Hủy
Thế giới

Canh bạc 4 nghìn tỷ USD của Fed

Thứ Năm | 30/10/2014 11:32

 
 
Hôm 29/10, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ra tuyên bố ngừng mua trái phiếu, kết thúc hoàn toàn gói QE3.

Chương trình mua trái phiếu hàng tháng hay chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Fed vốn là một trong những chính sách kinh tế "khủng" nhất của Mỹ và cũng là màn đánh cược rất liều lĩnh của các nhà hoạch định chính sách Mỹ. Tuy nhiên, lần này Fed đã đúng khi dám liều mình như vậy.

Mặc dù Fed khẳng định sẽ chấm dứt hoàn toàn gói QE3 - bắt đầu triển khai từ tháng 9/2012 - nhưng điều đó không có nghĩa là Fed sẽ không bao giờ dùng đến công cụ tài chính QE này nữa.

Hiện tại, Fed nắm giữ hơn 4 nghìn tỷ USD trái phiếu, tương đương gần 1/5 số dư trái phiếu chính phủ và trái phiếu thế chấp của Mỹ. Với lượng nắm giữ lớn như vậy, Fed sẽ vẫn có ảnh hưởng lớn trên các thị trường.

gafin

Vậy thì, QE đã giúp được gì cho kinh tế Mỹ? Đây dường như vẫn là chủ đề gây nhiều tranh cãi kể từ khi QE ra đời cho đến nay.

Năm 2012, Cựu chủ tịch Fed Ben Bernanke từng chia sẻ, 2 gói QE đầu tiên của Fed có thể sẽ thúc đẩy kinh tế Mỹ tăng trưởng 3% và tạo ra hơn 2 triệu việc làm. Tuy nhiên trong một báo cáo gần đây, John Williams - Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco - lại phủ nhận những tính toán trên của ông Bernanke. Mặt khác, trong khi một số chuyên gia cho rằng, ảnh hưởng của QE đang giảm dần thì số khác lại tin rằng, QE chẳng phải là điều tốt đẹp gì đối với kinh tế Mỹ.

Dù thế nào đi nữa thì canh bạc này cũng đã kết thúc và kết quả cũng rất rõ ràng. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế Mỹ gần như suy sụp vì nhu cầu tiêu dùng giảm liên tục trong khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và lạm phát xuống thấp. Tuy nhiên với sự ra đời của QE, thị trường ngày càng tin tưởng hơn vào nỗ lực phục hồi nền kinh tế của ngân hàng trung ương. So với những thành tựu mà kinh tế Mỹ đã đạt được tính đến thời điểm hiện tại, thì rủi ro của QE chỉ ở mức rất nhỏ. Trong quý II vừa qua, GDP của Mỹ tăng trưởng mạnh ở 4,2% sau khi giảm 2,9% trong quý I. Trước đó, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng 2% trong cả năm 2013. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp cũng xuống thấp nhất 6 năm ở 5,9% khi các doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng và hạn chế sa thải nhân viên.

Fed

Nếu có điều gì khiến Fed phải hối tiếc thì đó chính là sự vội vàng của chính phủ. Khi cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra, chính phủ Mỹ dường như đã "mau mắn" nới lỏng chính sách tài khóa, khiến nền kinh tế phải chịu thêm nhiều gánh nặng. Và ngay sau đợt kích thích đầu tiên với quy mô nhỏ hơn so với yêu cầu, Quốc hội Mỹ lại nhanh chóng thắt chặt chính sách tài chính đồng thời thực hiện cắt giảm thâm hụt ngân sách một cách không cần thiết. Khi đó, Fed đã phải giải quyết "đống hổ lốn" này bằng QE với việc hạ lãi suất xuống thấp cận 0. Đây có lẽ cũng là lý do khiến Fed luôn giữ quan điểm thận trọng và kiên trì với vấn đề tăng lãi suất trong những cuộc họp chính sách gần đây.

Điều hối tiếc thứ 2 của Fed là, các cơ quan quản lý đã không làm gì để bảo nền kinh tế khỏi những biến động trên thị trường tài chính do chính sách của Fed tạo ra. Những nỗ lực của Fed, như thực hiện các đợt stress test, nhằm củng cố vững chắc hệ thống ngân hàng được xem là hướng đi đúng đắn. Tuy nhiên, lượng vốn mà các ngân hàng lớn nhất của Mỹ có được vẫn còn quá ít trong khi các cơ quan quản lý lại bị "hổng" thông tin cũng như không biết nên làm gì để xác định và giải quyết những rủi ro bên ngoài hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, một điều chắc chắn là, QE sẽ không bao giờ "lỗi thời" đối với Fed cho đến khi ngân hàng trung ương bình thường hóa được bảng cân đối ngân sách. Và từ giờ đến lúc đó, Mỹ sẽ còn phải đối mặt với nhiều nguy cơ bất ổn tài chính khác.

Nguồn Theo DVO/ Bloomberg View


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới