Hủy
Thế giới

ECB quyết định chưa tiến hành QE và giữ nguyên lãi suất chủ chốt

Thứ Năm | 03/04/2014 20:45

 
 
ECB vẫn tin tưởng chính sách lãi suất sẽ là "chìa khóa" để giải quyết các vấn đề về tăng trưởng và lạm phát thấp của Eurozone hiện nay.

Kiên quyết theo đuổi mục tiêu lạm phát bằng chính sách lãi suất thấp

Trong buổi họp báo đang diễn ra tại Frankfurt (Đức), Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi thông báo một số quyết định quan trọng.

Thứ nhất, ECB không điều chỉnh lãi suất cơ bản xuống thấp hơn nữa để hỗ trợ khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cụ thể, lãi suất cơ bản được giữ nguyên ở 0,25% như đã thiết lập từ tháng 11 năm ngoái. Bên cạnh đó, lãi suất tiền gửi cũng được giữ ở 0%. Đây là những mức lãi suất chủ chốt thấp nhất kể từ khi Eurozone được thành lập.

Chủ tịch ECB giải thích cho quyết định trên bằng một số lý do sau đây. Tuy tỷ lệ lạm phát khu vực Eurozone trong tháng 3 giảm xuống 0,5% nhưng sự phục hồi vừa phải cũng đang diễn ra phù hợp với đánh giá của ECB. Đồng thời, tỷ lệ lạm phát mặc dù thấp nhưng tăng dần tỷ lệ lạm phát vẫn là xu hướng chủ đạo trong trung hạn. Ông Draghi tiếp tục khẳng định lại mục tiêu lạm phát trong trung hạn không thay đổi, đó là "thấp hơn nhưng gần 2%".

Thứ hai, Chủ tịch ECB nhấn mạnh trong thời gian sắp tới sẽ giám sát diễn biến một cách chặt chẽ và xem xét tất cả các công cụ tiền tệ sẵn có. Không loại trừ khả năng tiếp tục thi hành chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa nếu cần thiết, tuy nhiên ECB vẫn giữ kỳ vọng lãi suất vẫn là "chìa khóa" trong các chính sách thi hành, sẽ được duy trì như hiện nay hoặc thậm chí có thể thấp hơn nữa trong một khoảng thời gian dài. Kỳ vọng trên được được ra nhằm đáp ứng mục tiêu lạm phát trong trung hạn của tổng thể các nền kinh tế khu vực Eurozone, thúc đẩy tăng trưởng vẫn còn yếu kém trên diện rộng và tạo động lực sử dụng vốn cho nền kinh tế. Hội đồng ECB cam kết sẽ sử dụng những công cụ "độc đáo" (bao gồm cả QE) để đối phó một cách hiệu quả với rủi ro nếu lạm phát thấp tiếp tục diễn ra trong khoảng thời gian dài.

Đó là hai quyết định quan trọng nhất được ECB đưa ra. Tuy không phủ định hoàn toàn khả năng kích thích tiền tệ hơn nữa bằng những công cụ đặc biệt (chẳng hạn như nới lỏng định lượng-QE), nhưng những đánh giá tốt về triển vọng giá cả và phục hồi tăng trưởng khiến cho ECB cần nhiều thời gian hơn để đi đến quyết định "bước ngoặt" như vậy.

Sau buổi họp báo, đồng euro (EUR) đã mất giá 0,4% so với đô-la Mỹ (USD), giao dịch ở mức 1,3711 USD đổi 1 EUR.

Kinh tế Eurozone vẫn trên đường phục hồi

Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa tại khu vực Eurozone, Chủ tịch ECB cho rằng, GDP thực trong quý cuối cùng của năm 2013 của Eurozone tăng 0,2% so với quý trước đó, sau đi đã tăng lần lượt 0,1% và 0,3% trong hai quý liền trước. Số liệu điều tra quý I/2014 phù hợp với nhận định cho xu hướng tiếp tục tăng trưởng ở mức độ vừa phải, qua đó khẳng định sự phục hồi đang diễn ra tại khu vực Eurozone, đồng thời được hỗ trợ đáng kể bởi cầu nội địa.

Trong tương lai ngắn hạn, một số cải thiện hơn nữa đối với cầu nội địa sẽ tiếp tục được cải thiện bởi điều kiện tài chính, kèm theo thu nhập thực tế được củng cố nhờ một tỷ lệ tăng giá vừa phải, đặc biệt giá năng lượng vẫn sẽ giữ ở mức thấp. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế cũng sẽ được phát triển nhờ nhu cầu xuất khẩu đang tăng dần của khu vực Eurozone.

Tuy nhiên, ông Draghi lại tỏ ra lo lắng về thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, dẫn đến dư thừa năng suất lao động nghiêm trọng. Bên cạnh đó, một số rủi ro từ nền tài chính thế giới, thị trường mới nổi cũng như những biến động về địa chính trị gần đây tại khu vực châu Âu có thể gây ảnh hưởng đến quá trình đang hồi phục của kinh tế Eurozone.

Về lạm phát, Chủ tịch ECB cho biết dự báo trong những tháng tiếp theo tỷ lệ lạm phát vẫn sẽ ở mức thấp, trước khi tăng dần từ năm 2015 trở đi, để đạt mức gần 2% vào cuối năm 2016.

Đối với chính sách tiền tệ, số liệu mới cho thấy tăng trưởng cung tiền M3 (theo năm) trong tháng 2/2014 ổn định ở mức 1,3% so với 1,2% trong tháng 1/2014. Hẹp hơn, cung tiền M1 cũng tăng cao hơn, ở mức 6,2% trong tháng 2 so với 6,1% trong tháng trước đó. Ông Draghi đánh giá, yếu tố chính hỗ trợ tăng trưởng cung tiền M3 chính là lượng tài sản ròng từ nước ngoài chuyển về, phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với giá trị tài sản tại khu vực Eurozone.

Đối với chính sách tài khóa, Chủ tịch ECB cho rằng các nước Eurozone đã đạt được sự tiến bộ trong quá trình điều chỉnh mất cân bằng tài khóa. Các Chính phủ nước thành viên nên điều chỉnh tỷ lệ nợ công hạ thấp dần trong trung hạn. Chính sách tài khóa cũng không được loại trừ khả năng cải thiện chất lượng và hiệu quả của các dịch vụ công, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của chính sách thuế. Các bước tiếp theo cần tiến hành là cải cách sản xuất và thị trường lao động với quan điểm nhằm nâng cao khả năng cạnh trạnh, cải thiện tăng trưởng tiềm năng, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và khiến cho nền kinh tế Eurozone trở nên linh hoạt hơn.

Nguồn Dân Việt/MarketWatch


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới