Hủy
Tài Chính

Quỹ đầu tư mở đường cho doanh nghiệp ra biển lớn

Thứ Sáu | 25/07/2025 12:59

Sự tham gia của các quỹ đầu tư giúp Công ty Cổ phần Gỗ An Cường cải thiện quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa hoạt động. Ảnh: An Cường.

 
 
Nhiều doanh nghiệp đầu ngành hiện nay đã vươn lên mạnh mẽ nhờ dòng “vốn mồi” ban đầu, tạo đà cho việc mở rộng sản xuất.

Hành trình phát triển của các doanh nghiệp tư nhân gắn liền với từng giai đoạn mở cửa của thị trường, trong đó nguồn vốn đầu tư ban đầu giữ vai trò then chốt. Trong bối cảnh thực tiễn, Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ tạo đà mạnh mẽ, khơi thông dòng chảy vốn, mở ra cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp.

Xây nền tảng vững chắc

Nhiều doanh nghiệp đầu ngành hiện nay đã vươn lên mạnh mẽ nhờ dòng “vốn mồi” ban đầu, tạo đà cho việc mở rộng sản xuất. Điển hình, năm 2007, Hòa Phát khởi công khu liên hợp sản xuất thép tích hợp tại Hải Dương với công suất 2,5 triệu tấn/năm thép xây dựng, nhờ nguồn vốn cổ phần 47 triệu USD (tương đương 5% vốn hóa thời điểm đó) từ quỹ VOF của VinaCapital. Đến năm 2024, Hòa Phát đã nâng công suất lên 8,5 triệu tấn/năm, khẳng định vị thế dẫn đầu ngành thép.

Trường hợp điển hình khác là Công ty Gỗ An Cường, đi từ một doanh nghiệp tư nhân trong ngành gỗ nội địa đã tự tin chinh phục các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản. Bước ngoặt tăng trưởng phải kể đến khoản đầu tư của quỹ thuộc VinaCapital cũng như nhà đầu tư chiến lược từ năm 2016, đã giúp An Cường mở rộng đáng kể năng lực sản xuất, khẳng định vị thế trên bản đồ quốc tế.

VinaCapital đã sớm nhận diện và đầu tư vào những doanh nghiệp tiềm năng ngay từ giai đoạn sơ khai, khi quy mô còn khiêm tốn nhưng lại có nhiều triển vọng. Thành công hôm nay của các công ty đầu ngành không chỉ là minh chứng cho nỗ lực của các nhà lãnh đạo, mà còn khẳng định vai trò quan trọng của dòng vốn đầu tư trong việc nâng tầm các doanh nghiệp tư nhân vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo đại diện An Cường, sự tham gia của dòng vốn các quỹ đầu tư cũng như các nhà đầu tư chiến lược, đã giúp công ty xây dựng được “nền tảng vững chắc” để phát triển bền vững và vươn xa hơn trên thị trường toàn cầu.

Cụ thể, nguồn vốn này đã giúp công ty đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, chẳng hạn như dây chuyền sản xuất tự động hóa và các giải pháp công nghệ xanh. Điều này không chỉ nâng cao năng lực sản xuất mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.

Nhờ đó, An Cường đã mạnh dạn xây dựng các showroom mới, mở rộng mạng lưới phân phối, tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu và tiếp cận các thị trường tiềm năng như Mỹ và Nhật Bản. Công ty không chỉ gia tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa mà còn đẩy mạnh xuất khẩu.

“Ngoài ra, sự tham gia của các quỹ đầu tư không chỉ mang lại nguồn lực tài chính mà còn cung cấp mạng lưới quan hệ và tư vấn chiến lược, giúp An Cường cải thiện quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa hoạt động”, đại diện công ty cho biết về giá trị mà dòng vốn đầu tư chiến lược mang lại.

Định hướng tăng trưởng dài hạn khi các quỹ góp mặt cũng quan trọng không kém, với tầm nhìn chung là hướng đến bền vững. Như tại Gỗ An Cường, đóng góp lớn của các cổ đông chiến lược còn là định hướng tiêu dùng bền vững, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. “Điều này không chỉ củng cố thương hiệu An Cường mà còn thu hút thêm sự quan tâm từ các nhà đầu tư có định hướng phát triển bền vững”, đại diện An Cường nói thêm.

Hướng đến kỷ nguyên mới

Nghị quyết 68 đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực tư nhân ở mức 10-12%/năm, đóng vai trò là động lực tăng trưởng chủ đạo trong giai đoạn tới. Có nhiều mục tiêu cụ thể như tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp tư nhân từ 1 triệu lên 2 triệu vào năm 2030 và 3 triệu vào năm 2045, với năng lực cạnh tranh ở cả khu vực và quốc tế. Việt Nam cũng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh về vốn, công nghệ, hệ thống và chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Nghị quyết cũng nhắc đến nhiều ưu đãi cụ thể như miễn giảm thuế phí và cắt giảm thủ tục hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực chiến lược như công nghệ, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo và sản xuất xanh. Sự thay đổi này sẽ mang lại cơ hội mới chung cho toàn thị trường.

Với những bài học thành công từ các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn trước, cùng các ưu đãi cụ thể được nêu trong Nghị quyết 68, bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, bày tỏ sự tự tin rằng tầm nhìn xây dựng một thế hệ doanh nghiệp tư nhân mới, vững mạnh và giàu tiềm năng là hoàn toàn khả thi.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện An Cường tin rằng Nghị quyết 68 thực sự là một động lực mạnh mẽ thúc đẩy các quỹ đầu tư rót vốn vào khối doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam. Nghị quyết mang đến những thay đổi mang tính cách mạng trong tư duy và chính sách, với các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, từ đó giúp tăng cường tiếp cận vốn và giảm rào cản cho doanh nghiệp tư nhân.

“Với An Cường, một doanh nghiệp trong ngành gỗ có nhu cầu đầu tư vào công nghệ, mở rộng thị trường và phát triển bền vững, những chính sách này không chỉ giúp chúng tôi tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn mà còn tạo cơ hội thu hút các quỹ đầu tư quan tâm đến các doanh nghiệp có tiềm năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Nghị quyết 68 không chỉ là "cơn mưa rào" giải tỏa những khó khăn về vốn mà còn là "đường băng" để các doanh nghiệp như An Cường cất cánh, phát triển mạnh mẽ hơn trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế”, đại diện An Cường nói.

Trong bối cảnh thị trường “mở cửa”, các doanh nghiệp tư nhân đứng trước cơ hội lớn để thu hút dòng vốn tăng trưởng giá trị từ các quỹ đầu tư như VinaCapital. Với vô số lĩnh vực và doanh nghiệp tiềm năng đang chờ được “ươm mầm”, triển vọng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của hệ sinh thái kinh doanh là vô cùng rộng mở.

Đó có thể là cơ hội từ doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hoặc startup công nghệ có tiềm năng mở rộng quy mô, hay các doanh nghiệp tư nhân tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và đổi mới sáng tạo. Mô hình hợp tác công-tư (PPP) cũng được thúc đẩy mạnh mẽ, mở ra cánh cửa cho các quỹ đầu tư tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia về cơ sở hạ tầng, năng lượng và công nghệ cao.

“Nghị quyết 68 không làm thay đổi tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp đầu tư của VinaCapital, mà góp phần củng cố niềm tin của chúng tôi vào khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích tiếp tục tìm kiếm và đồng hành cùng các doanh nghiệp tiềm năng, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tư nhân Việt Nam, như cách mà chúng tôi đang làm trong hơn 20 năm qua”, bà Phương nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới