Thương mại nới lỏng, tỉ giá căng lên?

Tính riêng tại TP. HCM hơn 5,2 tỉ USD kiều hối chuyển về thành phố trong nửa đầu năm 2025. Ảnh: TL.
Ngày 3/7, Việt Nam trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đạt được thỏa thuận thuế quan với Mỹ với mức thuế suất 20% cho hàng hóa Việt Nam và 40% cho hàng hóa trung chuyển, có hiệu từ ngày 1/8/2025. Mức thuế suất này cơ bản thấp hơn so với được công bố ban đầu vào ngày 2/4, đồng thời đây là tín hiệu tích khi các nước xuất khẩu cạnh tranh với Việt Nam hiện đều có mức thuế cao hơn. Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ giảm thuế về 0% cho hầu hết các mặt hàng nhập từ Mỹ.
Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán MB (MBS), tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong 6 tháng cuối năm do nhu cầu sẽ giảm sau khi các nhà nhập khẩu Mỹ đẩy mạnh tích trữ hàng hóa trước hạn thuế quan đầu tháng 7. Cùng với đó, thị trường cần thời gian để có định nghĩa cụ thể về các loại hàng hóa, chẳng hạn như quy định về nguồn gốc xuất xứ cho “hàng hóa trung chuyển”.
![]() |
Nguồn: MBS. |
“Đây cũng là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam gia tăng tỉ lệ nội địa hóa nguồn cung ứng linh kiện và nguyên liệu, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển, và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, với việc giảm thuế 0% và tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ nhằm thu hẹp thâm hụt Thương mại giữa hai nước, sẽ gây áp lực lên tỉ giá USD/VND trong thời gian tới đồng thời giảm nguồn thu ngân sách khoảng 4.400 tỉ đồng”, MBS nhận định.
Tỉ giá USD/VND theo công bố của Vietcombank hiện đang quanh mức 26.320 đồng, tăng hơn 3% so với cuối năm 2024, mức tăng này chủ yếu đến từ yếu tố trong nước khi đồng USD (DXY) giảm đáng kể trong 6 tháng đầu năm (từ mức 110 điểm về 97 điểm).
Chia sẻ với NCĐT, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Asean cho rằng tác động của việc giảm thuế nhập khẩu về 0% cùng với khả năng gia tăng nhập khẩu hàng Mỹ sẽ thúc đẩy cầu về USD và tạo ra ảnh hưởng tăng tỉ giá USD/VND.
![]() |
Mặc dù vậy, diễn biến này của tỉ giá sẽ được cân đối nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Thứ nhất, giai đoạn cao điểm nhập khẩu nguyên vật liệu (cầu về USD lớn) phục vụ cho hoạt động xuất khẩu cuối năm cũng như “tránh” thuế đối ứng đã đi qua.
Thứ hai, nguồn cung USD dự kiến sẽ dồi dào hơn trong những tháng cuối năm 2025 nhờ kiều hối, chi tiêu của khách du lịch quốc tế và dòng vốn nước ngoài gia tăng trong kịch bản thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng theo phân loại của FTSE Russell.
Chi tiết hơn, tính riêng tại TP. HCM hơn 5,2 tỉ USD kiều hối chuyển về thành phố trong nửa đầu năm 2025. Về lượng khách quốc tế, dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm 2025, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10,7 triệu lượt người, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua, các cơ quan ban ngành đã từng bước tháo gỡ điểm nghẽn trong mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nếu được nâng hạng, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút khoảng 25 tỉ USD vốn đầu tư gián tiếp đến năm 2030.
“Đối với hoạt động điều hành, kiểm soát tỉ giá hối đoái, chúng tôi nhận thấy Ngân hàng Nhà nước trong 1 tháng qua chủ yếu thực hiện thăm dò thông qua kênh tín phiếu với quy mô phát hành không lớn, lãi suất thấp và không liên tục. Ngược lại, kênh mua kỳ hạn (bơm tiền) vẫn được duy trì với quy mô lớn cho thấy ưu tiên trong công tác điều hành chính sách tiền tệ vẫn là tăng trưởng kinh tế”, ông Tâm chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Nắn dòng tiền 2,5 triệu tỉ đồng
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
