Hủy
Tài Chính

VN-Index rơi, F0 chơi vơi

Vũ Hoài Thứ Hai | 16/05/2022 07:30

Số liệu thống kê của NCĐT cũng cho thấy, có tới gần 50% cổ phiếu thuộc nhóm VN30 ghi nhận mức giảm trên 10% kể từ đầu tháng 4. Ảnh: Quý Hoà.

Thị trường chứng khoán giảm sốc khiến tài sản của nhiều nhà đầu tư bốc hơi nhanh chóng.
 

“Thị trường chứng khoán có thể bào mòn túi tiền của bạn và làm tan nát tâm hồn bạn. Việc quay trở lại thị trường sau khi thua lỗ và mất niềm tin là điều không dễ dàng. Nhưng có những cách để bảo vệ bạn, cho dù chiến lược giao dịch của bạn là gì đi nữa, hãy bắt đầu với 2 nguyên tắc: luôn tuân thủ kế hoạch và hãy nghĩ đến rủi ro trước tiên”. Đây là lời khuyên của “phù thủy chứng khoán” Mark Minervini.

Lời khuyên này được chú ý hơn trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh, kéo theo đó là sự thua lỗ của nhiều nhà đầu tư.

Thị trường đỏ lửa

Trong tháng 4, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một đợt giảm mạnh khi chỉ số VN-Index đã giảm khoảng 17,6% từ mức gần 1.531 điểm xuống mức thấp nhất trong năm là 1.261,4 điểm, trước khi bật lên trở lại 1.366,8 điểm và đóng cửa giảm 8,4% so với tháng trước.

Đặc biệt trong tháng 4 này, thị trường ghi nhận những biến động mạnh, với phiên giao dịch điển hình như 19/4 và 25/4, chỉ số VN-Index giảm hơn 60 điểm, với sự giảm sàn hàng loạt của các cổ phiếu bất kể tốt, xấu. Đây có thể coi là cú sốc đối với các nhà đầu tư mới, những người chưa trải qua các đợt sụt giảm mạnh của thị trường trước đó.

Con số nhà đầu tư mới không hề nhỏ. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tại thời điểm cuối tháng 4/2022, trên hệ thống của VSD đang quản lý hơn 5,17 triệu tài khoản giao dịch trong nước, trong đó chủ yếu là của nhà đầu tư cá nhân trong nước.

 

Chỉ số VN-Index tăng mạnh cùng với sự tăng trần của hàng loạt cổ phiếu trên thị trường đã thu hút các nhà đầu tư F0 này mua những cổ phiếu đầu tiên. Sau những hào hứng ban đầu, lúc này họ bắt đầu nếm trải cảm giác sốc khi thị trường đỏ lửa, mất 285,86 điểm, tương đương giảm 18,7% so với mức đỉnh được thiết lập ngày 4/4/2022.

Nếu chỉ xét trong rổ VN30, nhóm cổ phiếu thường được nhà đầu tư “chọn mặt gửi vàng”, có tới 28/30 cổ phiếu trong nhóm này giảm giá kể từ tháng 4 đến hết phiên 11/5, với mức giảm bình quân hơn 12% kể từ đầu tháng 4. Trong đó, SSI giảm tới 34%, các cổ phiếu khác như GVR, STB, PLX giảm hơn 20% trong khoảng thời gian này. 

Số liệu thống kê của NCĐT cũng cho thấy, có tới gần 50% cổ phiếu thuộc nhóm VN30 ghi nhận mức giảm trên 10% kể từ đầu tháng 4. Trong khi đó, nếu quan sát diễn biến thị trường, có thể nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ là nhóm chịu áp lực bán mạnh nhất trong thời gian vừa qua. Một số cổ phiếu liên quan đến FLC hay Louis Holdings giảm tới 60-70% từ vùng đỉnh.

Lấy ví dụ về DPM, cổ phiếu đã liên tục được nhà đầu tư gọi tên trong những tháng đầu năm 2022. Đầu năm nay, DPM được giao dịch quanh mức giá 49.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, với câu chuyện hưởng lợi từ giá hàng hóa, cổ phiếu này liên tục bứt phá, có lúc lên tới 77.000 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 4/2022.

Tuy vậy, kết thúc phiên 11/5, cổ phiếu DPM chỉ được giao dịch quanh mức 57.200 đồng/cổ phiếu, tức giảm 25,7% từ vùng đỉnh. Nếu nhà đầu tư mua “ngay đáy” DPM hồi đầu năm thì hiện tại vẫn có được lợi nhuận. Còn nếu “vô tình đu đỉnh”, hiện tại họ chịu khoản lỗ không hề nhỏ. Hay cặp đôi “cổ phiếu quốc dân” HPG và TCB vẫn miệt mài dò đáy. Dù được giới phân tích dành những đánh giá tích cực nhưng thị giá của 2 cổ phiếu này vẫn không có nhiều khởi sắc. Từ tháng 4 đến hết phiên 11/5, HPG và TCB ghi nhận mức giảm lần lượt 10% và 21%.

2022: năm thử thách

Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài Chính, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), đánh giá năm 2022 là năm thử thách thực sự với các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường, chưa trải qua những đợt thị trường có nhiều biến động mạnh.

 

“Năm nay là một năm tôi nghĩ rằng sẽ thanh lọc rất nhiều nhà đầu tư mà đang hơi thiên hướng ngắn hạn”, ông Long nói. Theo vị chuyên gia này, nhà đầu tư sẽ phải bỏ rất nhiều công sức để lựa chọn ra các doanh nghiệp có thể đem lại tăng trưởng về mặt kết quả kinh doanh vượt trội hơn so với cả ngành và thị trường chung.

Hiện tại, bên cạnh một số tác động từ thông tin trong nước, thị trường chứng khoán có sự điều chỉnh mạnh do những lo ngại về bất ổn kinh tế - chính trị thế giới. Cùng với đó, sau 2 năm tăng trưởng nóng, thị trường đến giai đoạn  điều chỉnh để tích lũy, củng cố cho một chu kỳ tăng mới.

Ở góc nhìn dài hạn hơn, ông Trần Thăng Long đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng; thay vì chỉ nghĩ đầu tư thời gian ngắn hạn trong tuần này, trong tháng này, trong quý này thì hãy nghĩ đến năm 2023-2024, khi Việt Nam có cơ hội được nâng hạng thị trường.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới