Các ngân hàng Mỹ không còn nhiều kỳ vọng với Trung Quốc?
Dữ liệu kinh tế công bố trong tháng 5 của Trung Quốc đã không đạt được kỳ vọng. Ảnh: Nikkei Asia.
Trong bối cảnh xung đột căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng tăng cao, các ngân hàng Mỹ dần cảm thấy lo ngại những rủi ro khi đầu tư kinh doanh tại thị trường tỉ dân, nơi từng được coi là “miền đất hứa” trong mắt các nhà băng lớn.
Một loạt ngân hàng lớn của Mỹ đã bắt đầu xem xét cắt giảm nhân sự tại Trung Quốc nói riêng cũng như khu vực Đông Á nói chung khi mà ngày càng có nhiều quy định và lệnh cấm được đặt ra giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Ý tưởng ban đầu là tìm được một chỗ đứng vững chắc trong thị trường màu mỡ này và phát triển công việc kinh doanh, mở rộng quy mô. Thậm chí nếu phải bỏ ra một khoản đầu tư lớn, các doanh nghiệp vẫn có thể thu lại lợi nhuận sau đó. Nhưng các tính toán hiện tại đã thay đổi”, ông David Williams, cựu Giám đốc Ngân hàng Merrill Lynch chi nhánh Hồng Kông, cho biết.
Theo hãng tin Bloomberg, 2 ngân hàng lớn của Mỹ là Goldman Sachs và Morgan Stanley đang bắt đầu cắt giảm nhân sự ở các chi nhánh khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Riêng trong mảng ngân hàng đầu tư, Morgan Stanley cho biết sẽ sa thải 7% nhân viên trên toàn khu vực. Động thái này được đưa ra khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã bước sang năm thứ 5, kể từ thời cựu Tổng thống Trump và được tiếp nối dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Trước đây, Trung Quốc từng có tốc độ tăng trưởng nhanh đến mức chưa từng có trong lịch sử. Khi đó, các ngân hàng Mỹ đều nhận định đây là “đại dương xanh” có thể mang tới lợi nhuận khổng lồ nếu đầu tư vào. Nhưng dưới sức ép ngày càng leo thang từ chính sách đe dọa trừng phạt ở cả Washington và Bắc Kinh vì hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc, các ngân hàng đều cho rằng việc đánh đổi giữa mức độ rủi ro và lợi nhuận thu được ngày càng mất cân bằng.
Hoạt động hỗ trợ các công ty Trung Quốc trong khâu hoàn tất thủ tục pháp lý để niêm yết trên sàn giao dịch New York từng là đất vàng để kiếm tiền của các ngân hàng Mỹ. Tuy nhiên năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã ngăn công ty công nghệ Didi niêm yết trên sàn chứng khoán New York. Sau đó, hàng loạt công ty ở Trung Quốc dưới sức ép của chính quyền Bắc Kinh, buộc phải hủy niêm yết ở Mỹ và quay về các sàn giao dịch Đại Lục.
Những xung đột đang diễn ra trong quá trình giám sát kế toán theo yêu cầu của chính phủ Mỹ cộng với việc Bắc Kinh gây áp lực yêu cầu các doanh nghiệp Trung Quốc sử dụng các công ty kế toán nội địa, có thể khiến thêm nhiều công ty Trung Quốc phải hủy niêm yết ở Mỹ.
Trong khi đó, phía Tổng thống Joe Biden đang tiến gần hơn tới việc đưa ra sắc lệnh hành pháp nhằm rà soát các khoản đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt với một số lĩnh vực ở Trung Quốc. Các chính trị gia Mỹ hầu như không có lý do để giảm bớt thái độ “diều hâu”, do đó Washington ngày càng tỏ ra “ít thân thiện” hơn đối với các khoản đầu tư vào Trung Quốc, nhất là khi nước này đang được xem là đối thủ chiến lược nặng ký nhất hiện nay.
Hãng xe công nghệ Didi từng bị Trung Quốc phạt khi phát hành cổ phiếu công khai lần đầu tiên (IPO) tại sàn giao dịch chứng khoán New York. Ảnh: Reuters. |
Vấn đề từ bên trong của Trung Quốc
Tốc độ tăng trưởng kinh tế như vũ bão trước đây của Trung Quốc đang chậm lại. Dữ liệu kinh tế đáng thất vọng được công bố hồi đầu tháng này đã khiến các ngân hàng Mỹ và các nhà đầu tư cảm thấy cần phải xem xét lại triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.
Doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp trong tháng 4 ghi nhận sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và tăng so với tháng 3, nhưng vẫn ở mức thấp hơn dự báo. Sản lượng công nghiệp tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng là con số gây thất vọng khi kỳ vọng được dự báo là 11%.
“Chúng tôi tin rằng sự giảm tốc nhanh hơn kỳ vọng trong các chỉ số chính đã cho thấy dự báo tăng trưởng 5,6% trong năm nay của Trung Quốc sẽ không đạt được”, Barclays, một trong các ngân hàng lớn nhất của Anh, nhận định. Đồng thời ngân hàng đã hạ mức tăng trưởng dự báo của Trung Quốc xuống 5,3%.
Citigroup thì cho rằng những dữ liệu đáng thất vọng gần đây sẽ khiến những con số lạc quan hồi đầu năm “hóa không”, từ đó làm vơi dần niềm tin của các nhà đầu tư vào khả năng phục hồi của nền kinh tế, khiến tốc độ tăng trưởng khó mà quay lại đà tăng như trước. Citigroup miêu tả những biến động này có thể trở thành lực cản lớn nhất cho nền kinh tế Trung Quốc.
Những vấn đề rủi ro mà nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang gặp phải, đi kèm mối lo ngại pháp lý khó lường trước, không chỉ hạn chế việc các doanh nghiệp tại nước này mở rộng hoạt động kinh doanh mà còn đe dọa hàng tỉ USD mà các ngân hàng Mỹ bất chấp đầu tư vào Trung Quốc khoảng thời gian trước.
Đầu năm 2023, 3 ngân hàng lớn nhất của Mỹ là JP Morgan Chase, Bank of America và Citigroup đã “rót” tổng cộng 45 tỉ USD vốn đầu tư vào Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này thấp hơn khoản đầu tư 54 tỉ USD của năm ngoái. Các ngân hàng Mỹ đều đã trở nên cảnh giác hơn rất nhiều so với thời gian trước khi tăng trưởng kinh tế tạo ra những cơ hội không giới hạn.
Theo hãng tin Bloomberg, từ cuối thập niên 1990, thị trường Trung Quốc được giới đầu tư nước ngoài coi như “chén thánh” mà đổ xô “rót tiền” vào. Trong mắt các ngân hàng ngoại, Trung Quốc vẫn sẽ đầy hứa hẹn như trước đây nếu hoạt động kinh doanh ở nước này có thể mở rộng quy mô như tại Mỹ, tuy nhiên điều đó sẽ không thể xảy ra trong tương lai gần.
Có thể bạn quan tâm:
Chủ tịch WB: Nợ công của các nước phát triển đang đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu
Nguồn Nikkei Asia
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Quốc Cường (Nguồn: TTX)