Hủy
Tài Chính

Room tín dụng vẽ lại lợi nhuận ngân hàng

Minh Đức Thứ Năm | 15/09/2022 07:00

Hết tháng 8, mức tăng trưởng tín dụng đạt 9,91%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước. Ảnh: TL

 
 
Việc nới room tín dụng sẽ phân hóa mạnh lợi nhuận của các ngân hàng trong những tháng cuối năm.

Sau thời gian chờ đợi, lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước đồng loạt nới hạn mức tín dụng cho 15 tổ chức tín dụng trong năm nay với mức điều chỉnh cấp thêm từ 1-4%. Đáng chú ý, Vietcombank được nới thêm 2,7% so với mức trần cũ là 15% nên còn dư địa cho vay mới tối đa khoảng 32.000 tỉ đồng trong 4 tháng còn lại của năm.
Agribank được nới thêm room 3,5% so với mức cũ là 7%, sẽ còn dư địa khoảng 50.000 tỉ đồng để tung ra thị trường đến hết năm. Sacombank được giao thêm room 4% so với hạn mức cũ là 7%. Tính trên tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỉ đồng vào cuối quý II, ngân hàng này còn dư địa tăng trưởng hơn 11.000 tỉ đồng đến hết năm. Một ngân hàng tư nhân khác (có kế hoạch nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém) cũng được cấp thêm room tín dụng khoảng 3%. Hạn mức tín dụng cũng được nới cho HDBank (3,4%), MB (3,2%), OCB (3,1%), VIB (3%)...

 

Việc nới hạn mức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong bối cảnh nhu cầu tín dụng của nền kinh tế rất cao sau dịch bệnh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn cho thấy quan điểm thận trọng trong việc cấp hạn mức tín dụng khi nền kinh tế đối mặt với yêu cầu cao về kiểm soát lạm phát, ổn định tỉ giá, ứng phó với tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động khó lường. 

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, đánh giá trước nguy cơ lạm phát chi phí đẩy nghiêm trọng do giá đầu vào tăng cao, nếu nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ làm lạm phát chi phí đẩy bị khuếch đại lên; ngược lại, nếu siết chặt sẽ làm cung giảm, đồng nghĩa giá sẽ tăng. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank, cho biết đầu năm, Vietcombank được giao hạn mức tín dụng là 10% nhưng đến nay đã tăng trưởng 9%. Do đó, việc được nới room là cần thiết để ngân hàng này tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn...

Hết tháng 8, mức tăng trưởng tín dụng đạt 9,91%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước. Hầu hết ngân hàng đã chạm trần tăng trưởng tín dụng được cấp từ đầu năm khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay. Từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước không giao hết chỉ tiêu 14% tăng trưởng tín dụng mà chỉ giao khoảng 11,5%. Phần còn lại (khoảng 3,5%) sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao; có tỉ lệ cho vay vào lĩnh vực bất động sản thấp; có tỉ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thấp và hỗ trợ các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý các tổ chức tín dụng, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh...

 

Việc cấp thêm tín dụng hạn chế cho một số ngân hàng sẽ ảnh hưởng tới bức tranh lợi nhuận của hệ thống từ nay đến cuối năm. “Lợi thế tăng trưởng cuối năm sẽ thuộc về những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong đợt tới”, chuyên gia phân tích FiinGroup nhận định. Theo thống kê của FiinGroup, có 26/27 ngân hàng niêm yết đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 33% trong năm 2022, nhưng khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm tương đối thấp nếu không có thêm hạn mức tín dụng.

Thị trường ghi nhận nhiều ngân hàng đạt lợi nhuận cao  trong quý II nói riêng và trong 6 tháng đầu năm nói chung là nhờ hoạt động tín dụng và nguồn thu từ phí. Trong đó, hoạt động tín dụng đem lại nguồn thu cao nhất. Một số ngân hàng đạt mức lợi nhuận khả quan như Vietcombank lãi trước thuế 17.373 tỉ đồng, tăng 28%; VPBank lãi 15.323 tỉ đồng, tăng 69,9%; Techcombank lãi 14.107 tỉ đồng, tăng 22,3%... so với cùng kỳ năm ngoái. Các ngân hàng thương mại khác cũng lần lượt báo kết quả kinh doanh tăng trưởng như SHB có lợi nhuận trước thuế 6 tháng đạt gần 5.900 tỉ đồng (tăng 84%), LienVietPostBank đạt 3.588,5 tỉ đồng (tăng 76%, tương đương 74,7% kế hoạch năm), TPBank đạt hơn 3.787 tỉ đồng (tăng 26%), ABBank đạt 1.632 tỉ đồng (hoàn thành 53% kế hoạch năm)...

Tuy nhiên, dự báo nửa cuối năm, lợi nhuận nhiều ngân hàng sẽ giảm do room tín dụng ngày càng co cụm. Khi room tín dụng không được nới rộng, các ngân hàng có thể phải tăng lãi suất cho vay để bù đắp lợi nhuận. Việc các ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất huy động thời gian gần đây sẽ dẫn tới khả năng tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) 6 tháng cuối năm bị thu hẹp. Mặt khác, thu nhập phí khó tăng trưởng đủ để bù đắp cho khoản hụt của thu nhập lãi thuần, do các ngân hàng đã đồng loạt giảm phí để thu hút tỉ lệ huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA)...

Trước xu hướng này, lãnh đạo Agribank cảnh báo, các ngân hàng nên kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, nếu không sẽ gây ra cuộc đua tăng lãi suất huy động, giành giật vốn giữa các ngân hàng, từ đó tăng lãi suất cho vay, làm gia tăng lạm phát. Báo cáo của FiinGroup dự báo lợi nhuận trong những tháng cuối năm 2022 của các ngân hàng có khả năng phân hóa mạnh. Với những ngân hàng cạn room tín dụng khó tránh khỏi nguy cơ lợi nhuận quý III suy giảm. Lãnh đạo một ngân hàng khác chia sẻ, khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2022 không còn chắc chắn như trước khi nợ xấu có dấu hiệu tăng, đòi hỏi phải trích lập dự phòng rủi ro cao hơn


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới