VN-Index được dự báo đạt 1.330 điểm vào cuối năm 2022

Hình ảnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE). Ảnh: Quý Hòa.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhịp hồi phục trong nửa đầu quý III sau khi giảm mạnh về vùng hỗ trợ đáng chú ý với nhiều cổ phiếu về vùng định giá hấp dẫn, giá hàng hóa hạ nhiệt, trong khi thị trường chứng khoán thế giới diễn biến tích cực trước kỳ vọng Fed sẽ chậm lại tốc độ tăng lãi suất. Nửa sau quý III, thị trường chứng khoán Việt Nam quay trở lại xu hướng điều chỉnh, tương đồng với thị trường chứng khoán toàn cầu trước rủi ro lạm phát, suy thoái, lãi suất tăng, các rủi ro địa chính trị cũng như rủi ro tỉ giá trong nước. Quý III/2022, chỉ số VN-Index tăng 0,86% so với thời điểm đầu quý, trong khi thanh khoản giảm 27% so với cùng kỳ.
![]() |
Tương quan so sánh tăng trưởng EPS bình quân 3 năm gần nhất và P/E của các thị trường. |
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, thị trường chứng khoán Việt Nam đang duy trì hấp dẫn hơn tương đối trong sử dụng định giá bằng phương pháp so sánh. Cụ thể, thị trường chứng khoán Việt Nam có sức hấp dẫn vượt trội với P/B thấp. Điều này cũng được phản ánh qua động thái mua ròng của khối ngoại trong quý III, trong khi đẩy mạnh bán ròng ở hầu hết các thị trường trong khu vực.
Kể từ thời điểm chịu tác động bởi dịch COVID-19, thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường chứng khoán Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ, biểu hiện qua biến động chỉ số P/E của S&P 500 và VN-Index. Theo KBSV, nguyên nhân của sự tương đồng này xuất phát từ việc các yếu tố ảnh hưởng đến thị trường trong hơn 2 năm trở lại đây có độ phủ trên quy mô toàn cầu (dịch COVID-19, chính sách Zero-COVID tại Trung Quốc, lạm phát tại các nước phát triển, rủi ro suy thoái kinh tế Mỹ và EU, các Ngân hàng Trung ương đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất...).
![]() |
Thị trường chứng khoán Việt Nam, dù có 1 nền kinh tế với nội tại vững vàng hơn với tăng trưởng GDP cả năm 2022 dự báo quanh 7,5%, trong khi lạm phát dưới mức mục tiêu 4%, cũng không tránh khỏi việc chịu ảnh hưởng từ các yếu tố ngoại biên dẫn đến các nhịp điều chỉnh sâu trong năm 2022.
“Với việc môi trường đầu tư toàn cầu còn nhiều yếu tố bất định trong 3 tháng cuối năm, chúng tôi đánh giá các yếu tố ngoại biên vẫn mang tính chất chi phối diễn biến thị trường trong nước. Dù vậy, chúng tôi kỳ vọng với sức đề kháng tốt hơn ở góc độ vĩ mô nền kinh tế lẫn vi mô doanh nghiệp giúp triển vọng tăng trưởng ở EPS toàn thị trường tích cực hơn so với các thị trường phát triển khác vốn có nền kinh tế đang đối mặt với rủi ro suy thoái. Theo đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ diễn biến tích cực hơn tương đối so với nhiều thị trường khác trên thế giới và trong khu vực”, KBSV nhận định.
![]() |
Đối với dự báo triển vọng thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm, KBSV dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE đạt 18,3%; đồng thời giảm mức P/E mục tiêu xuống 13 lần, phản ánh các lo ngại gia tăng về các yếu tố ngoại biên, kết hợp với diễn biến tăng của mặt bằng lãi suất trong nước. Tương ứng với đó, chỉ số VN-Index được dự báo đạt mức 1.330 điểm vào thời điểm cuối năm.
Các yếu tố gây ảnh hưởng đến dự báo bao gồm: sự đổ vỡ ở thị trường trái phiếu bất động sản trong nước, lạm phát hoặc tỉ giá diễn biến căng thẳng trở lại, lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng mạnh, Fed và các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, các nền kinh tế lớn bước vào suy thoái, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sụt giảm nhanh.
Có thể bạn quan tâm
Sau phiên "rực lửa", thị trường chứng khoán Việt trong tuần này ra sao?
Nguồn Theo Báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán KBSV
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư

Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Văn Kim