Hàn Quốc trả tiền để người trẻ ra khỏi nhà
Khoảng 340.000 người trong độ tuổi 19 đến 39 ở nước này hay 3% nhóm tuổi này được coi là cô đơn hoặc bị cô lập. Ảnh: Getty Images.
Năm 2019, anh Yoo Seung Gyu lần đầu bước ra khỏi căn hộ studio của mình sau 5 năm. Trước tiên, chàng trai 30 tuổi dọn dẹp "căn hộ bừa bộn" cùng anh trai. Sau đó, anh ra khơi để câu cá cùng với những người bạn sống ẩn dật mà anh đã gặp thông qua một tổ chức phi lợi nhuận.
Theo BBC, ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc chọn cách cô lập bản thân, rút lui hoàn toàn khỏi xã hội như anh Yoo trong quá khứ.
Hội chứng Hikikomori
Những người sống ẩn dật này được gọi là hikikomori, một thuật ngữ lần đầu được đặt ra ở Nhật vào những năm 1990 để mô tả tình trạng xa lánh xã hội nghiêm trọng của thanh thiếu niên.
Tại Hàn Quốc, nơi đang phải đối mặt với tỉ lệ sinh thấp nhất thế giới và năng suất giảm, điều này đã trở thành một mối lo ngại nghiêm trọng. Nhiều đến mức các nhà chức trách đang phân phát trợ cấp hằng tháng cho nhiều người trẻ để khuyến khích họ ra khỏi nhà.
Những người ở độ tuổi 9-24 từ các gia đình có thu nhập thấp có thể nhận được tới 650.000 won (490 USD) dưới dạng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng.
Họ cũng có thể nộp đơn xin trợ cấp cho một loạt dịch vụ, bao gồm y tế, giáo dục, tư vấn, dịch vụ pháp lý, hoạt động văn hóa và thậm chí cả phẫu thuật thẩm mỹ và xóa sẹo.
Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho biết những ưu đãi này nhằm tạo điều kiện cho thanh niên sống ẩn dật thiết lập lại cuộc sống hằng ngày và tái hòa nhập xã hội.
Họ định nghĩa thanh niên sống ẩn dật là những người “sống ở một không gian khép kín trong thời gian dài, khép mình khỏi thế giới bên ngoài và gặp khó khăn đáng kể trong cuộc sống".
Tuy nhiên, những người trẻ tuổi đã tự cô lập mình nhận định động thái trợ cấp này của chính phủ không thể giúp giải quyết triệt để vấn đề.
Anh Yoo hiện điều hành một công ty hỗ trợ những thanh niên sống ẩn dật có tên là Not Scary. Một “bình thường mới” khác xa với những ngày anh không rời khỏi phòng, thậm chí chỉ để vào nhà vệ sinh.
Nhưng hành trình thoát khỏi ẩn dật của anh ấy đầy thăng trầm. Lần đầu tiên anh tái hòa nhập thế giới bên ngoài là khi thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 19 tuổi, và sau đó lại tự cô lập mình trong 2 năm tiếp theo.
Anh Park Tae Hong, một người cũng từng sống ẩn dật, cho biết việc tự cô lập có thể mang đến sự thoải mái đối với một số người.
"Việc thử sức với những điều mới mẻ thật thú vị nhưng đồng thời bạn cũng phải chịu đựng sự mệt mỏi và lo lắng ở một mức nào đó. Còn khi chỉ ở trong phòng, bạn không phải cảm thấy điều đó. Tuy nhiên, điều đó sẽ không tốt nếu diễn ra trong một thời gian dài”, anh Park chia sẻ.
Khoảng 340.000 người trong độ tuổi 19-39 ở nước này hay 3% nhóm tuổi này được coi là cô đơn hoặc bị cô lập, theo Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc.
Nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ hộ gia đình 1 thành viên ở Hàn Quốc ngày càng tăng, chiếm khoảng 1/3 tổng số đơn vị gia đình vào năm 2022. Đồng thời, số người chết vì "cái chết cô đơn" ở nước này cũng tăng lên.
Nguyên nhân đa dạng
Nhưng tiền bạc, hay sự thiếu thốn tiền bạc, không phải là thứ đang thúc đẩy những người trẻ tuổi sống ẩn dật.
Theo anh Park, những người hay sống ẩn thường có xuất phát điểm tài chính khác nhau. “Tôi tự hỏi tại sao chính phủ lại liên kết cuộc sống ẩn dật với tình trạng tài chính. Không phải thanh niên sống ẩn dật nào cũng gặp khó khăn về tài chính".
Điểm chung ở nhiều người sống ẩn dật nằm ở chỗ họ tin mình không sống theo tiêu chuẩn thành công của xã hội hoặc gia đình. Một số người cảm thấy không thích nghi được với xã hội vì họ không theo đuổi con đường sự nghiệp thông thường, trong khi những người khác có thể bị chỉ trích vì điểm học tập kém.
Anh Yoo cho biết anh vào đại học theo ý muốn của cha, nhưng đã bỏ học sau 1 tháng.
“Văn hóa xấu hổ ở Hàn Quốc khiến những người sống ẩn dật khó nói ra vấn đề của họ hơn. Một ngày nọ, tôi kết luận rằng cuộc sống mình đang sống là sai lầm và bắt đầu cô lập bản thân”, anh Yoo chia sẻ thêm.
Nhiều người trẻ lựa chọn cuộc sống ẩn dật để đối phó với những thất bại trong cuộc sống gia đình. Còn với anh Park, áp lực xã hội càng trở nên tồi tệ hơn bởi mối quan hệ căng thẳng với gia đình này.
“Năm 15 tuổi, bạo lực gia đình khiến tôi chán nản đến mức bắt đầu sống ẩn dật. Tôi sống một cách thờ ơ, hầu như lúc nào cũng ngủ và chỉ ăn khi đói rồi ngủ tiếp”, người này cho biết.
Giải pháp hỗ trợ
Ông Kim Soo Jin, Quản lý cấp cao của Seed:s, tổ chức chuyên có các chương trình dành cho hikikomori, cho biết những người trẻ tuổi ở Hàn Quốc cảm thấy bị "áp bức" vì xã hội kỳ vọng người dân sẽ trở thành "một con người nhất định ở một độ tuổi nhất định".
Seed:s điều hành một không gian nơi những người ẩn dật có thể nghỉ ngơi, tận hưởng quãng thời gian yên tĩnh và tìm kiếm lời khuyên. Các chương trình của họ dành cho mọi người, bất kể mức thu nhập.
Theo bà Kim, một xã hội nơi người trẻ có thể tìm được nhiều công việc và cơ hội giáo dục hơn có thể thuận lợi hơn cho những người sống ẩn dật.
Các khoản trợ cấp sinh hoạt có thể là "bước đầu tiên" để giải quyết vấn đề, nhưng những người lao động trẻ nói rằng số tiền này có thể được sử dụng hiệu quả hơn. Nhiều người tin rằng tài trợ cho các tổ chức và chương trình hướng đến thanh niên sống ẩn dật, qua việc tư vấn hoặc đào tạo việc làm cho họ, sẽ tạo ra tác động lớn hơn.
Có thể bạn quan tâm:
Sau khủng hoảng năng lượng, châu Âu đối mặt bão giá thực phẩm
Nguồn BBC News
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư
Tin cùng chuyên mục
-
Quốc Cường (Nguồn: TTX)