Hàng không hạ nhiệt, Trump chuyển sang "cuộc chiến tôm hùm"
Tổng thống Donald Trump trong sự kiện bàn tròn ngày 5.6 được tổ chức ở Bangor, Maine. Ảnh: AP
Theo Reuters, Bộ Giao thông vận tải Mỹ ngày 5.6 tuyên bố sẽ cho phép các hãng hàng không chở khách của Trung Quốc thực hiện hai chuyến bay một tuần, sau khi Bắc Kinh thông báo sẽ nới lỏng những hạn chế trong dịch COVID-19 nhằm cho phép thêm nhiều hãng hàng không nước ngoài vận hành trong nước.
Trước đó, ngày 3.6, Washington cho biết có kế hoạch cấm toàn bộ các hãng hàng không chở khách của Trung Quốc bay tới Mỹ trước ngày 16.6 do những hạn chế được Bắc Kinh áp đặt với các hãng hàng không của Mỹ.
Theo quy định sửa đổi ngày 5.6 và lập tức có hiệu lực, các chuyến bay khứ hồi của các hãng hàng không Trung Quốc tới Mỹ sẽ giảm từ 4 chuyến xuống còn 2 chuyến một tuần. Bộ Giao thông vận tải Mỹ khẳng định, nếu Trung Quốc đưa ra những điều chỉnh bổ sung cho các hãng hàng không của Mỹ, bộ này "một lần nữa sẵn sàng cân nhắc lại hành động của mình".
Cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc hôm 4.6 nói sẽ cho phép các hãng hàng không nước ngoài tăng các chuyến bay giữa Trung Quốc và các khu vực khác kể từ ngày 8.6. Cơ quan hàng không Trung Quốc ước tính số lượng chuyến bay quốc tế hàng tuần sẽ tăng thêm khoảng 50 chuyến kể từ ngày 8.6, với số lượng hiện tại là 150 chuyến bay.
Phát ngôn viên Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc đã khiếu nại với Bộ Giao thông Vận tải Hoa Kỳ về quyết định đối với các hãng hàng không Trung Quốc, và bộ này đang “hợp tác chặt chẽ với đối tác Hoa Kỳ về các chuyến bay thương mại”. “Chúng tôi hy vọng phía Hoa Kỳ sẽ không gây trở ngại cho việc giải quyết vấn đề này”, phát ngôn viên Triệu Lập Kiên nói.
Mặc dù "cuộc chiến hàng không" có dấu hiệu giảm nhiệt nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn tiếp tục giữ sức ép cứng rắn trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Trong diễn biến mới nhất, ngày 5.6, Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ áp thuế đối với ô tô sản xuất tại Liên minh châu Âu và các sản phẩm Trung Quốc không xác định trừ khi các đối tác thương mại giảm thuế đối với tôm hùm Hoa Kỳ. “Nếu Liên minh châu Âu không giảm thuế ngay lập tức, chúng tôi sẽ áp dụng mức thuế đối với ô tô của họ, tương đương”, ông Trump Trump nói trong một sự kiện bàn tròn ở Bangor, Maine.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị Cố vấn Thương mại Peter Navarro xem xét áp thuế đối với ôtô của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và các sản phẩm Trung Quốc chưa xác định. Trump cũng nói cố vấn Navarro hãy nhìn vào Trung Quốc và "thứ gì họ bán mà rất quý giá với họ" để áp thuế trả đũa. "Hãy chọn một sản phẩm trên mức tương ứng nếu họ không chịu giảm thuế áp lên tôm hùm của bang Maine nhập khẩu vào Trung Quốc", ông Trump nói.
Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow vào cùng ngày nói rằng Mỹ - Trung vẫn đang tiếp tục thực hiện thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 mà hai bên đạt được đầu năm nay. Tuy nhiên, ông Kudlow cho biết vẫn có khả năng xảy ra kịch bản Mỹ sẽ có nhiều động thái chống lại Trung Quốc khi ông Trump cân nhắc việc đáp trả Bắc Kinh liên quan tới vấn đề Hồng Kông.
Mỹ và Trung Quốc hồi tháng 1 đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 để hạ nhiệt cuộc chiến thương mại. Cụ thể, Mỹ ngừng kế hoạch đánh thuế lên 155 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và giảm thuế suất đối với 120 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 15% xuống còn 7,5%. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn giữ nguyên mức thuế 25% đối với 370 tỉ USD hàng hóa khác của Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cam kết mua thêm ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm. Trong số này có khoảng 40 tỉ USD nông sản.
Tuy nhiên, về các vấn đề Hồng Kông cũng như trách nhiệm của Trung Quốc trong đại dịch COVID-19, Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ cho hay chính quyền đang thảo luận hàng loạt lựa chọn nhằm trả đũa Trung Quốc. Biện pháp của Mỹ còn có thể gồm cấm vận, không trả nợ cho Trung Quốc, ban hành quy định hạn chế mới về thương mại...
Giới quan sát nhận định, với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vừa rồi, Tổng thống Trump đặt đối phương vào thế khó xử. Bởi Washington tiếp tục áp thuế 25 % vào 2/3 hàng Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ và thứ hai là Huawei, doanh nghiệp hàng đầu trong ngành viễn thông Trung Quốc vẫn trong tầm ngắm của Nhà Trắng. Chính quyền Trump đã gửi thông điệp mạnh mẽ với các đối tác và đối thủ thương mại khác: trật tự thương mại và luật chơi trong lĩnh vực này vẫn trong tay của Mỹ.
Mỹ vẫn giữ một số phương tiện để duy trì áp lực để tiếp tục điều đình với Trung Quốc. Mỹ vẫn có thể hủy thỏa thuận này bất cứ lúc nào nên các thoả thuận với Trung Quốc thời gian qua được coi như một "hiệp đình ngừng bắn" chứ chưa thể nói tới hòa ước lâu dài.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư