Hủy
Tài Chính

Sàn đấu môi giới chứng khoán

Vũ Hoài Thứ Ba | 10/08/2021 14:00

10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất thị trường đang chiếm hơn 65% tổng thị phần trên toàn sàn HOSE. Ảnh: Qúy Hòa.

Đã có nhiều nghịch lý trong bức tranh thị phần môi giới chứng khoán.
 

Kể từ đầu tháng 7/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) đã công bố top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền bảo đảm lớn nhất trên sàn HOSE. Theo đó, 10 công ty chứng khoán có thị phần lớn nhất thị trường đang chiếm hơn 65% tổng thị phần trên toàn sàn HOSE.

Trong đó, Công ty Chứng khoán VPS tiếp tục dẫn đầu với thị phần 10,64%, vượt qua “tay chơi kỳ cựu” là Công ty Chứng khoán SSI với 10,97% thị phần trong quý II/2021. Đây cũng là quý thứ 2 liên tiếp VPS giữ vị trí quán quân thị phần môi giới trên sàn HOSE. Việc chiếm thị phần môi giới số 1 của VPS có lẽ không nằm ngoài dự đoán của giới tài chính. Bởi lẽ, trong suốt một thời gian dài, VPS đã thể hiện quyết tâm chiếm lĩnh thị phần môi giới thông qua hàng loạt ưu đãi về phí, lãi vay, tỉ lệ đòn bẩy và cả chiết khấu hoa hồng cho môi giới. 

 

Tuy nhiên, động thái này đã tạo ra nghịch lý “thị phần càng cao, lợi nhuận càng giảm”. Dù là quán quân về thị phần nhưng lợi nhuận của VPS lại thấp hơn đáng kể so với phần còn lại của thị trường. Trong quý II/2021, VPS đạt hơn 2.008 tỉ đồng tổng doanh thu hoạt động, gấp hơn 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2020. Song lợi nhuận sau thuế của Công ty đạt hơn 159,3 tỉ đồng, chỉ tăng khoảng 49,4% so với cùng kỳ năm trước. Chi tiết hơn, hoạt động môi giới đem về cho VPS hơn 746,1 tỉ đồng doanh thu, dẫn dầu thị trường nhưng chỉ đem về hơn 165,3 tỉ đồng lợi nhuận, thấp hơn nhiều so với mức lợi nhuận của các công ty chứng khoán khác. 

Điển hình như Công ty Chứng khoán SSI, dù “làm rơi vương miện” nhưng mức lợi nhuận mà mảng môi giới đem lại cho Công ty vẫn dẫn đầu thị trường.  Trong quý II/2021, SSI thu về hơn 623,3 tỉ đồng doanh thu từ hoạt động môi giới và lợi nhuận từ mảng này lên tới 253,5 tỉ đồng, dẫn đầu lợi nhuận từ hoạt động môi giới chứng khoán trên thị trường.  

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SSI, từng chia sẻ: “Trong lịch sử, SSI đã có 2 lần không giữ vị trí dẫn đầu và đó là những khoảng lặng để chuẩn bị cho những kế hoạch tiếp theo”.

 

Trong bức tranh lợi nhuận của các công ty chứng khoán, Công ty Chứng khoán Techcombank (TCBS) cũng trở thành một điểm nhấn khá thú vị trong bức tranh lợi nhuận của các công ty chứng khoán. Cụ thể, dù có thị phần chỉ hơn 4% (đứng  thứ 7 trên bảng xếp hạng), nhưng mức lợi nhuận từ hoạt động môi giới của TCBS lên tới hơn 166,1 tỉ đồng, cao hơn cả quán quân VPS. Đặc biệt hơn, TCBS hiện là công ty chứng khoán có mức lợi nhuận sau thuế cao nhất trên thị trường. 

Cụ thể, trong quý II/2021, TCBS thu về hơn 1.294,7 tỉ đồng doanh thu và hơn 801,1 tỉ đồng lãi sau thuế, tăng trưởng lần lượt 51,8% và 31,6% so với cùng kỳ năm 2020. Không như các công ty chứng khoán khác, hoạt động bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán ở TCBS đem về doanh thu khá cao, đóng góp phần lớn trong cơ cấu doanh thu, chiếm tới hơn 30% tổng doanh thu hoạt động trong quý II/2021. 

Không riêng gì TCBS, ở vị trí số 9 trên bảng xếp hạng thị phần môi giới, Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cũng có mức lợi nhuận vượt quán quân thị phần. Cụ thể, trong quý II/2021 doanh thu và lợi nhuận của FPTS đạt lần lượt 353,7 tỉ đồng và 230,2 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 108,2% và 92,5% so với cùng kỳ năm 2020. Các hoạt động kinh doanh của FPTS đều tăng trưởng mạnh về doanh thu trong kỳ. Trong đó, hoạt động môi giới chứng khoán có mức doanh thu cao nhất với hơn 142,6 tỉ đồng và cũng chiếm tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu doanh thu quý II/2021 của FPTS. 

Ảnh: Qúy Hòa.
Như vậy, có thể thấy dù có thị phần cao nhất thị trường nhưng cả hoạt động môi giới và hoạt động kinh doanh khác đều đem về cho VPS khoản lợi nhuận thấp hơn đáng kể so với các công ty chứng khoán khác. Ảnh: Qúy Hòa.

Như vậy, có thể thấy dù có thị phần cao nhất thị trường nhưng cả hoạt động môi giới và hoạt động kinh doanh khác đều đem về cho VPS khoản lợi nhuận thấp hơn đáng kể so với các công ty chứng khoán khác. 

Phải chăng, đã đến lúc VPS bước vào cuộc đua lợi nhuận sau chuỗi ngày tranh giành thị phần? Vào giữa tháng 6/2021, VPS đã có thông báo gửi tới khách hàng về việc thu phí hệ thống hằng tháng 27.500 đồng/tháng (đã bao gồm 10% VAT) và bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7/2021. Theo thông tin từ phía VPS,  khoản phí dịch vụ hệ thống này bao gồm phí sử dụng hệ thống của VPS và các tiện ích gắn liền với hệ thống, trong khi các thông báo giao dịch tài khoản qua tin nhắn điện thoại vẫn được VPS miễn phí. Mặc dù khoản phí này là không lớn nhưng từ việc “miễn phí” sang “thu phí” của VPS đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà đầu tư. 

Động thái này của VPS bỗng khiến người ta liên tưởng đến những bước đi của hãng xe công nghệ Grab, từng đánh đổi lợi nhuận để chiếm lĩnh thị phần tại Việt Nam. Báo cáo của ABI Research cho thấy nửa đầu năm 2019, Grab chiếm tới 73% thị phần gọi xe tại Việt Nam, gấp gần 5 lần so với đối thủ đứng thứ 2. Để có được mức thị phần này, Grab đã “đốt” không ít tiền trong mỗi chuyến xe. Dù không có con số chính xác nhưng ước tính lên tới 1-2,5 USD trên mỗi cuốc xe.  Liệu rằng VPS có đang trong cuộc đua “đổi lợi nhuận lấy thị phần”.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới