Công nhân tại thành phố giàu nhất Trung Quốc chịu cảnh mất việc trầm trọng
Công nhân lắp ráp xe đẩy tại nhà máy Good Baby ở thành phố Côn Sơn. Ảnh: EPA-EFE.
Công nhân tại một trong những trung tâm xuất khẩu nhộn nhịp nhất của Trung Quốc đang phải rất khó khăn để kiếm việc làm khi triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu và căng thẳng với Mỹ buộc các nhà sản xuất phải di dời nhà máy ra khỏi Trung Quốc.
Quận Côn Sơn, cách Thượng Hải 50 km, thuộc tỉnh Giang Tô của Trung Quốc, từng tự hào về mức lương cao hơn tới 30% so với ở các tỉnh nội địa kém phát triển khác, nhờ có hàng ngàn doanh nghiệp gia công đặt nhà máy sản xuất ở nơi này.
Với gần 1 triệu dân, nhưng Côn Sơn lại có đến 1.529 công ty làm hàng xuất khẩu (tính riêng của Đài Loan), nơi này còn được biết đến là thành phố giàu nhất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ở Côn Sơn đang cắt giảm sản xuất do xuất khẩu giảm sút, giới chủ nhà máy và các công ty logistics tiết lộ với tờ Financial Times.
Từ tháng 10 năm ngoái, xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 5 tháng liên tiếp do khách hàng phương Tây giảm lượng đơn hàng trong bối cảnh lạm phát cao và triển vọng kinh tế u ám. Trước đó, trong suốt thời gian đại dịch COVID-19, xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc.
Tình trạng bất ổn của Côn Sơn phản ánh những thách thức mà nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Trung Quốc phải đối mặt, khi nước này thoát khỏi 3 năm hạn chế do đại dịch và khi các nhà hoạch định chính sách đấu tranh để tìm một động cơ tăng trưởng khác để bù đắp sự sụt giảm trong ngoại thương.
Theo nhiều nhà tuyển dụng, số lượng nhân công tại các nhà máy đã giảm và các công ty đã cắt giảm tới 1/3 tiền lương theo giờ, trong khi các khoản tiền thưởng hấp dẫn khi mới vào làm đã bị loại bỏ. Nhiều nhà máy đã bắt đầu từ chối những nhân công lớn tuổi, vì đơn hàng giảm đã tạo ra tình trạng thừa cung lao động, đảo ngược xu hướng thời kỳ đại dịch, khi các nhà máy tăng cường tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ.
Tăng trưởng (%) xuất khẩu hàng tháng của Trung Quốc so với cùng kỳ năm trước. |
Sự yếu kém của thị trường lao động đã trở nên trầm trọng hơn bởi các nhà sản xuất Đài Loan, nhà sử dụng lao động lớn nhất thành phố, chuyển dây chuyền sản xuất sang các nước khác để hạn chế ảnh hưởng bởi căng thẳng Mỹ - Trung. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã áp một loạt biện pháp nhằm hạn chế việc bán công nghệ cho Trung Quốc. Điều này đặt ra sức ép khiến các công ty của Mỹ và của các nước đồng minh với Mỹ phải dịch chuyển sản xuất và hạn chế giao dịch với đối tác Trung Quốc.
Ông Dan Wang, nhà kinh tế về Trung Quốc tại Hang Seng Bank China, cho biết: “Côn Sơn nổi lên nhờ dòng chảy của các nhà sản xuất Đài Loan. Những công ty này hiện đã trở thành lực cản đối với tăng trưởng”.
Các cuộc khảo sát chính thức cho thấy hoạt động kinh tế ở Côn Sơn khởi sắc trong những tuần gần đây, với giá trị sản xuất và xuất khẩu tính bằng đồng nhân dân tệ tăng trong 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, sự phục hồi đó chưa ngấm tới từng doanh nghiệp và lao động tìm việc làm.
Tiền lương tại các nhà máy Đài Loan ở Côn Sơn đã giảm 1/3, còn 19 nhân dân tệ, tương đương 2,75 USD, mỗi giờ, từ mức 25 nhân dân tệ cách đây 1 năm. Thay vì thưởng 10.000 nhân dân tệ (1.450 USD) cho công nhân mới ký hợp đồng, nhiều nhà máy bắt đầu áp phí nộp hồ sơ.
Cơ hội việc làm cũng giảm do nhiều nhà tuyển dụng đã thắt chặt giới hạn độ tuổi đối với lao động phổ thông. Foxconn Côn Sơn, nhà gia công hàng đầu của hãng điện tử Mỹ Apple, yêu cầu ứng viên của các vị trí thấp phải dưới 40 tuổi, so với mức 45 tuổi cách đây 1 năm.
Ông Chen Jian, một người chuyên tuyển lao động cho các nhà máy ở Côn Sơn, cho biết: “Chúng tôi không có đủ vị trí cho nhiều người xin việc đến vậy”.
Ông James Gao, chủ một công ty logistics chuyên làm việc với Foxconn và doanh nghiệp Đài Loan khác là Pegatron, cho biết lượng hàng vận chuyển đã giảm ít nhất 1/3 trong quý I năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. “Thời điểm đó, lái xe của chúng tôi có lúc không tìm được chỗ đậu xe ở cảng Thượng Hải. Bây giờ, một nửa số chỗ đậu xe bị bỏ trống”, ông nói.
Ông cho biết thêm rằng một số khách hàng của ông là doanh nghiệp Đài Loan, những công ty chủ yếu phục vụ các thương hiệu điện tử phương Tây, đã bắt đầu chuyển một số đơn hàng sang nhà máy ở Việt Nam và Ấn Độ vì căng thẳng chính trị thúc đẩy họ đa dạng hóa cơ sở sản xuất.
“Nếu Côn Sơn là một nhà máy, thì nhà máy này trước đây có thể nhận một đơn hàng 10 tỉ USD từ Apple hoặc Dell. Bây giờ, đơn hàng chỉ còn 8 tỉ USD và số còn lại chuyển sang Việt Nam”, ông Gao nói.
Khi nhu cầu đối với hoạt động sản xuất giá trị gia tăng thấp suy giảm, Côn Sơn đã bắt đầu tìm cách thu hút nhà đầu tư nước ngoài với nhu cầu công nghệ cao hơn và tập trung vào bán hàng tại thị trường Trung Quốc nhằm thúc đẩy tăng trưởng. Chiến lược này đã hấp dẫn một số công ty nhờ chuỗi cung ứng vững chắc của Kunshan và vị trí địa lý gần kề của địa phương này với Thượng Hải, thị trường hàng tiêu dùng cao cấp lớn nhất Trung Quốc, cũng như trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ hàng đầu ở nước này.
Tuy nhiên, dòng vốn vào có thể sẽ không đủ để bù đắp cho sự rời đi của các doanh nghiệp gia công. Hồi tháng 1 năm nay, thị trưởng Chen Liyan của Côn Sơn, nói rằng thành phố này dự kiến thu hút được 1,1 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2023, giảm từ mức 1,7 tỉ USD trong năm 2022. Ông Chen cũng đặt mục tiêu tăng trưởng thương mại của địa phương ở mức 0 cho năm nay, sau khi chứng kiến cú giảm 3% trong năm ngoái.
Đối với những người tìm việc, bức tranh thật ảm đạm. Ông Wang Liming, một công nhân nhập cư 40 tuổi đến từ tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc, đã phải đối mặt với tình trạng thiếu việc làm và lương giảm khi đến Côn Sơn vào tháng này.
“Tôi nghĩ rằng việc COVID-19 kết thúc sẽ giúp cuộc sống của tôi dễ dàng hơn. Nhưng sự thật là không phải vậy. Tôi phải chấp nhận mức lương thấp để tiếp tục có việc làm”, ông nói.
Có thể bạn quan tâm:
Thời kỳ "phá đảo" của TikTok sắp đi vào hồi kết?
Nguồn FT
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư