Hủy
Thế giới

Ấn Độ vẫn chưa thể soán ngôi "công xưởng thế giới" của Trung Quốc

Quỳnh Như Thứ Sáu | 16/06/2023 08:28

Nhà máy đồ chơi Fun Zoo Toys tại Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg.

 
 
Ấn Độ đẩy mạnh ngành sản xuất nội địa nhằm cạnh tranh với Trung Quốc, tuy nhiên càng cạnh tranh lại càng phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn.

Bắt nguồn là một công ty gia đình vào năm 1979, hãng đồ chơi Fun Zoo Toys đã phát triển nhanh chóng và trở thành một trong những hãng đồ chơi lớn nhất ở Ấn Độ. Hãng tin Bloomberg nhận định, nhà sản xuất đồ chơi này là một trong những doanh nghiệp gia đình đại diện cho biểu tượng thành công của đất nước tỉ dân.

Sự tăng trưởng của Fun Zoo như “hổ mọc thêm cánh” sau khi chính phủ Ấn Độ khởi xướng chiến lược “Make in India” với mục tiêu biến nước này trở thành trung tâm công nghiệp toàn cầu. Doanh số của hãng đồ chơi Fun Zoo tăng 100% so với thời điểm trước khi sáng kiến được thông qua. Từ đó, nâng hàng rào thuế quan của ngành hàng đồ chơi lên 70% từ mức 20%.

Càng cạnh tranh càng phụ thuộc

Trên thực tế, “Make in India” được kỳ vọng làm tăng khả năng cạnh tranh của Ấn Độ với 2 nền kinh tế lớn thế giới là Mỹ, Trung Quốc. Mặc dù chiến lược này giúp Ấn Độ lột xác ngoạn mục trong ngành sản xuất, nhưng một điều mà Fun Zoo nói riêng và cả Ấn Độ nói chung đều không muốn thừa nhận đó là sự thành công này có phần nhờ vào các nguyên vật liệu, linh kiện được nhập khẩu từ Trung Quốc như bảng mạch hay đèn LED.

 

“Công ty vừa ra mắt sản phẩm đồ chơi điện tử, tuy nhiên thách thức lớn mà Công ty đang gặp phải là những động cơ mini trong đồ chơi lại không phải hàng sản xuất trong nước. Bộ pin lithium metal cùng với động cơ quay đều phải nhập khẩu và hiện vẫn chưa có đơn vị sản xuất nội địa”, Naresh Kumar Gupta, ông chủ Fun Zoo, ngậm ngùi cho biết.

Theo nhận định của hãng tin Bloomberg, Ấn Độ càng cố gắng cạnh tranh với Trung Quốc thì sự phụ thuộc vào Trung Quốc lại càng lớn hơn. Các doanh nghiệp Ấn Độ gia tăng sản xuất với đa dạng mặt hàng từ đồ chơi đến điện thoại thông minh để “so kè” với nền kinh tế thứ 2 thế giới, song lại “ngậm đắng nuốt cay” nhập khẩu các nguyên vật liệu và linh kiện từ nước này vì không thể tự sản xuất trong nước.

Năm 2022, tổng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc của Ấn Độ đạt 102 tỉ USD, cao gần gấp đôi so với tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ và Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) cộng lại.

Bên cạnh đó, đóng góp vào GDP Ấn Độ của ngành sản xuất trong năm 2022 chỉ đạt 13% so với mức 16% của năm 2015. Có thể thấy mục tiêu đóng góp 25% mà chính phủ nước này đề ra trước đó vẫn còn cách khá xa. Với tình trạng càng sản xuất lại càng phụ thuộc vào Trung Quốc thì giấc mơ trở thành công xưởng thế giới của Ấn Độ vẫn là điều không thể.

Vẫn chưa thể thay thế

Để thúc đẩy đất nước trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao, bên cạnh các chính sách bảo hộ như nâng hàng rào thuế quan, chính phủ Ấn Độ cũng tăng cường hỗ trợ tài chính đối với các ngành sản xuất trọng điểm như thiết bị điện tử, ô tô. Bằng cách “trải thảm đỏ” 24 tỉ USD, Ấn Độ đã thành công thu hút các “ông lớn” ngành công nghệ như Apple và Samsung gia nhập vào thị trường của mình.

Tuy nhiên, ông Raghuram Rajan, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ, cho biết chương trình ưu đãi của chính phủ Ấn Độ thật ra đang nhắm đến các nhà máy chuyên lắp ráp thay vì những công xưởng sản xuất. Chính điều này đã khiến mức độ phụ thuộc vào linh kiện Trung Quốc ngày một nhiều hơn.

Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.
Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg.

Từ thông tin ông Rajan cung cấp, giới phân tích đặt câu hỏi liệu chương trình ưu đãi có thật sự sẽ làm tăng giá trị cũng như năng suất sản xuất cho nền kinh tế Ấn Độ hay không. Ngoài ra, phần lớn vẫn nghiêng về ý kiến cho rằng Ấn Độ sẽ không thể phá vỡ thế thống trị của Trung Quốc bất chấp việc hàng loạt doanh nghiệp ngoại rút khỏi thị trường nước này vì bất ổn địa chính trị.

Trong những năm vừa qua, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà khó quốc gia nào có thể thay thế được. Mặt khác, Ấn Độ lại còn nhiều thách thức cần phải xử lý nếu muốn tạo nên chuỗi cung ứng ổn định như lao động trình độ thấp, cơ sở hạ tầng chưa phát triển mạnh, ngành công nghệ tăng trưởng không đồng đều,...

Nhìn chung, các doanh nghiệp nội địa và nước ngoài hiện nay đều có xu hướng nhập khẩu linh kiện và nguyên vật liệu từ Trung Quốc hơn là tự sản xuất vì chi phí rẻ và không tốn quá nhiều nhân lực. Các chuyên gia kinh tế nhận định Trung Quốc đang làm việc này khá tốt trong khi điểm mấu chốt trong nỗ lực phát triển kinh tế này lại là điều mà Ấn Độ vẫn chưa thể đáp ứng được.

Có thể bạn quan tâm:

BYD tung hoành khắp thế giới

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới