“Phao cứu sinh” của đơn vị kinh doanh cáp treo ở Núi Bà Đen
Hình ảnh cáp treo tại Núi Bà Đen. Ảnh: PV.
Công ty Cổ phần Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (mã TCT) tiền thân là Bộ phận Cáp treo trực thuộc Công ty Du lịch Tây Ninh (nay là Công ty Cổ phần Du lịch-Thương mại Tây Ninh). Bộ phận Cáp treo chính thức đi vào hoạt động vào năm 1998 với những hoạt động chính là vận chuyển du khách, hàng hóa từ chân núi lên Chùa Bà bằng cáp treo và ngược lại. Trước xu thế hội nhập cũng như yêu cầu của việc mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho Bộ phận Cáp treo, lãnh đạo Công ty Du lịch Tây Ninh đã tách Bộ phận Cáp treo để thành lập một đơn vị độc lập, dưới hình thức là công ty cổ phần, trong đó Nhà nước nắm cổ phần chi phối.
Trước khi có COVID-19, Cáp treo Núi Bà luôn duy trì được mức lợi nhuận hàng chục tỉ đồng mỗi năm. Và điểm rơi lợi nhuận của Công ty thường là quý I hằng năm, đây cũng là thời điểm các dịp lễ, đặc biệt là Tết Nguyên Đán. Từ năm 2014 đến nay, lãi sau thuế của Cáp treo Núi Bà luôn trên mức 55 tỉ đồng mỗi năm. Đặc biệt, biên lợi nhuận của Công ty đạt mức rất cao, bình quân đạt hơn 60% trong giai đoạn 2014-2019.
2 năm COVID-19 khiến Công ty phải kinh doanh dưới giá vốn. Ảnh cắt từ BCTC của TCT. |
Tuy nhiên trong 2 năm 2020 và 2021 COVID-19 đã làm thay đổi hoàn toàn bức tranh kinh doanh của Công ty. Trong 2 năm này, Công ty thường xuyên kinh doanh dưới giá vốn. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính không đủ để bù đắp chi phí vận chuyển cáp treo và xe trượt. Mỗi quý, chi phí này lên tới chục tỉ đồng, tuy nhiên doanh thu chỉ đạt khoảng vài trăm triệu đồng. Điển hình như quý IV/2021, doanh thu chỉ đạt hơn 446 triệu đồng trong khi chi phí vận chuyển cáp treo và xe trượt lên tới hơn 10,6 tỉ đồng. Điều này dẫn đến việc Công ty đã lỗ gộp tới 10,2 tỉ đồng trong quý IV/2021.
Cả năm 2021, Công ty lỗ gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tới hơn 15,3 tỉ đồng, và năm 2020 con số này là lỗ hơn 8,4 tỉ đồng. Đây cũng là điều dễ hiểu khi với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các lệnh về giãn cách xã hội, cách ly đã được ban hành, và du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Khoản tiền gửi ngân hàng của Công ty tại thời điểm cuối năm 2021. Ảnh: TCT. |
Trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chính gặp nhiều khó khăn vì dịch COVID-19, tiền gửi ngân hàng dường như trở thành “phao cứu sinh” của Cáp treo Núi Bà. Cụ thể, năm 2021 và 2020, Công ty ghi nhận lần lượt hơn 21,7 tỉ đồng và 22,6 tỉ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, mà chi tiết hơn, đây là khoản lãi tiền gửi ngân hàng của Công ty. Chính khoản thu nhập này đã giúp Công ty thoát lỗ trong 2 năm COVID-19 này. Năm 2021, Công ty thu về hơn 2 tỉ đồng lãi sau thuế, gấp nhiều lần so với khoản lãi hơn 417 triệu đồng hồi năm 2020.
Theo số liệu trình bày trên báo cáo tài chính quý IV/2021 của Cáp treo Núi Bà, Công ty đang gửi ngân hàng hơn 51,6 tỉ đồng tại các ngân hàng. Trong đó, có 41,6 tỉ đồng là tiền gửi kỳ hạn 3 tháng, hơn 9,3 tỉ đồng là tiền gửi tại các ngân hàng thương mại cổ phần kỳ hạn 6 tháng với lãi suất từ 4,35% - 4,5%/năm
Có thể thấy, dù lãi suất đã ở mức gần như thấp kỷ lục trong lịch sử, nhưng khoản tiền lãi từ các ngân hàng đã trở thành “phao cứu sinh” của Công ty trong thời kỳ COVID-19.
Có thể bạn quan tâm
Đơn vị kinh doanh cáp treo ở Núi Bà Đen lãi hàng chục tỉ đồng mỗi năm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Vũ Hoài
-
Phi Vũ