Hủy
Thế giới

Khi âm nhạc dịch chuyển cả một nền kinh tế

Bảo Hân Thứ Hai | 19/06/2023 13:13

Nữ ca sĩ Beyoncé trong chuyến lưu diễn quốc tế tại Amsterdam ngày 18/6. Ảnh: Renaissance World Tour.

 
 
Từ Beyoncé đến BTS, sức mạnh của các nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng đang giúp hồi sinh các quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Tiền là một trong những nguồn cảm hứng lâu dài cho một số nghệ sĩ có những bản nhạc bất hủ mọi thời đại, từ nhóm nhạc Pink Floyd cho đến nhóm nhạc Wu-Tang Clan đều hát về tiền trong những ca khúc của mình.

Tuy nhiên, một số siêu sao khác không chỉ hát về tiền hoặc thích kiếm được nhiều tiền, mà còn dịch chuyển toàn bộ nền kinh tế bằng âm nhạc của họ.

Chuyến lưu diễn quốc tế Renaissance World Tour của nữ ca sĩ Beyoncé tại Stockholm vào tháng trước là một ví dụ, vì nó có thể là một phần lý do khiến con số lạm phát của Thụy Điển cao hơn dự kiến, phần lớn giá cả tại nhà hàng và khách sạn đồng loạt tăng 0,3% khi người hâm mộ của cô kéo về nơi này. 

Và Nữ hoàng Bey không phải là người phụ nữ duy nhất tạo ra những con số ấn tượng. Theo nghiên cứu của công ty khảo sát trực tuyến QuestionPro, chuyến lưu diễn The Eras của ca sĩ Taylor Swift có thể tạo ra 5 tỉ USD cho nền kinh tế Mỹ, nhiều hơn tổng sản phẩm quốc nội của 50 quốc gia, nhờ vào việc mỗi khán giả chi trung bình 1.300 USD cho buổi hòa nhạc này.

Doanh thu khổng lồ từ âm nhạc

Mặc dù lực lượng người hâm mộ của 2 nữ ca sĩ kể trên có sức mạnh tài chính đáng ngạc nhiên, nhưng đây không phải là lần đầu tiên thị trường bị rung chuyển bởi âm nhạc. Những người yêu thích dòng nhạc pop cổ điển có thể nhớ lại những năm 1964, khi nhóm nhạc huyền thoại The Beatles giải cứu nền kinh tế Anh.

Có đến 55,600 người hâm mộ tham gia buổi hòa nhạc của The Beatles tại Sân vận động Shea, New York, vào năm 1965. Ảnh: AP.
Có đến 55.600 người hâm mộ tham gia buổi hòa nhạc của The Beatles tại Sân vận động Shea, New York, vào năm 1965. Ảnh: AP.

Vào thời điểm đó, thông qua hệ thống tiền tệ Bretton Woods ra mắt vào năm 1944, tỉ giá hối đoái đã được cố định mãi đến thập niên 1970. Theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2014, hệ thống này đã khiến Vương quốc Anh rơi vào tình trạng thâm hụt mậu dịch trong thời gian dài và có nguy cơ bị suy giảm nghiêm trọng. 

Theo báo cáo của IMF, thu nhập “xuất khẩu vô hình” mà nhóm nhạc The Beatles mang lại cho đất nước có thể tính bằng USD, đồng mark Đức (đơn vị tiền tệ chính thức của Đức cho đến năm 1999) và đồng yen. Doanh thu này đến từ việc bán vé hòa nhạc quốc tế, chi phí tham gia sự kiện, tiền bản quyền và quyền biểu diễn - nguồn thu nhập này đã giúp cân bằng và ngăn chặn sự mất giá của đồng bảng Anh.

Nước Anh có 2 niềm kiêu hãnh vô song trong lịch sử hiện đại. Thứ nhất, là nước duy nhất ở châu Âu đứng vững trước cuộc xâm lược của quân đội Hitler. Thứ 2, họ mang đến cho thế giới Beatlemania, chứng cuồng The Beatles.

Ngày nay, Beatlemania vẫn mang lại khoảng 82 triệu bảng mỗi năm cho nền kinh tế Liverpool và hỗ trợ hơn 2.000 việc làm, hội đồng địa phương cho biết. Liverpool cũng tính rằng việc tham gia tổ chức Cuộc thi Ca khúc Truyền hình châu Âu Eurovision năm nay, thay cho Ukraine, có thể mang lại 40 triệu bảng cho thành phố. Một nghiên cứu về tác động đầy đủ sẽ được thực hiện vào năm tới.

Hội đồng thành phố Ipswich đã ghi nhận việc nam ca sĩ Ed Sheeran lưu diễn tại quê nhà đã bơm khoảng 9 triệu bảng vào nền kinh tế tại đây. Theo nghiên cứu của Cộng đồng Quản lý hòa nhạc và sự kiện NAA, cứ 10.000 khán giả đi xem biểu diễn thì 1 triệu bảng được bơm vào nền kinh tế địa phương.

 

Ở cấp quốc gia, UK Music ước tính đóng góp của ngành âm nhạc cho nền kinh tế Anh vào năm 2021 là 4 tỉ bảng, tăng 26% vào năm 2020 nhưng vẫn giảm 31% so với mức cao nhất mọi thời đại trước COVID-19, là 5,8 tỉ bảng vào năm 2019. Tuyển dụng ngành âm nhạc đạt 145.000 nhân sự vào năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn 26% so với mức trước đại dịch.

Một báo cáo về âm nhạc của Vương quốc Anh năm nay cho biết Anh là một trong số ít quốc gia xuất khẩu âm nhạc ròng, cùng với Mỹ và Thụy Điển, và doanh thu đến từ âm nhạc ở nước ngoài của nước này lên tới 2,5 tỉ bảng Anh vào năm 2021.

Ông Jon Collins, Giám đốc Điều hành của Live, liên đoàn đại diện cho ngành công nghiệp giải trí và nhạc sống, cho biết doanh thu từ các hợp đồng biểu diễn và lễ hội ở Anh được cho là đã trở lại mức trước đại dịch.

Ngành công nghiệp cạnh tranh toàn cầu

Nhưng ông cảnh báo rằng ngành công nghiệp phải đối mặt với 2 rủi ro chính. Một là thay đổi mức thuế VAT, từ mức 5% thời điểm đại dịch lên mức tiêu chuẩn 20% của toàn châu Âu. Hai là thiếu thỏa thuận hậu Brexit giữa Vương quốc Anh và EU trong việc cho phép các ban nhạc tự do lưu diễn.

Bất kỳ trở ngại nào cũng có thể gây tổn hại cho nền kinh tế, do cạnh tranh toàn cầu đang ngày càng gay gắt. Ví dụ, ở Hàn Quốc, sự xuất hiện của K-pop như một hiện tượng toàn cầu đã bổ sung thêm một gương mặt mới trong làn xuất khẩu âm nhạc.

Theo The Guardian, K-pop được cho là mang lại 10 tỉ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc, trong khi vào năm 2018, Viện nghiên cứu Hyundai (HRI) đã báo cáo rằng chỉ riêng ban nhạc BTS đã chiếm khoảng 3,54 tỉ USD trong số đó.

Tại những quốc gia nhỏ hơn, tiềm năng để một nghệ sĩ tạo dấu ấn sâu sắc trong nền tài chính quốc gia vẫn là rất lớn.

Có thể bạn quan tâm: 

Số công ty niêm yết tại Mỹ đã giảm một nửa kể từ năm 1990

Nguồn The Guardian


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới