Bầu cử giữa kỳ Mỹ và TPP
Đảng Cộng hòa thắng thế trong bầu cử giữa kỳ ở Mỹ sẽ là một đòn giáng mạnh đến chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Tuy nhiên, chỉ có một điểm có lợi duy nhất đó là cơ hội để “dọn đường” cho các vấn đề về thương mại, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Obama cần thẩm quyền đặc biệt, hay còn gọi là “giải quyết nhanh” để đàm phán các hiệp định thương mại vốn có thể bị Quốc hội phủ quyết hay thông qua nhưng không được phép thay đổi.
Điều này cũng dọn đường cho TPP vẫn đang trong giai đoạn thương thảo giữa 11 quốc gia, và giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán với Liên minh châu Âu (EU).
Đạo luật về thẩm quyền “giải quyết nhanh” được ban hành hồi đầu năm nay, tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều nghị sỹ Dân chủ lo ngại mở cửa thị trường với nhiều quốc gia có thu nhập thấp, tiêu chuẩn thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến thị trường việc làm của Mỹ. Trong khi đó, các nghị sỹ Cộng hòa tỏ ra ủng hộ hơn vì họ cho rằng thúc đẩy thương mại có lợi cho nền kinh tế.
Nếu đảng Cộng hòa có thể kiểm soát Thượng viện (đang do phe Dân chủ nắm) và mở rộng quyền đa số ở Hạ viện, thương mại có thể là điểm chung hiếm hoi giữa Quốc hội và Nhà Trắng.
Tuy nhiên, thách thức vẫn còn
Nhiều nghị sỹ Cộng hòa sẽ do dự việc ủng hộ chương trình của một tổng thống Dân chủ. Và ngay chính nội bộ đảng Dân chủ, nhiều Hạ nghị sỹ, Thượng nghị sỹ vẫn phản đối TPP.
Do đó, ngay cả khi có hay không có đạo luật “giải quyết nhanh”, thì cũng không có gì đảm bảo rằng các nước tham gia TPP sẽ đạt được thỏa thuận. Hai nhân tố chính của cuộc đàm phán là Nhật Bản và Mỹ vẫn bế tắc ở vấn đề tiếp cận thị trường nông nghiệp Nhật Bản được bảo hộ khá chặt chẽ.
Nhóm họp tại Australia hồi cuối tháng 10, bộ trưởng thương mại các nước tham gia TPP tuyên bố đạt được tiến triển lớn song chưa đi đến thỏa thuận cuối cùng trước hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vào ngày 10-11/11 tới đây.
Jeffrey Schott, chuyên gia về thương mại quốc tế tại Viện nghiên cứu kinh tế Peterson, nhận định: “Đa số đảng Cộng hòa sẽ ủng hộ hiệp định này và sẽ ra sức vận động cộng đồng doanh nghiệp để hiệp định được thông qua. Đây không chỉ là vấn đề biểu tượng mà là vấn đề USD và cent”.
Tham gia đàm phán TPP hiện có Mỹ, Nhật Bản, Úc, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam, chiếm gần 40% GDP toàn cầu.
Chính quyền của Tổng thống Obama cho rằng TPP là cơ hội mang tính chiến lược giúp Mỹ xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương.
Cộng động doanh nghiệp Mỹ ủng hộ TPP cũng cho rằng hiệp định là cơ hội để mở rộng xuất khẩu vào các nền kinh tế tăng trưởng nhanh của khu vực.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư