Vaccine, "liều thuốc" cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán
Vaccine, liều thuốc cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Ảnh: TL.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC), tốc độ tiếp nhận vaccine và tốc độ tiêm sẽ là yếu tố quan trọng xác định tốc độ phục hồi nền kinh tế nói chung và các nhóm ngành nói riêng.
Theo thông tin từ Bộ Y Tế, Việt Nam đã có 105 triệu liều cam kết sẽ tiếp nhận trong năm 2021. Lũy kế đến 1/8/2021, tổng số liều vaccine đã nhận và tổng số liều đã tiêm 1 mũi/dân số đạt lần lượt 11 triệu liều và 6,6%. Tuy nhiên, tốc độ tiếp nhận vaccine cũng như tốc độ tiêm chủng còn tương đối chậm so với các quốc gia phát triển do tình trạng thiếu hụt vaccine trên toàn cầu, đặc biệt ở nhóm các nước khu vực Châu Á. Cùng với đó là công tác triển khai còn nhiều phát sinh.
Tuy nhiên, BSC nhận thấy các mô hình tiêm chủng mới đang được triển khai nhanh hơn nhằm tăng tốc độ tiêm chủng. Theo đó, BSC kỳ vọng với tốc độ tiêm cải thiện và lượng vaccine về như tiến độ thì tỉ lệ tiêm chủng của Việt Nam có thể đạt lần lượt 30% - 70% vào quý IV/2021 và cuối quý I/2022.
BSC cho rằng, việc tiêm chủng vaccine đã bắt đầu được triển khai rộng rãi ở nhiều quốc gia giúp củng cố đà hồi phục của nhu cầu tiêu thụ. Tỉ lệ phân bổ vaccine còn chưa đồng đều dẫn đến sự phục hồi khác nhau giữa các nước khối Châu Âu và Châu Á. Tuy nhiên, thông qua chương trình hỗ trợ COVAX, trong nửa cuối năm 2021 và nửa đầu năm 2022, việc phân bổ vaccine sang các nước đang phát triển sẽ được đẩy nhanh triển khai hơn, qua đó hỗ trợ cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, công ty chứng khoán này cho rằng thị trường tiêu dùng nội địa năm 2021 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong giai đoạn bình thường mới. Theo BSC, sẽ có 3 yếu tố chính tạo động lực tăng trưởng mạnh cho ngành.
Đầu tiên, xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng của người dân sau dịch COVID-19, tâm lý hành vi tiêu dùng thay đổi trong đó tăng chi tiêu các sản phẩm không thiết yếu nhiều hơn sau khi thỏa mãn nhu cầu thiết yếu.
Thứ hai, xu hướng M&A trong ngành bán lẻ và tiêu dùng, các doanh nghiệp lớn sẽ thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ để gia tăng thị phần trong ngành như Doji mua lại Thế Giới Kim Cương trong tháng 5/2020, Masan Group mua lại Vincommerce và NET, Vinamilk mua GTNFoods.
Thứ ba, xu hướng cao cấp hóa khi các doanh nghiệp sẽ tập trung vào cao cấp hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng. Điển hình như việc Masan Group tiếp tục tập trung cao cấp hóa các dòng sản phẩm thiết yếu, PNJ phục hồi trang sức bán lẻ, Thế Giới Di Động và Digiworld bán hàng công nghệ thông tin tốt, siêu thị mở rộng.
Đối với mặt hàng xuất khẩu (thủy sản và dệt may), BSC cho rằng tác động của các Hiệp định tiếp tục duy trì ảnh hưởng tích cực trong năm 2021. Đây cũng là năm đầu tiên Hiệp định UK – FTA (thay thế cho cho hiệp định EV – FTA riêng với nước Anh) và là năm thứ hai Hiệp định EV – FTA có hiệu lực. Đối với sản phẩm thủy sản, tôm tiếp tục được hưởng mức thuế 0% trong khi thuế của cá tra sẽ tiếp tục giảm (từ 6% về 3%).
Đối với sản phẩm dệt may, quy tắc xuất xứ “Từ vải trở đi” tiếp tục là thách thức trong ngắn hạn để sản phẩm Dệt may Việt Nam được hưởng ưu đãi về thuế.
Tuy nhiên, BSC cho rằng xu hướng chuyển dịch tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước và Hàn Quốc (nước Việt Nam đã ký thỏa thuận cộng gộp) sẽ diễn ra mạnh mẽ trong năm sau để đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định.
Có thể bạn quan tâm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư