Hủy
Thế giới

Hết Mặt trời, Trung Quốc tiếp tục chế tạo Mặt trăng nhân tạo

Bảo Hân Thứ Tư | 12/01/2022 13:15

Ảnh: SCMP

 
 
Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở nghiên cứu mô phỏng môi trường trọng lực thấp trên mặt trăng, củng cố cho hoạt động thăm dò Mặt Trăng của mình.

Trung Quốc đã xây dựng một cơ sở nghiên cứu mô phỏng môi trường trọng lực thấp trên mặt trăng và nó được lấy cảm hứng từ các thí nghiệm sử dụng nam châm để nhấc bổng một con ếch.

Cơ sở này có thể cung cấp nghiên cứu có giá trị cho các hoạt động thăm dò Mặt Trăng của Trung Quốc. Nằm ở phía đông thành phố Tô Châu, thuộc tỉnh Giang Tô, cơ sở mô phỏng dự kiến ​​sẽ chính thức ra mắt trong những tháng tới.

Được biết đây là loại hình đầu tiên trên thế giới và sẽ đưa mô phỏng mặt trăng lên một tầm cao mới.

Theo nhà khoa học Li Ruilin từ Đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc, bộ mô phỏng có thể làm cho lực hấp dẫn biến mất trong khoảng thời gian tùy ý. Trong khi tháp thả hoặc tàu bay thì chỉ có thể tạo ra trọng lực trong chốc lát.

Tại vị trí trung tâm của bộ mô phỏng là một buồng chân không, trong đó “treo” một mặt trăng nhỏ có đường kính 60cm.
Tại vị trí trung tâm của bộ mô phỏng là một buồng chân không, trong đó “treo” một mặt trăng nhỏ có đường kính 60cm. Ảnh: SCMP

Cảnh quan trên mặt trăng nhân tạo này được cấu thành từ đá và bụi nhẹ “sao y bản chính”, ở đây có lực hấp dẫn mạnh bằng 1/6 lực hấp dẫn trên Trái đất, một phần được hỗ trợ bởi từ trường.

Khi từ trường đủ mạnh, lực hấp dẫn dễ dàng bị “ngó lơ” và mọi thứ sẽ được nhấc bổng lên, từ một con ếch sống đến những hạt dẻ.

Trong buồng mô phỏng, một số thí nghiệm như kiểm tra va chạm chỉ cần vài giây, nhưng những thứ khác, chẳng hạn như thử nghiệm độ rão (độ biến dạng) có thể mất vài ngày.

Nhà khoa học chính của dự án, ông  Li Ruilin từ trường Đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc đã lấy ý tưởng từ các thí nghiệm của nhà vật lý người Nga, Andre Geim, khi ông làm một con ếch bay lên bằng nam châm

Trung Quốc đang tìm cách dẫn đầu trong cuộc đua vào không gian với Hoa Kỳ. Dự án khám phá mặt trăng (Thường Nga 5) là một trong những bước đệm của quốc gia này. Thường Nga 5 mang theo mình sứ mệnh bao gồm hạ cánh một tàu thám hiểm ở phía xa của mặt trăng vào năm 2019 và đưa các mẫu đá trở lại Trái đất lần đầu tiên sau 44 năm vào năm 2020.

Để tiếp bước, Trung Quốc muốn đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030 và thành lập một cơ sở sở nghiên cứu mặt trăng chung với Nga. Các nhà chức trách về không gian Trung Quốc cho biết việc xây dựng trạm nghiên cứu có thể bắt đầu sớm nhất vào năm 2027, sớm hơn nhiều năm so với kế hoạch, trong bối cảnh lo ngại Mỹ sẽ đặt ra các quy tắc cho các hoạt động trên Mặt trăng trong tương lai. Nasa cũng có kế hoạch đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng vào năm 2024 theo chương trình Artemis. 

Cơ sở tại Tô Châu dự kiến ​​sẽ đóng vai trò quan trọng trong sứ mệnh lên mặt trăng trong tương lai của Trung Quốc, bao gồm cả việc xây dựng cơ sở hạ tầng trên mặt trăng. Nó sẽ cho phép các nhà khoa học thử nghiệm thiết bị trong một môi trường (mô phỏng) mặt trăng khắc nghiệt, nơi đá và bụi có thể hoạt động theo một cách hoàn toàn khác so với trên Trái đất, nhằm phòng ngừa những tính toán sai lầm tốn kém. 

Mô phỏng môi trường mặt trăng khắc nghiệt trên Trái đất không phải là một nhiệm vụ dễ dàng - lực từ trường cần mạnh đến mức nó có thể xé nát các thành phần như dây siêu dẫn. Thêm vào đó là nhiều thành phần kim loại cần thiết cho buồng chân không không thể hoạt động bình thường khi đặt gần nam châm mạnh.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra một số cải tiến kỹ thuật để vượt qua những thách thức này, bao gồm mô phỏng bụi mặt trăng có thể trôi nổi dễ dàng hơn trong từ trường và thay thế thép bằng nhôm trong một số thành phần quan trọng.

Được biết cơ sở của Trung Quốc sẽ mở cửa cho các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới. 

Có thể bạn quan tâm: 

'Mặt trời nhân tạo' của Trung Quốc đạt kỷ lục mới, củng cố tương lai năng lượng sạch.


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới