Thử thách đỉnh 16%
Với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gần 8%, tín dụng dự kiến tăng trưởng 16%, nhưng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng.
Ngay trong đầu năm 2025, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%. Đây là con số đáng chú ý vì trong gần 10 năm qua, mục tiêu tăng trưởng tín dụng thường quanh mức 12-15%. Vì vậy, 16% được nhận định là đánh dấu bước chuyển lớn trong chiến lược điều hành chính sách tiền tệ. Nhất là trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đạt mức tăng trưởng GDP 8% cho năm 2025 khi tập trung nhiều giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.
Có thể thấy, có 2 yếu tố chính thúc đẩy hoạt động tín dụng năm 2025 gồm sự phục hồi của hoạt động sản xuất và thương mại, nhờ nhu cầu trong và ngoài nước tăng lên; việc giải ngân đầu tư công cao trong năm 2025 dự kiến tạo việc làm và hỗ trợ nhu cầu tín dụng. Nếu hoàn thành mục tiêu đặt ra ở mức 16%, dư nợ tín dụng của nền kinh tế sẽ đạt mức hơn 18,1 triệu tỉ đồng vào cuối năm, tức tổng dư nợ có thể tăng thêm trong năm 2025 gần 2,5 triệu tỉ đồng.
Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS, với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gần 8%, tín dụng dự kiến tăng trưởng 16%, nhưng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng.
Việc giao chỉ tiêu tín dụng từ đầu năm giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc lập kế hoạch và triển khai kinh doanh. Theo đó, có 3 câu chuyện định hình ngành ngân hàng năm 2025 gồm tín dụng, NIM và chất lượng tài sản. Năm 2025, nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcap kỳ vọng NIM cải thiện được thúc đẩy bởi nhu cầu tín dụng mạnh hơn từ mảng cho vay bán lẻ, giảm các gói hỗ trợ cho khách hàng khi nền kinh tế phục hồi và chất lượng tài sản cải thiện. NIM dự kiến tăng 0,14% đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước và tăng 0,1% đối với nhóm ngân hàng tư nhân trong năm 2025. Dự phóng tổng NIM năm 2025 đạt 3,68% và tăng lên 3,79% trong năm 2026.
Trong khi đó, chất lượng tài sản sẽ được cải thiện nhờ vào các yếu tố như môi trường lãi suất thấp và nhu cầu tín dụng mạnh. “Trong năm 2025, dự báo tỉ lệ nợ xấu cộng tỉ lệ nợ xấu đã xử lý bằng dự phòng cùng nợ nhóm 2 là 3,92% (giảm 0,45 điểm phần trăm). Tỉ lệ xử lý nợ sẽ tăng cao khi các ngân hàng tiếp tục làm sạch bảng cân đối kế toán”, báo cáo Vietcap nhận định.
Cụ thể hơn, nhờ động lực từ tăng trưởng tín dụng, cải thiện NIM, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2025 của nhóm ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, MB, Sacombank và VIB sẽ tăng trưởng 14,9%, thấp hơn so với mức tăng trưởng dự kiến 16,2% năm 2024. Công ty Chứng khoán VCBS đưa ra dự báo lợi nhuận của các ngân hàng MB, ACB, MSB, HDBank, Techcombank, VIB... có thể tăng 20-26%.
Các phân tích đều kỳ vọng thị trường bất động sản năm 2025 phục hồi cộng với việc thúc đẩy đầu tư công của Chính phủ sẽ kích thích nhu cầu tín dụng gia tăng, hỗ trợ lợi suất cho vay của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2025.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025, hệ thống ngân hàng phải đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, nợ xấu tăng cao trong bối cảnh kinh tế hồi phục chậm là một rào cản lớn. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong năm 2025, nợ xấu vẫn là một bài toán khó. Sức ép nợ xấu vẫn kéo dài sang năm 2025 khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực thì tất cả các khoản cơ cấu nợ sẽ là áp lực với các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cũng không đồng đều, đòi hỏi các ngân hàng phải có biện pháp giám sát chặt chẽ, đảm bảo tín dụng không chảy vào các kênh đầu cơ. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cũng đánh giá sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn chậm khi thị trường chứng khoán, bất động sản được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn.
Về vĩ mô, chính sách tiền tệ năm 2025 sẽ đối mặt với không ít thách thức, với dư địa nới lỏng ngày càng hạn hẹp. Tỉ giá vẫn chịu nhiều áp lực vì USD được dự báo vẫn sẽ mạnh trước tác động của các chính sách kích thích kinh tế dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Bên cạnh đó, áp lực lạm phát có thể quay trở lại do ảnh hưởng của căng thẳng địa chính trị gia tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu lại đứt gãy.
Vì vậy, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2025, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank, cho rằng Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, song linh hoạt để thích nghi với bối cảnh có nhiều thay đổi, nhằm duy trì được sự cân bằng tối ưu giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỉ giá và lãi suất.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Minh Đức