Đức gấp rút họp hội nghị thượng đỉnh để đối mặt khủng hoảng bất động sản
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Olaf Scholz sẽ mời các chuyên gia trong ngành tới dự hội nghị thượng đỉnh ở Berlin. Ảnh: Getty Images.
Khi ông Valeriy Shevchenko, 33 tuổi, đang phải nuôi gia đình, đăng ký mua một căn hộ ba phòng ngủ trong một tòa nhà sẽ được xây dựng ở một quận được săn đón ở Berlin, ông nghĩ rằng mình đã có thể an cư lập nghiệp. Hai năm sau, ước mơ có một căn nhà cho riêng mình của ông đã tan thành mây khói khi công việc thi công đột ngột bị đình trệ.
Công ty Project Immobileien, đơn vị quản lý việc xây dựng lúc bấy giờ, đã phá sản vào mùa hè năm nay do cuộc khủng hoảng bất động sản gây chấn động nước Đức trong vài tháng qua, khiến hàng trăm người mua rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
“Cần cẩu, thiết bị cho công nhân, mọi thứ đều đã rời đi”, người cha 33 tuổi nói với các phóng viên khi đứng trước khối bê tông được xây dựng dang dở.
Ông Valeriy Shevchenko đến từ Nga đứng trước dự án nhà ở dân cư "Malmoerstrasse 28" chưa hoàn thiện vào ngày 18/9/2023. Ảnh: AFP. |
Lãi suất tăng cao đang đẩy chi phí tín dụng lên cao, nhu cầu giảm mạnh và giá nguyên vật liệu tăng vọt. Số vụ phá sản trong lĩnh vực xây dựng ở Đức đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm, khiến nhiều dự án phải dừng lại.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Olaf Scholz sẽ mời các chuyên gia trong ngành tới dự hội nghị thượng đỉnh ở Berlin. Mục đích là để vực dậy hoạt động xây dựng vào thời điểm đất nước đang thiếu nhà ở trầm trọng.
Trong nhiều năm, lĩnh vực này được hưởng lợi từ lãi suất thấp nhờ chính sách tiền tệ hào phóng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Nhu cầu rất mạnh và các dự án xây dựng ở các thành phố lớn của Đức ngày càng phát triển. Thế nhưng không tránh khỏi xu hướng toàn cầu, ECB đã phải tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát, khiến nhu cầu vay vốn, giá bất động sản và lợi nhuận của các dự án đều giảm mạnh.
Thị trường đang chậm lại trên khắp châu Âu. Nhưng Đức đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, với giá nhà giảm 6,8% so với cùng kỳ trong quý đầu tiên của năm 2023, so với mức tăng nhẹ 0,4% của toàn khu vực đồng Euro.
Đồng thời, các nhà phát triển đang phải chịu đựng sự gia tăng chi phí vật liệu xây dựng sau đại dịch COVID-19 và càng bị khuếch đại bởi cuộc chiến ở Ukraine.
Nhà phát triển bất động sản Đức Vonovia, một ông lớn trong lĩnh vực này, gần đây đã quyết định đình chỉ việc xây dựng 60.000 ngôi nhà. Theo một cuộc khảo sát gần đây của viện IFO, 1/5 công ty bất động sản cho biết họ đã hủy các dự án xây dựng vào tháng 8, trong khi 11,9% đang gặp khó khăn về tài chính.
Tại Berlin, những người mua dự án tại tòa nhà Project Immobileien ở quận trung tâm Prenzlauer Berg đều đã trả xong một nửa cho bất động sản của mình.
Ông Shevchenko than thở: "Tôi không giàu. Tiền của tôi là thành quả lao động cực nhọc và tôi còn đang phải trả lãi cho khoản vay mà tôi thậm chí không tận dụng được".
Cả công ty và chủ sở hữu tương lai đều không mua bất kỳ bảo hiểm nào. Hy vọng duy nhất là tìm được người mua để hoàn thiện công trình, hoặc.... tự mình hoàn thành.
Bà Marina Prakharchuk, 39 tuổi, người đã trả 175.000 Euro cho một căn hộ rộng 45 m2 trong tòa nhà, rưng rưng nước mắt: “Tôi không bao giờ có thể tưởng tượng rằng điều gì đó như thế này có thể xảy ra ở Đức. Tôi đã dồn hết tiền tiết kiệm của mình vào đó.”,
Cuộc khủng hoảng này là một đòn giáng mạnh vào chính phủ của ông Olaf Scholz, vốn hứa sẽ xây dựng 400.000 ngôi nhà mỗi năm khi lên nắm quyền vào cuối năm 2021. Đây là một chặng đường dài, khi mà lĩnh vực này dự kiến sẽ phải nỗ lực để đạt được con số 250.000 trong năm nay và thậm chí giảm xuống dưới 200.000 vào năm 2024.
Tuy nhiên, nhu cầu là rất lớn, càng trở nên trầm trọng hơn do làn sóng người tị nạn và lao động nước ngoài tràn vào trong những năm gần đây tại một quốc gia đang thiếu lao động.
Tình huống hiện tại cũng có thể trở thành một quả bom xã hội, vào thời điểm thiếu nguồn cung đang khiến giá thuê tăng mạnh. Khi mà ở Đức, một nửa dân số không có nhà riêng. Đây là một đòn giáng mạnh hơn nữa vào sức mua của hộ gia đình, vốn đã bị lung lay bởi lạm phát, vẫn đang ở mức trên 6% trong nước.
Bộ trưởng Bộ Nhà ở, Klara Geywitz, đã thông báo rằng bà muốn mở rộng một số biện pháp nhất định để giúp các gia đình tiếp cận quyền sở hữu nhà và đầu tư thêm một tỉ euro vào nhà ở cho sinh viên cũng như người học nghề.
Có thể bạn quan tâm:
Nhu cầu mì gói toàn cầu đạt kỷ lục mới, Việt Nam tiêu thụ nhiều thứ 4 thế giới
Nguồn Euronews
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Hải Miên
-
Trọng Hoàng
Tin nổi bật trong ngày
Tin mới
-
Thái Huệ