Hủy
Tài Chính

Thanh khoản sàn HOSE lên cao nhất trong hơn 1 năm

Song Luân Thứ Năm | 08/06/2023 16:59

Kết phiên 8/6, sắc đỏ chiếm chủ đạo ở sàn HOSE. Ảnh: VNDirect.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại một phiên "rực lửa" với giá trị giao dịch cao nhất trong hơn 1 năm qua.
 

Có thể nói, kể từ thời điểm cuối năm 2022 đến nay, thanh khoản của thị trường thường xuyên ở mức thấp, và chỉ khoảng dưới 15.000 tỉ đồng mỗi phiên. Ở giai đoạn thị trường "dò đáy" hay những tháng đầu năm 2023, có những phiên chỉ giao dịch 5.000-6.000 tỉ đồng mỗi phiên ở sàn HOSE. 

Đến tháng 5, thị trường dần trở nên sôi động hơn với giá trị khớp lệnh ở sàn HOSE thường đạt trên 10.000 tỉ đồng mỗi phiên. Sau hơn 1 năm thanh khoản "ngụp lặn", phiên giao dịch 8/6 khép lại với tổng giá trị giao dịch ở sàn HOSE đạt hơn 23.600 tỉ đồng, mức cao nhất trong hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, phiên giao dịch này lại khiến tài khoản của nhà đầu tư "nhảy nhót" nhanh chóng. Nhiều cổ phiếu được giao dịch với biên độ khá rộng, phiên sáng xanh mạnh, phiên chiều lại "đỏ lửa". 

Phần lớn các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ. Ảnh: VNDirect.
Phần lớn các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ. Ảnh: VNDirect.

Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm hơn 8 điểm với độ rộng nghiêng hẳn về bên bán. Toàn sàn HOSE có 269 mã giảm và chỉ có 139 mã tăng. Trong khi nhóm VN30 cũng không nằm ngoài sắc đỏ của thị trường. Nhóm này ghi nhận 23 mã giảm và chỉ có 6 mã tăng, chỉ số VN30 còn ghi nhận mức giảm hơn 13,2 điểm, mạnh hơn so với VN-Index. 

Cổ phiếu VCB vượt mức 100.000 đồng/cổ phiếu, trở thành lực đỡ chính đối với chỉ số. Ảnh: VNDirect.
Cổ phiếu VCB vượt mức 100.000 đồng/cổ phiếu, trở thành lực đỡ chính đối với chỉ số. Ảnh: VNDirect.

Đáng chú ý ở nhóm VN30, cổ phiếu của Ngân hàng Vietcombank (mã VCB) đã cán mốc 100.000 đồng/cổ phiếu, đóng góp tích cực nhất trong việc giữ nhịp của chỉ số.  Và đây cũng là vùng giá cao nhất của cổ phiếu VCB kể từ khi được niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), về vĩ mô, trạng thái nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng và khó dự báo đặc biệt đối với thị trường bất động sản và thị trường xuất khẩu (do kinh tế thế giới đang suy giảm nên ảnh hướng tới các đơn hàng). Tuy nhiên, SHS cho rằng việc lãi suất đang có xu hướng giảm và ổn định giúp dòng tiền trong thị trường trở nên bình ổn hơn.

Ngoài ra định hướng lãi suất của Fed cũng khó đoán và chỉ được quyết định trong cuộc họp diễn ra tuần tới cũng là yếu tố có thể tác động tới thị trường chung. Về tổng thể nhìn chung tâm lý của nhà đầu tư đang dần ổn định hơn và do đó, SHS nhận định thị trường đã chuyển đổi sang giai đoạn hậu tích lũy và đang khởi động quá trình tạo dựng uptrend.

SHS cho rằng các nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng, tránh mua đuổi giá cao và chỉ nên giải ngân nếu thị trường điều chỉnh. Với nhà đầu tư trung, dài hạn nếu đã cơ cấu tốt thì hiện tại có thể tiếp tục nắm giữ, trong trường hợp muốn gia tăng tỉ trọng, nhà đầu tư có thể tận dụng mua vào ở các nhịp điều chỉnh, mục tiêu giải ngân đầu tư trung, dài hạn nên hướng tới các nhóm cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu đang tích lũy và không bị điều chỉnh sâu, có kỳ vọng kết quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. “Chiến lược giải ngân trung - dài hạn nên là gia tăng giải ngân trong các giai đoạn thị trường điều chỉnh giảm”, SHS nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Còn quá sớm để nói tăng trưởng kinh tế đã đi qua vùng trũng


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới