Hủy
Thế giới

EU hỗ trợ mở rộng năng lực sản xuất vaccine ở châu Phi

Phùng Mỹ Thứ Ba | 18/05/2021 11:23

Một phụ nữ Kenya tiêm vaccine Oxford / AstraZeneca. Đại dịch COVID-19 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng việc sản xuất vaccine ở châu Phi. Ảnh: AFP.

 
 
Đầu tư vào sản xuất hữu ích hơn việc từ bỏ bằng sáng chế COVID-19 do Mỹ hỗ trợ.

Theo Financial Times, EU có kế hoạch thúc đẩy mở rộng sản xuất vaccine ở châu Phi sau khi đại dịch COVID-19 bộc lộ nhu cầu mở rộng sản xuất vaccine cứu người. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến ủng hộ các đề xuất thiết lập các trung tâm sản xuất chiến lược ở các nước châu Phi tại hội nghị thượng đỉnh về sức khỏe toàn cầu ở Rome vào cuối tuần này.

EU đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine ở châu Phi

Động thái của EU diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 tăng thêm tính cấp bách cho những nỗ lực lâu dài nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào tình trạng nhập khẩu thuốc ở các nước châu Phi để chống lại các căn bệnh chết người đang hoành hành lục địa này.

EU cũng mong muốn thúc đẩy các sáng kiến ​​nhằm tăng cường sản xuất vaccine quốc tế. Bởi, đây là cách tốt hơn để cải thiện khả năng tiếp cận vaccine COVID-19 của các quốc gia nghèo thay vì các biện pháp miễn trừ bằng sáng chế mà Mỹ đề xuất trong tháng này. 

Sự đóng góp của EU có thể bao gồm cả viện trợ trực tiếp của EU và tài trợ từ các cơ quan phát triển quốc gia và Ngân hàng Đầu tư châu Âu. Bên cạnh khoản tài trợ có thể lên tới hàng trăm triệu euro, Brussels muốn giúp xây dựng năng lực quản lý, bao gồm việc thành lập Cơ quan Thuốc Châu Phi - một cơ quan quản lý thuốc trên toàn lục địa đã được hình thành vào năm 2014 nhưng vẫn chưa đi vào hoạt động.

Các quan chức của Ủy ban châu Âu cũng đã tổ chức các cuộc đàm phán sơ bộ về kế hoạch với các đại diện ngành dược phẩm. Các nỗ lực của châu Âu được thiết kế để phù hợp với mục tiêu của Liên minh châu Phi đặt ra vào tháng 4 là có tới 60% vaccine thông thường của châu Phi cần được cung cấp từ trong lục địa vào năm 2040, tăng so với chỉ 1% hiện nay. Với khung thời gian dài liên quan đến việc tạo ra năng lực sản xuất, những thay đổi trên sẽ nhằm đối phó với các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai và các mối đe dọa lâu năm như sốt vàng da. 

Tổng thống Cyril Ramaphosa trong chuyến thăm cơ sở sản xuất vaccine COVID-19 ở Gqeberha, Nam Phi. Hiện tại, chỉ có 1% vaccine thông thường của châu Phi được cung cấp từ trong lục địa này. Ảnh: Financial Times.
Tổng thống Cyril Ramaphosa trong chuyến thăm cơ sở sản xuất vaccine COVID-19 ở Gqeberha, Nam Phi. Hiện tại, chỉ có 1% vaccine thông thường của châu Phi được cung cấp từ trong lục địa này. Ảnh: Financial Times.

Đồng chủ tịch của Liên minh phân phối vaccine châu Phi Ayoade Alakija cho biết: Tôi rất hoan nghênh EU về việc xem xét vấn đề sản xuất vaccine một cách nghiêm túc. Bà Ayoade Alakija bày tỏ sự muốn chứng kiến sự hỗ trợ xúc tác cho sản xuất ở châu Phi, có thể là về tài trợ hoặc hỗ trợ kỹ thuật, cũng như sự hỗ trợ của EU đối với việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ.

Bà Ayoade Alakija nói thêm, Liên minh có 3 địa điểm cho các trung tâm sản xuất trong tương lai gồm: Viện Pasteur ở Senegal, Rwanda và Nam Phi. Ủy ban Châu Âu, EIB và một số quốc gia thành viên EU bao gồm Đức và Pháp đã và đang hỗ trợ việc mở rộng Viện Pasteur.

Triển vọng thúc đẩy sản xuất ở các nước khác

Các quan chức châu Âu cũng chứng kiến triển vọng thúc đẩy sản xuất ở các nước khác, bao gồm cả Ai Cập. Trong những năm chưa đại dịch, châu Phi sử dụng khoảng 1/4 sản lượng vaccine toàn cầu cho các chiến dịch chống lại các bệnh như sởi và bại liệt. Nhiều liều vaccine của châu Phi đến từ Viện Huyết thanh của Ấn Độ. Tuy nhiên, việc chặn xuất khẩu vaccine COVID-19 từ Ấn Độ gần đây đã làm nổi bật nguy cơ phụ thuộc vào một nhà cung cấp nước ngoài duy nhất. 

 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi và AU đã triệu tập một hội nghị trực tuyến vào tháng 4 để theo dõi nhanh sự phát triển năng lực sản xuất vaccine trên lục địa này. Tổng thống Macky Sall của Senegal cho rằng việc sản xuất vaccine COVID-19 sẽ "sớm trở thành hiện thực" ở đất nước của ông.

Tổng thống Senegal Macky Sall (trái) cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels vào tháng 4.2021. Ảnh: EPA.
Tổng thống Senegal Macky Sall (trái) cùng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại Brussels vào tháng 4.2021. Ảnh: EPA.

Ông Macky Sall và các nhà lãnh đạo châu Phi khác đã hoan nghênh sự ủng hộ của chính quyền Biden đối với việc miễn bằng sáng chế đối với vaccine COVID-19. Họ cho rằng điều này sẽ thúc đẩy sản xuất vaccine ở châu Phi và các nơi khác. Các biện pháp này sẽ cho phép các nhà sản xuất dược phẩm sản xuất vaccine “sao chép” mà không sợ bị kiện vì vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. 

Nhưng các quan chức EU khẳng định động thái này không giải quyết được bí quyết sản xuất và chuyển giao công nghệ cần thiết cho các quốc gia đang tìm cách xây dựng năng lực sản xuất vaccine. Brussels cũng lập luận rằng các hiệp định quốc tế hiện có về sở hữu trí tuệ đã cung cấp một số tính năng linh hoạt trong việc chia sẻ IP vacine, bao gồm cả khả năng cấp phép bắt buộc.

Có thể bạn quan tâm:

Vì sao thế giới không thể bỏ rơi Ấn Độ?


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới