Hủy
Tài Chính

Tiền nhiều để làm gì?

Lam Hồng Thứ Năm | 10/07/2025 14:00

“Vua tiền mặt” thường là những doanh nghiệp tăng trưởng đáng kể về doanh thu, đặc biệt từ hoạt động kinh doanh chính. Ảnh: TL.

 
 
Sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ, các doanh nghiệp “vua tiền mặt” có nhiều lợi thế trong bối cảnh kinh tế còn nhiều biến động và cả cơ hội mới.

Tập đoàn Vingroup (VIC) đang giữ lợi thế trong đường đua tới ngôi vương tiền mặt trong quý I. Vingroup đang dẫn đầu với doanh thu 84.053 tỉ đồng, tăng 287% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025. Đây là mức doanh thu cao kỷ lục của tập đoàn này trong một quý, cho thấy hoạt động kinh doanh đang tạo ra dòng tiền mạnh mẽ. 

Mặc dù chi phí cũng tăng, nhưng doanh thu tăng trưởng ấn tượng vẫn là yếu tố quan trọng. Mảng bất động sản trở thành động lực chính với hơn 55.000 tỉ đồng, còn mảng sản xuất cũng mang về doanh thu 15.700 tỉ đồng. Công ty lãi ròng gần 7.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, VinFast, một trụ cột trong hệ sinh thái của Vingroup, chứng kiến tăng trưởng doanh thu gần 150% trong quý I/2025, đạt 16.306,4 tỉ đồng. Doanh số toàn cầu của VinFast cũng đạt 36.330 xe, gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này của VinFast góp phần đáng kể vào dòng tiền và doanh thu hợp nhất của Vingroup. 

 

Bám sát ngay sau đó là Viettel Global (VGI) với hơn 39.600 tỉ đồng. Công ty vừa xác lập chuỗi 6 quý liên tiếp tăng trưởng doanh thu trên 20%, với quý I đạt 9.657 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.310 tỉ đồng. Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh cốt lõi của Viettel Global đang tạo ra dòng tiền rất mạnh mẽ. Công ty không chỉ dừng lại ở vai trò nhà mạng viễn thông truyền thống mà đã chuyển hướng mạnh sang cung cấp các dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp và chính phủ tại các thị trường nước ngoài. 

“Vua tiền mặt” thường là những doanh nghiệp tăng trưởng đáng kể về doanh thu, đặc biệt từ hoạt động kinh doanh chính. Điều này cho thấy khả năng tạo ra dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh tốt. Lợi nhuận cao đi kèm với quản lý chi phí hiệu quả giúp tối ưu hóa dòng tiền. Các doanh nghiệp “vua tiền mặt” thường có biên lợi nhuận tốt, không phụ thuộc quá nhiều vào các khoản thu nhập bất thường. 

 

Chẳng hạn, ngành năng lượng chiếm giữ 2 vị trí trong Top 4 của “vua tiền mặt”. Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) ở vị trí thứ 3 với gần 37.300 tỉ đồng và Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) đứng thứ 4 với 37.000 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) tiếp tục nằm trong Top 5 với hơn 35.000 tỉ đồng nhờ kết quả kinh doanh lạc quan trong quý đầu năm. Đặc biệt, lợi nhuận ròng của MWG tăng tới 71% so với cùng kỳ, đạt 1.550 tỉ đồng, mức cao thứ 2 trong lịch sử doanh nghiệp.

Mặc dù dư dả tiền mặt nhưng các doanh nghiệp này có thể thận trọng trong việc đầu tư mở rộng quy mô quá mức, thay vào đó tập trung vào hiệu quả của dòng tiền. Đối với các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, khả năng thu hồi vốn và dòng tiền về từ các thị trường/dự án đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng lượng tiền mặt.

Cũng có những doanh nghiệp tận dụng dòng tiền để đẩy mạnh đầu tư vào các dự án chiến lược, tạo nền tảng cho tăng trưởng dài hạn. Chẳng hạn, MWG có lượng tiền mặt lớn và đang sử dụng lợi thế này một cách đa dạng và chiến lược để củng cố vị thế và tìm kiếm các nguồn tăng trưởng mới. Ông Vũ Đăng Linh, Tổng Giám đốc MWG, cho biết hoạt động cốt lõi của Công ty vẫn là kinh doanh bán lẻ. Khi dòng tiền ổn định và có cơ hội, MWG sẽ dùng để đầu tư tài chính. Nhưng khoản đầu tư vẫn rất thận trọng, chủ yếu gửi ngân hàng hoặc giao dịch với đối tác uy tín.

Thực tế, nhiều năm qua, một phần đáng kể trong lượng tiền mặt của MWG được gửi vào ngân hàng dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn. Báo cáo tài chính quý I/2025 cho thấy MWG ghi nhận gần 7.000 tỉ đồng cho vay ngắn hạn với các công ty đối tác và hưởng lãi suất. 

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành Công (TCSC), một số doanh nghiệp lớn về quy mô và thương hiệu có lợi thế khi thương lượng với các ngân hàng trong việc vay vốn lưu động lãi suất thấp, đồng thời gửi tiền tiết kiệm với lãi suất tốt hơn. Điều này cũng giúp hoạt động “kinh doanh tiền” của các công ty được tối ưu và hiệu quả.

Với việc sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ, các doanh nghiệp “vua tiền mặt” sẽ có nhiều lợi thế đáng kể trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện tại có thể còn nhiều biến động và cả cơ hội mới xuất hiện. Tiền mặt dồi dào đóng vai trò là bộ đệm tài chính, giúp doanh nghiệp vượt qua các giai đoạn khó khăn của thị trường, suy thoái kinh tế, hoặc những cú sốc bất ngờ mà không cần phải đi vay mượn với chi phí cao. 

Đáng chú ý, Ngân hàng HSBC cho biết trong kết quả khảo sát Global Trade Pulse 2025, 80% doanh nghiệp Việt Nam được hỏi đã phải đối mặt với tình trạng chi phí gia tăng do biến động thuế quan và thương mại. Ông Surajit Rakshit, Giám đốc Toàn quốc Khối Giải pháp thương mại toàn cầu của HSBC Việt Nam, đánh giá, tại nhiều doanh nghiệp, vốn lưu động hiện là ưu tiên hàng đầu với lãnh đạo cấp cao, chủ yếu do phần lớn vốn bị kẹt ở hàng tồn và các khoản phải thu. 

Có thể bạn quan tâm 

Sống chung với “thiên nga đen”


 


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới