Hủy
Thế giới

Giá dầu rẻ đang tàn phá kinh tế Nga như thế nào?

Thứ Tư | 27/01/2016 08:32

Từ đầu năm, giá dầu giảm 16%, gây khó khăn cho các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào việc kinh doanh mặt hàng này, trong đó có Nga.
 

Khi ông Vladimir Putin đắc cử tổng thống Nga năm 2000, giá dầu giao dịch ở 28,4 USD/thùng. Sau 5 năm dao động trên mốc 100 USD/thùng, giá dầu thô quay lại sát ngưỡng của năm 2000, gần kết thúc chu kỳ trên.

Chỉ trong vài tuần qua, giá dầu đã giảm 16%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga - khi nguồn thu phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu mặt hàng này. Bộ Tài chính Nga đã cảnh báo về mức thâm hụt lớn hơn nếu Nga không cắt giảm chi tiêu và áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng.

Thâm hụt ngân sách có thể trầm trọng hơn

Ngân sách của Nga - gần 1/2 doanh thu tài chính đến từ dầu mỏ và khí đốt - năm 2015 thâm hụt 2,6%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã cảnh báo mức thâm hụt năm nay có thể còn cao hơn nếu giá dầu tiếp tục giảm.

Gia dau re dang tan pha kinh te Nga nhu the nao?
Tình trạng ngân sách của Nga trong vòng 10 năm qua.

Ban đầu, ngân sách năm 2016 của Nga được xây dựng trên mức giá dầu bình quân ở 50 USD/thùng và thâm hụt GDP ước tính là 3%. Ông Siluanov cho rằng cần áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng trị giá 1,5 nghìn tỷ rúp (18,9 tỷ USD) để ngăn thâm hụt ngân sách tăng lên 6% trong năm nay.

Nội tệ suy yếu đang đẩy tăng lạm phát

Tuy tiêu dùng là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nga trong hơn một thập kỷ qua, song nhu cầu nội địa suy yếu lại đang trở thành rào cản chủ yếu đối với tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.

Giá dầu rẻ không chỉ khiến kinh tế Nga suy yếu mà còn làm cho rúp giảm giá. Điều này đồng nghĩa rằng người tiêu dùng Nga phải bỏ ra nhiều tiền hơn nếu họ muốn duy trì mức tiêu dùng như trước kia.

Gia dau re dang tan pha kinh te Nga nhu the nao?
Lương cơ bản giảm trong suất 14 tháng qua.

Căng thẳng địa chính trị cũng gia tăng áp lực giảm giá của rúp. Đồng tiền này đã giảm gần 1/2 giá trị kể từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào ngay hồi tháng 3/2014 và việc Mỹ cũng như châu Âu áp đặt đòn trừng phạt Nga.

Nội tệ suy yếu đã đẩy lạm phát của Nga tăng lên mức cao nhất 13 năm ở 16,9% trong tháng 3/2015. Tuy tăng trưởng giá tiêu dùng hàng năm trong tháng 12/2015 giảm xuống 12,9%, song vẫn cao hơn 3 lần so với mục tiêu của Ngân hàng trung ương Nga.

GDP năm 2016 có thể tiếp tục giảm

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nga năm 2001, Tổng thống Putin từng kêu gọi phải đa dạng hóa hơn trong nền kinh tế. “Phần lớn nguồn thu của nước Nga là từ đâu? Dầu mỏ, khí đốt, kim loại và các hàng hóa khác". Tại thời điểm đó, dầu mỏ và khí đốt đóng góp 30% doanh thu ngân sách liên bang. Đến năm 2015, con số này tăng lên 44%, theo số liệu của Bộ Tài chính Nga.

Gia dau re dang tan pha kinh te Nga nhu the nao?
Dầu mỏ chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của Nga.

Sự phụ thuộc ngày càng lớn hơn vào dầu mỏ và khí đốt đồng nghĩa rằng GDP của Nga chịu tác động lớn hơn trước những biến động của giá dầu. Với đà sụt giảm của giá dầu như hiện nay, kinh tế Nga được dự đoán sẽ có nguy cơ suy giảm năm thứ 2 liên tiếp.

GDP của Nga năm 2015 giảm 3,7%, mức suy giảm mạnh nhất kể từ năm 2009, và theo kết quả khảo sát của Bloomberg, GDP của nước này năm nay có thể giảm 0,5%.

Gia dau re dang tan pha kinh te Nga nhu the nao?
Kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008-2009, GDP của Nga và giá dầu có chung xu hướng.

Nhật Trường

Nguồn Bloomberg


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới