Tăng trưởng GDP sẽ đạt mục tiêu trong năm 2025
Với những biện pháp kích thích kinh tế phù hợp của Chính phủ, tăng trưởng GDP dự báo đạt mục tiêu 6,5% trong năm 2025. Ảnh: TL.
Dịch chuyển động lực tăng trưởng kinh tế
Bước sang năm 2025, kinh tế Việt Nam đối diện nhiều thay đổi khi động lực tăng trưởng dần dịch chuyển từ xuất khẩu và du lịch sang tiêu dùng nội địa, bất động sản và đầu tư công. Với kỳ vọng GDP đạt 6,5%, chuyên gia của VinaCapital nhận định Chính phủ cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh bộ ba tỉ giá, lạm phát và lãi suất đang có dấu hiệu ổn định.
Trong buổi livestream cập nhật về kinh tế - thị trường chứng khoán năm 2025 mới đây, bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán, VinaCapital cho rằng trong năm 2025, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có lẽ không được mạnh như năm 2024. Tăng trưởng khách quốc tế đến Việt Nam cũng sẽ chậm lại sau hai năm bùng nổ hậu COVID. Chi tiêu đầu tư công, dù dự báo sẽ tăng cao hơn so với năm 2024, nhưng không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt động lực kinh tế từ hai yếu tố trên. Do đó, nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng nội địa.
Nguồn: VinaCapital. |
Theo bà Thu, tiêu dùng nội địa trước giờ đã là một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, chiếm khoảng 60% GDP. Tuy nhiên, trong năm 2024, tiêu dùng nội địa chưa thực sự ấn tượng và chưa đạt kỳ vọng. Năm nay, VinaCapital có nhiều lý do để tin rằng tiêu dùng nội địa sẽ quay trở lại.
“Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ nhận thấy rõ những khó khăn của nền kinh tế và sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi thị trường bất động sản, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, cùng với các chính sách kích cầu khác như duy trì giảm thuế VAT hay giảm thuế trước bạ để kích thích tiêu dùng trong nước.
Dù lạc quan, chúng tôi nhận thấy tiêu dùng trong nước là yếu tố khó dự báo hơn các yếu tố khác. Một tín hiệu tích cực là tâm lý người tiêu dùng gần đây đã cải thiện, và thị trường bất động sản cũng đang có dấu hiệu tan băng dù tốc độ còn chậm. Chúng tôi rất lạc quan rằng, với những biện pháp kích thích kinh tế phù hợp của Chính phủ, tăng trưởng GDP sẽ đạt mục tiêu 6,5% trong năm 2025”, bà Thu nhận định.
Từ trái qua phải: Ông Thái Quang Trung, CFA, Giám đốc Đầu tư, VinaCapital, bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng Giám đốc Khối Đầu tư Chứng khoán, VinaCapital. |
Liên quan đến bộ ba tỉ giá, lạm phát và lãi suất, chuyên gia của VinaCapital cho rằng bộ ba này sẽ duy trì ổn định ở mức tương đối. Lạm phát dự kiến ở mức khoảng 3,5%, thấp hơn ngưỡng trần 4% của Chính phủ. Lãi suất có thể tăng nhẹ nhưng vẫn nằm ở mức dễ chịu để hỗ trợ nền kinh tế. Tỉ giá dự báo sẽ biến động trong biên độ hẹp hơn so với năm 2024, cụ thể khoảng 3%.
Cho năm 2025, VinaCapital kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2025 sẽ đạt mức 6,5-7%, tương đương năm 2024. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng dự kiến sẽ chuyển dịch từ sản xuất và du lịch sang tiêu dùng, bất động sản, và đầu tư công.
Triển vọng từ định giá và lợi nhuận
Liên quan đến triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025, ông Thái Quang Trung, CFA, Giám đốc Đầu tư, VinaCapital cho rằng, có hai yếu tố chính cấu thành nên giá cổ phiếu, bao gồm định giá và lợi nhuận.
Nguồn: VinaCapital. |
Về mặt định giá, ông Trung cho rằng trong khoảng thời gian một năm, yếu tố này thường biến động nhiều hơn. Bộ ba tỉ giá, lạm phát và lãi suất năm 2025 được kỳ vọng sẽ ổn định hơn năm 2024, điều này giúp giảm bớt lo ngại về yếu tố định giá. Bên cạnh đó, định giá thị trường còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như chính sách tiền tệ, rủi ro địa chính trị, hoặc các sự kiện như nâng hạng thị trường. Nếu Việt Nam có những cập nhật sớm về nâng hạng thị trường, thì sẽ có những tác động thuận chiều đến định giá thị trường. Ngược lại, nếu bộ ba tỉ giá, lạm phát, lãi suất có bất kỳ biến động ngoài dự kiến nào, định giá thị trường có thể chịu ảnh hưởng.
“Dù vậy, mức định giá của thị trường trong hai năm vừa qua đã cho thấy sự kiên cường, nên chúng tôi không quá bi quan về triển vọng định giá năm 2025”, ông Trung nói thêm.
Về yếu tố lợi nhuận, chuyên gia của VinaCapital dự báo các doanh nghiệp trong danh mục nghiên cứu của họ, chiếm khoảng 90-95% vốn hóa thị trường, sẽ tăng lợi nhuận bình quân từ 15-20% trong hai năm tới. Doanh thu có thể tăng trưởng hai chữ số nếu không gặp những tác động ngoại biên quá lớn.
Theo ông Trung, nếu các doanh nghiệp cải thiện hiệu quả hoạt động, kiểm soát chi phí tốt, biên lợi nhuận được cải thiện, thì lợi nhuận có thể đạt mức tăng trưởng vượt trội hơn so với doanh thu.
Với một số “cơn gió ngược” như chi phí cước tàu tăng hay biến động từ bên ngoài, đại diện của VinaCapital cũng đánh giá tích cực về cách đối phó và thích nghi của các doanh nghiệp trong dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
Lợi nhuận toàn thị trường có thể tăng 18% vào năm 2025
Nguồn Theo VinaCapital
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Vũ Hoài