Hủy
Thế giới

Kế hoạch dự phòng cho hàng xa xỉ

Ngô Quốc Thứ Sáu | 06/03/2020 08:07

Ảnh: CNBC.com

 
 
Các tập đoàn hàng xa xỉ và thời trang phải lên kế hoạch B do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Cơn bùng phát dịch COVID-19 đã khiến cho tới 1.000 người mua thời trang Trung Quốc không thể tham dự các show diễn thời trang lớn của châu Âu vào tháng 2 khi ngành hàng xa xỉ đối mặt với mối đe dọa lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tại Pháp, 5 nhà thiết kế Trung Quốc đã hủy các cuộc trình diễn thời trang cho Tuần lễ Thời Trang Paris diễn ra cuối tháng 2.2020, trong khi Chanel và Prada đã hoãn các sự kiện dự kiến diễn ra vào tháng 5 tại Trung Quốc. Nhiều cửa hàng tại nước này cho đến nay vẫn còn đóng cửa...

Đối với các ngành thời trang và hàng xa xỉ thế giới, Trung Quốc là động lực tăng trưởng chính về doanh số bán và là một trung tâm sản xuất chủ chốt. Người tiêu dùng Trung Quốc chiếm khoảng 40% trong con số 281 tỉ euro tổng chi tiêu vào các mặt hàng xa xỉ trên toàn cầu vào năm ngoái, theo Jefferies, nhưng lại tạo ra tới 80% tốc độ tăng trưởng, là lực đẩy đằng sau đà tăng doanh số bán cao tại các tập đoàn như LVMH và Kering.
 

Dịch COVID-19 cũng đã bắt đầu làm gián đoạn chuỗi cung ứng của các hãng may mặc cấp trung khi nhiều nhà bán lẻ và nhãn hàng thời trang tỏ ra lo ngại về việc các nhà máy Trung Quốc có thể không kịp giao các bộ sưu tập thu - đông như kế hoạch. Các tập đoàn như LVMH, Kering và Richemont ít bị tổn thương hơn do họ không phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc trong khâu sản xuất nhưng ở mảng bán hàng thì khác. Luca Solca, chuyên gia phân tích hàng xa xỉ ở Bernstein, cho rằng doanh số bán hàng xa xỉ trong quý I có thể bị tác động mạnh. “Nếu mọi thứ diễn biến theo chiều hướng tích cực, có lẽ 6 tháng cuối năm sẽ khởi sắc. Nhưng giờ đây, chúng ta cần phải tính đến thực tế là tình hình đang rất xấu vì nhu cầu tiêu dùng của người Trung Quốc có mặt ở khắp nơi trên thế giới”, ông nói.

Các doanh nghiệp hàng xa xỉ niêm yết ở Mỹ cũng phụ thuộc vào Trung Quốc. Tại Tapestry, chẳng hạn, tốc độ tăng doanh thu ở thị trường Trung Quốc nhanh gấp 3 lần tốc độ toàn tập đoàn, còn Tiffany thì nhanh gấp 2 lần, theo một báo cáo mới đây của Moody’s. Trung Quốc là nhà sản xuất chính cotton, vải, tơ và các nhà máy của nước này sản xuất ra mọi thứ từ áo khoác đến đồ bơi cho các thương hiệu thời trang từ Hennes & Mauritz và Next (Anh) cho đến các nhà thiết kế hàng cao cấp như Tory Burch. Vì thế, khi dịch COVID-19 xảy ra, làm gián đoạn mọi thứ từ hoạt động mua sắm cho đến sản xuất, các doanh nghiệp khó tránh khỏi bị tác động.

Hiệp hội Thời trang Quốc gia Ý đã đưa ra một kịch bản lạc quan là hàng xuất khẩu Ý sẽ giảm ít nhất 100 triệu euro trong quý I và 200 triệu euro “trong trường hợp khủng hoảng kéo dài” trong nửa đầu năm 2020. Nhưng đó là chưa tính đến kịch bản xấu nhất.

Trước mắt, để đối phó, các tập đoàn hàng xa xỉ đã đóng cửa các cửa hàng và văn phòng tại Trung Quốc, giảm các đợt tung ra sản phẩm và quảng cáo, đồng thời giảm mạnh chi phí nhân viên trên toàn cầu. Một số đã ngưng tuyển dụng mới. “Chúng tôi đang chuyển hàng tồn kho sang các khu vực khác trên thế giới để không phải trữ hàng quá nhiều ở Trung Quốc”, CEO Kering François-Henri Pinault mới đây cho biết.

Olivia Townsend, chuyên gia phân tích ở UBS, cũng cho biết: “Cuộc nói chuyện của chúng tôi với các doanh nghiệp cho thấy việc các nhà máy đóng cửa qua hết tháng 2 có thể bắt đầu tác động đến nguồn hàng dự trữ”. Việc giao trễ cho các nhà bán lẻ có nghĩa là quần áo không kịp tung ra thị trường phục vụ cho mùa thời trang sắp tới.

Để cứu vãn doanh số bán trong thời dịch bệnh, nhãn hàng Gucci đã thu hút người mua Trung Quốc bằng cách livestream buổi trình diễn bộ sưu tập thu - đông cho nữ giới tại Milan qua Weibo, một trong những mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Thực ra, Gucci, nhãn hàng ăn nên làm ra nhất của Kering, đã bắt đầu streaming các show diễn thời trang trên kênh Weibo từ năm ngoái để chinh phục người tiêu dùng Trung Quốc, vốn mua hàng xa xỉ nhiều hơn cả người châu Âu và người Mỹ. Các đối thủ như LVMH, Chanel và các đơn vị tổ chức Tuần lễ Thời trang tại Milan và Paris cũng đang ráo riết lập các kênh livestream tương tự.

Dù vậy, ông Pinault thuộc Kering đánh giá: “Môi trường ở Trung Quốc đã thay đổi đáng kể và vẫn khó mà dự đoán tình hình sẽ diễn biến tới đâu”.

► Quá phụ thuộc vào Trung Quốc, những ông lớn hàng xa xỉ phải trả giá đắt vì virus corona

► Hết cuồng si túi Hermes, giày Gucci, người dân Trung Quốc chuyển sang săn lùng khẩu trang, nước rửa tay


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới