Hủy
Thế giới

"Bụi Mặt Trăng" do Neil Armstrong thu thập dự kiến thu về đến 1.2 triệu USD thông qua đấu giá

Hân Nguyễn Chủ Nhật | 03/04/2022 20:46

Một bức ảnh có chữ ký của phi hành gia Buzz Aldrin - do ông Armstrong chụp

 
 
Kể từ khi Apollo mang về những mẫu vật đầu tiên từ mặt trăng thì bụi mặt trăng đã trở thành một thứ hàng hóa được săn lùng.

Bụi Mặt Trăng mà phi hành gia Neil Armstrong thu thập trong chuyến bay đầu tiên của con người lên mặt trăng bằng tàu Apollo 11/1969 có thể thu về khoản tiền lên đến 7 con số trong cuộc đấu giá vào tháng 4 - nhiều năm sau khi các cơ quan vũ trụ đấu tranh trước tòa tránh để  “vật phẩm” này rơi vào tay tư nhân.

Kể từ khi Apollo mang về những mẫu vật đầu tiên từ mặt trăng thì bụi mặt trăng đã trở thành một thứ hàng hóa được săn lùng. Từ năm 1969 đến năm 1972, NASA đã thu thập khoảng 2.200 mẫu đá cuội, cát, bụi,... từ mặt trăng, hầu hết trong số đó được cơ quan này giữ lại để nghiên cứu. Tuy nhiên, thông qua một loạt các tình huống từ ngẫu nhiên đến trộm cắp trắng trợn, một số cá nhân đã nắm trong tay bụi mặt trăng của NASA và một số thậm chí còn cố gắng bán nó. NASA đã khẳng định rằng những người này đang sở hữu bất hợp pháp tài sản của cơ quan và trong nhiều năm chính phủ đã triển khai các hoạt động để lấy lại các mẫu vật từ mặt trăng của họ. Vào năm 2011, một cuộc điều tra đã đưa các quan chức đến một cửa hàng Denny ở Riverside, California, nơi họ bắt gặp một người phụ nữ 74 tuổi đang cố gắng bán một khối “đá mặt trăng” mà bà cho rằng Neil Armstrong đã tặng chồng bà vào những năm 1970.

Các mẫu bụi mặt trăng được thu thập trong sứ mệnh Apollo 11 năm 1969. ẢNh: Bonhams.
Các mẫu bụi mặt trăng được thu thập trong sứ mệnh Apollo 11/1969. Ảnh: Bonhams.

Nhưng một mẫu vẫn nằm ngoài tầm tay của NASA: bụi mặt trăng, hiện đang được bán tại công ty đấu giá Bonhams. Câu chuyện về việc cơ quan này đánh mất nó bắt đầu khi Armstrong lần đầu tiên đáp xuống mặt trăng, thu thập một vài muỗng bụi và cất vào một chiếc túi dự phòng. NASA chưa bao giờ thực sự có kế hoạch cụ thể cho chiếc túi này, và rất lâu sau khi Armstrong quay trở lại Trái đất, chiếc túi đã được định giá 15 USD và được gửi đi bảo quản tại bảo tàng vũ trụ Cosmosphere ở Kansas. Việc chuyển nhượng đó chẳng có gì mới lạ, ngoại trừ giám đốc bảo tàng, ông Max Ary, đang bán đấu giá các mẫu vật mà NASA cho mượn. Cuối cùng khi ông Ary bị bắt và bị kết án vào năm 2005, Cơ quan Cảnh sát điều tra Hoa Kỳ đã thu giữ hàng trăm hiện vật không gian bị đánh cắp, bao gồm cả túi bụi của phi hành gia Armstrong.

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Hoa Kỳ đã bán bộ sưu tập của ông Ary trong một cuộc đấu giá trực tuyến và một người đam mê địa chất tên là Nancy Lee Carlson đã trả 995 USD cho rất nhiều thứ bao gồm túi, gối tựa đầu từ Apollo và chìa khóa khởi động cho chiếc tàu vũ trụ Soyuz T-14 của Liên Xô. Bà Carlson nghi ngờ rằng túi bụi mặt trăng còn đáng giá hơn rất nhiều. Để xác nhận điều đó, bà đã gửi chiếc túi đến NASA để xét nghiệm vào năm 2015. Cơ quan vũ trụ không chỉ xác định rằng chiếc túi là hàng thật mà còn công bố rằng nó thuộc về chính phủ. Bà Carlson đã kiện thành công NASA để lấy lại chiếc túi - một thẩm phán đã phán quyết rằng bà đã mua nó một cách hợp pháp - và bán nó với giá 1,8 triệu USD tại cuộc đấu giá của Sotheby’s vào năm 2017. Nhưng chiếc túi đã được làm sạch, để lại một vài vệt bụi mặt trăng rơi vào tay NASA.

Trong quá trình thử nghiệm, NASA đã sử dụng những mảnh băng dính carbon nhỏ để thu thập dấu vết của bụi mặt trăng từ túi, sau đó dính băng đó vào một loạt đĩa nhôm nhỏ, mà cơ quan này quyết định giữ lại. Bà Carlson sau đó lại kiện NASA, cáo buộc cơ quan này không chỉ làm hỏng chiếc túi trong quá trình kiểm tra mà còn lấy một ít bụi mặt trăng bên trong. NASA cuối cùng đã giải quyết và trả lại gần như toàn bộ số bụi mặt trăng cho bà Carlson. Bây giờ bà ấy đã niêm yết các đĩa phủ bụi mặt trăng với Bonhams, ước tính rằng chúng có thể bán được với giá từ 800.000 USD đến 1.2 triệu USD.

Các mẫu được đựng trong một thùng chứa của NASA. Ảnh: Bonhams.
Các mẫu được đựng trong một thùng chứa của NASA. Ảnh: Bonhams.

Bụi mặt trăng, mẫu vật duy nhất của Apollo có thể được bán hợp pháp, sẽ làm nổi bật việc bán các hiện vật liên quan đến khám phá không gian của Bonhams (công ty đấu giá) vào ngày 13/4 tại New York.

Thu thập các mẫu vật là một trong những nhiệm vụ đầu tiên của phi hành gia Armstrong khi ông đặt chân lên bề mặt mặt trăng vào ngày 21/7/1969, Bonhams cho biết. Theo các tài liệu lịch sử của NASA, ông đã dành 3 phút 5 giây để thu thập tổng cộng khoảng 1kg bụi.

Các dự án không gian riêng của các doanh nhân giàu có như tỉ phú Elon Musk, tỉ phú Jeff Bezos và ông Richard Branson, được mệnh danh “Cuộc chạy đua vũ trụ của các tỉ phú”, đã khuấy động thị trường mẫu vật không gian. Các mẫu vật không gian và vật liệu ngoài trái đất như thiên thạch đã trở nên phổ biến trong vài năm qua. Vào năm 2017, NASA đã thông báo về việc khởi động chương trình Artemis, nhằm mục đích lần đầu tiên gửi một phi hành đoàn khác lên mặt trăng kể từ sứ mệnh Apollo 17 vào năm 1972.

Có thể bạn quan tâm: 

Tỉ phú Abramovich nghi ngờ bị đầu độc

Nguồn Forbes


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới