nghiệp. Và đó chính là những yếu tố tạo nên giá trị tỉ đô của doanh nghiệp trên thị trường.

Có thể bạn quan tâm

Công ty chứng khoán thắng lớn mùa COVID-19

Khối tự doanh mua mạnh trong tháng 10


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới