Hủy
Tài Chính

Tiền tìm PE, startup

Phi Vũ Thứ Ba | 17/12/2024 07:00

Áp dụng ESG và các hoạt động bền vững sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh. Ảnh: TL

 
 
Chất lượng của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, tạo cơ hội thu hút đầu tư mạnh mẽ.

Nhiều đánh giá tích cực cho nền kinh tế Việt Nam sau bầu cử Tổng thống Mỹ. Không chỉ các doanh nghiệp trên sàn, nhóm PE và startup cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều trợ lực hơn trong thời gian tới.

Coolmate, startup thời trang theo mô hình D2C (trực tiếp đến khách hàng), huy động thành công 6 triệu USD trong vòng B là thương vụ mới nhất được ghi nhận. 

Đã có những tín hiệu tích cực 

Nhà đầu tư vào Coolmate từ những vòng đầu, Do Ventures, gần đây đã thành lập Câu lạc bộ Nhà đầu tư vốn tư nhân (VPCA) cùng với 4 quỹ khác là AVV, Golden Gate Ventures, Mekong Capital và Monk’s Hill Ventures. VPCA hiện có 40 quỹ đầu tư thành viên trong nước và quốc tế và kỳ vọng sẽ mở rộng số lượng thành viên lên 100 vào cuối năm nay. 

Đáng chú ý, VPCA đặt ra mục tiêu gọi vốn khá tham vọng: huy động 35 tỉ USD từ đây đến năm 2035. Trước đây, thời điểm cao nhất ngành công nghệ Việt Nam gọi vốn là 1,3 tỉ USD/năm thì với mục tiêu như trên, trung bình mỗi năm VPCA phải huy động tới hơn 3,5 tỉ USD. Trao đổi với NCĐT qua email, bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Do Ventures, cho biết trong mục tiêu nói trên, VPCA sẽ hướng đến cả các công ty startup và PE (vốn cổ phần tư nhân), đặc biệt là nhóm PE vì thị trường hiện thiếu các quỹ nội địa có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp ở giai đoạn tăng trưởng. 

Về xu hướng đầu tư thì giáo dục, y tế và nông nghiệp là những ngành đang nhận được sự quan tâm của giới đầu tư. Đặc biệt là y tế và giáo dục do dân số đông và trẻ, thu nhập ngày càng tăng khiến nhu cầu chi tiêu vào 2 lĩnh vực này nhiều hơn. Còn trong lĩnh vực công nghệ thì trí tuệ nhân tạo (A.I) và Deep Tech (công nghệ sâu) đang được chú ý nhờ vào nguồn nhân lực giỏi tại chỗ.

Khi được hỏi liệu mục tiêu 3,5 tỉ USD/năm có quá cao, bà Uyên Vy cho biết, so với bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu, Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tốt với GDP quý III/2024 tăng mạnh 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam có nhiều lợi thế để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, một trong số đó là xu hướng “Trung Quốc+1”, khi nhiều doanh nghiệp toàn cầu tìm kiếm địa điểm sản xuất ngoài Trung Quốc. 

Nhìn chung, Việt Nam, với vị trí địa lý thuận lợi và chính sách kinh tế mở cửa, đang hưởng lợi từ xu hướng này. Chất lượng của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam cũng đang ngày càng được nâng cao, tạo cơ hội thu hút đầu tư mạnh mẽ. Mặc dù số lượng thương vụ có thể không nhiều như thời kỳ đỉnh cao năm 2021, nhưng chất lượng sẽ là yếu tố giúp thu hút dòng vốn bền vững trong dài hạn.

“Xét về nguồn vốn đầu tư, sẽ không có nhiều thay đổi trong thời gian tới khi Singapore, Nhật và Hàn Quốc sẽ tiếp tục là những nhà đầu tư lớn ở Việt Nam, nhất là vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo”, bà Uyên Vy cho biết thêm.

Đồng quan điểm, ông Vũ Nguyên Khanh, Phó Tổng Giám đốc Điều hành Quỹ VOF - VinaCapital, cho rằng nền tảng dài hạn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn vững chắc. Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên 3 trụ cột tăng trưởng chính để tái cấu trúc động lực tăng trưởng kinh tế, bao gồm chuyển đổi số, nền kinh tế xanh và chuỗi giá trị công nghệ cao. Việc Việt Nam chuyển từ sản xuất có giá trị gia tăng thấp sang sản xuất có chọn lọc công nghệ cao, tập trung vào các dự án chất lượng cao phù hợp với sự phát triển của đất nước. 

“Chúng ta đã thấy sự cải thiện trong chi tiêu và tâm lý của người tiêu dùng. Điều này sẽ hỗ trợ nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp”, ông Khanh nói.

Chờ đợi gì trong năm 2025?

Các nhà đầu tư hy vọng rằng FTSE Russell sẽ nâng cấp thị trường Việt Nam vào năm 2025, điều này có thể kích hoạt khoảng 1 tỉ USD dòng vốn chảy vào thông qua các quỹ chỉ số thị trường mới nổi. 

Nhìn lại quá khứ, các thị trường như Qatar, Saudi Arabia, Romania đã chứng kiến đầu tư nước ngoài tăng đáng kể (Qatar tăng 45% từ tháng 9/2023 đến tháng 9/2024; Saudi Arabia tăng 23% từ tháng 3/2017 đến tháng 3/2018; Romania tăng 18% từ tháng 9/2018 đến tháng 9/2019) trước khi nâng cấp chính thức, dẫn đến sự tăng vọt của thị trường chứng khoán. 

Ông Khanh của VOF cho biết việc nâng cấp thị trường không chỉ thúc đẩy dòng vốn vào Việt Nam mà còn giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài trợ quốc tế và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tổ chức, cân bằng sự thống trị của các nhà đầu tư cá nhân, những người hiện đang chiếm 90% thị trường.

Một dấu hiệu tích cực khác là nhu cầu về các lựa chọn đầu tư bền vững đang ngày càng tăng. Do đó, thị trường trái phiếu xanh, dù chưa cất cánh mạnh mẽ như một số người hy vọng và còn đối mặt với nhiều rào cản nhưng vẫn là một cơ hội tốt trong tương lai.

Có thể thấy sáng kiến ESG (môi trường, xã hội và quản trị) Việt Nam là một trong những nỗ lực chính nhằm hỗ trợ việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030. Áp dụng ESG và các hoạt động bền vững sẽ giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới trong bối cảnh chuyển đổi xanh và nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Đa dạng hóa các nguồn vốn xanh đã trở thành ưu tiên của nhiều tổ chức tài chính ở Việt Nam, như VinaCapital hiện có quỹ đầu tư năng lượng sạch VinaCapital Clean Energy  (tập trung vào việc mở rộng các khoản đầu tư theo chủ đề của VinaCapital sang năng lượng sạch hơn và cơ sở hạ tầng bền vững) và quỹ đầu tư VinaCarbon Climate Impact (đầu tư vào danh mục đa dạng các dự án carbon nhằm tạo ra các tín chỉ carbon chất lượng cao, mang lại tác động tích cực cho cộng đồng địa phương và môi trường). “Khi nhu cầu tăng cao, việc tạo ra các kênh tài trợ an toàn và dễ tiếp cận cho các khoản đầu tư xanh đã trở thành một cơ hội cho đất nước”, ông Khanh của VOF nói.

Đánh giá về xu hướng đầu tư vào PE ở Việt Nam trong một năm tới, ông Khanh cho biết những nhà đầu tư vốn cổ phần tư nhân có trụ sở tại Việt Nam đang tìm kiếm các khoản đầu tư tăng trưởng và ưu tiên các khoản đầu tư thiểu số. Nguồn tài chính cho những giao dịch trong nước được sử dụng trong các giao dịch mua lại là khá hạn chế. “Trong bối cảnh đó, những vấn đề về ESG đã phát triển từ mức chỉ là các yêu cầu tuân thủ trở thành cơ hội lớn để tạo ra giá trị và lợi thế để thuyết phục các nhà đầu tư tiềm năng”, ông Khanh nói. 

sáng kiến ESG (môi trường, xã hội và quản trị) Việt Nam là một trong những nỗ lực chính nhằm hỗ trợ việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030. Ảnh: TL
Sáng kiến ESG (môi trường, xã hội và quản trị) Việt Nam là một trong những nỗ lực chính nhằm hỗ trợ việc thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030. Ảnh: TL

Còn theo bà Uyên Vy của Do Ventures, trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực nhằm hỗ trợ mục tiêu thu hút đầu tư. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, trong đó có Nghị định 38 và Nghị định 94. 

Hệ thống pháp luật cũng đã có nhiều cải thiện. Ví dụ, Luật Doanh Nghiệp mới đã cho phép quy trình đăng ký thành lập công ty trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đối với một số lĩnh vực công nghệ mới như Fintech (công nghệ tài chính), thì Luật Các tổ chức tín dụng hiện nay chưa đáp ứng kịp để giúp các công ty có môi trường phát triển thuận lợi. Vì vậy, cần sớm có những cơ chế chính sách dành riêng cho các ngành công nghệ đặc thù, làm đòn bẩy thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như đầu tư vào lĩnh vực này.

“Ngoài ra, đối với nhà đầu tư, yếu tố quan trọng nhất là khả năng thoái vốn. Vì vậy, thị trường Việt Nam cần có thêm những thương vụ IPO thành công của các công ty công nghệ làm động lực cho các nhà sáng lập trẻ, đồng thời mang lại giá trị cho những nhà đầu tư đã đầu tư từ rất sớm, để từ đó họ tiếp tục tái đầu tư vào thị trường Việt Nam”, bà Uyên Vy nói.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới