Hủy
Thế giới

Các Ngân hàng Trung ương châu Á tìm cách bảo vệ đồng tiền nội tệ

Khánh Tú Thứ Năm | 19/10/2023 11:15

Các Ngân hàng Trung ương muốn bảo vệ tỉ giá nhưng không gây tổn thất dự trữ ngoại hối. Ảnh: Bloomberg.

Các Ngân hàng Trung ương châu Á tìm cách bảo vệ đồng nội tệ trước áp lực đồng USD tăng mạnh.
 

Các Ngân hàng Trung ương ở những nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á đang tìm nhiều cách mới để bảo vệ đồng tiền nội tệ trước áp lực mất giá, do nhiều lo ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn, và căng thẳng địa chính trị gia tăng, làm suy giảm nhu cầu đối với những tài sản rủi ro. Những nỗ lực mới đều nhằm mục đích hỗ trợ tỉ giá đồng tiền nội tệ, mà vẫn không gây tổn thương dự trữ ngoại hối.

Các đồng tiền châu Á hiện dễ bị ảnh hưởng trước rủi ro dòng vốn chảy ra ngoài vì lãi suất cơ bản của khu vực nhìn chung đang thấp hơn so với những khu vực khác, dẫn đến sự chênh lệch lớn với lãi suất ở Mỹ.

Biện pháp bảo vệ tỉ giá mới...

Để ứng phó với thách thức này, các nhà hoạch định chính sách đã đề ra một số biện pháp. Trong khi giới chức Ấn Độ cho biết sẽ phát hành trái phiếu nhằm hút bớt tiền mặt nội tệ, củng cố sức mạnh cho đồng rupee, thì giới chức Indonesia phát hành một số sản phẩm mới để thu hút dòng vốn chảy vào nước này nhằm hỗ trợ tỉ giá đồng rupiah. Trung Quốc hiện cũng đang phát hành lượng lớn trái phiếu nội tệ tại thị trường nước ngoài để kích thích nhu cầu đồng nhân dân tệ.

 

Indonesia và Ấn Độ đang phát hành thêm trái phiếu có lãi suất cao hơn để thu hút dòng vốn đổ vào để bảo vệ đồng tiền nội tệ mà không cần dùng đến dự trữ ngoại hối, theo ông Eddie Cheung, Chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi tại ngân hàng Credit Agricole CIB, Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông (Trung Quốc).

Việc sử dụng những cách thức mới để bảo vệ tỉ giá tiền tệ là một cách để tránh rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan khi phải lựa chọn giữa việc chấp nhận đồng nội tệ mất giá, hoặc bảo vệ đồng nội tệ bằng cách “đốt” dự trữ ngoại hối, hoặc tăng lãi suất và kìm hãm tăng trưởng kinh tế.

Dự trữ ngoại hối của Ấn Độ giảm cho thấy Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã tăng cường sử dụng dự trữ để củng cố tỉ giá đồng tiền nội tệ. Các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ cũng công bố kế hoạch bán trái phiếu để thu thêm tiền mặt và hỗ trợ đồng rupee thông qua tăng lợi suất trái phiếu chính phủ.

Các biện pháp Ấn Độ triển khai đến hiện tại phần lớn đã thành công. Đồng rupee gần như không thay đổi so với đầu năm, trong khi hầu hết các đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi khác ở châu Á đều suy yếu.

Ngân hàng Trung ương Indonesia bắt đầu bán loại trái phiếu có tên Bank Indonesia Rupiah Securities (SRBI) từ giữa tháng 9/202, với mục đích thu hút thêm dòng vốn chảy vào nước này. Việc phát hành trái phiếu này diễn ra khi khối ngoại bán ròng 1,1 tỉ USD từ thị trường trái phiếu hồi tháng 9, mức bán cao nhất trong gần một năm.

 

...không cần dùng dự trữ ngoại hối

Trong khi đó, Trung Quốc đang triển khai một loạt biện pháp để bảo vệ đồng tiền nội tệ. Chính phủ Trung Quốc mới đây đã thông báo phát hành 26 tỉ nhân dân tệ (3,6 tỉ USD) trái phiếu chính phủ trong quý IV/2023, nâng tổng mức phát hành lượng trái phiếu năm 2023 lên mức kỷ lục 55 tỉ nhân dân tệ. Các nhà đầu tư xem mục tiêu chính của đợt phát hành này là hỗ trợ tỉ giá đồng nhân dân tệ bằng cách tăng nhu cầu đối với đồng tiền này.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có động thái can thiệp vào thị trường tiền tệ ngoài nước bằng cách tăng lãi suất các khoản vay qua đêm bằng nhân dân tệ giữa các ngân hàng ở Hồng Kông. Đây là phương thức mới để bảo vệ tỉ giá, nhưng vẫn có “điểm yếu”. Các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu Trung Quốc nhận thấy việc phòng hộ trở nên khó khăn hơn khi lãi suất cho vay qua đêm tăng.

Dẫu vậy, các biện pháp củng cố đồng tiền nội tệ mà các ngân hàng trung ương đang triển khai vẫn giúp giảm bớt lượng dự trữ ngoại hối cần phải “đốt” để giữ đồng tiền nội tệ ổn định trước áp lực mất giá.

Có thể bạn quan tâm:

Các hãng xe điện Trung Quốc chấp nhận lỗ để gia tăng thị phần

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới