Hủy
Thế giới

Kho bãi và văn phòng Nhật "cháy hàng" bởi nhà đầu tư nước ngoài

Gia Khánh Thứ Ba | 10/10/2023 11:07

BĐS văn phòng và thương mại của Nhật Bản có tỷ lệ lấp đầy ổn định và khả năng sinh lời cao hơn so với các quốc gia APAC khác. Ảnh: Getty Images.

 
 
Theo CBRE, trong 5 năm qua, Nhật là nơi có số lượng giao dịch bất động sản lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhà đầu tư nước ngoài đang xem thị trường bất động sản Nhật là thiên đường, khi lãi suất thấp và đồng yen yếu nhất trong 33 năm so với USD, khiến việc rót vốn vào các mặt hàng bất động sản kho bãi và văn phòng trở nên hậu hĩnh hơn bao giờ hết. Lợi thế này được thúc đẩy bởi Ngân hàng Trung ương vẫn cam kết thực hiện chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng trong hàng thập kỷ. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang hoạt động tốt và nhu cầu về không gian văn phòng cao.

Ngược lại, ở nhiều quốc gia khác, lãi suất đang tăng, điều kiện tín dụng bị thắt chặt và một lượng lớn người lao động từ chối quay lại văn phòng.

"Miền đất hứa"

Theo công ty dịch vụ bất động sản CBRE, trong 5 năm qua, Nhật là nơi có số lượng giao dịch bất động sản lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo khảo sát của JLL và CBRE, hiện nay nước này cũng được coi là quốc gia hấp dẫn nhất trong khu vực về đầu tư bất động sản xuyên biên giới.

Các nhà phân tích vẫn lạc quan mặc dù những người tham gia thị trường đang dự đoán rằng BOJ sẽ sửa đổi chính sách của mình để đối phó với lạm phát kéo dài và đồng yen mất giá mạnh, đồng thời lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm có khả năng tăng lên 1%. Ngày 4/10, lợi suất trái phiếu chính phủ nước này đạt 0,8%, tăng gấp đôi sau chưa đầy 2 tháng và đánh dấu mức cao nhất trong hơn 13 năm.

Ông Anthony Couse, Giám đốc Điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu Jones Lang LaSalle, cho biết: “Với tốc độ tăng trưởng lãi suất ở mức vừa phải, Nhật vẫn sẽ là nơi rất hấp dẫn để đầu tư. Tỉ giá hối đoái sẽ thay đổi và chắc chắn đồng yen sẽ tăng giá, nhưng về cơ bản thị trường tại đây đang có động lực vĩ ​​mô đầy ưu ái”.

Ông cho biết thêm các tòa nhà văn phòng và bất động sản thương mại khác ở Nhật có tỉ lệ lấp đầy ổn định và khả năng sinh lời cao hơn các nước châu Á - Thái Bình Dương khác. Đồng thời, có ít rủi ro địa chính trị hơn so với Trung Quốc, nơi căng thẳng với Mỹ đang gia tăng và thị trường bất động sản khó khăn.

Tỉ lệ văn phòng trống tại các thành phố lớn trên thế giới. Ảnh: Nikkei Asia.
Tỉ lệ văn phòng trống tại các thành phố lớn trên thế giới. Ảnh: Nikkei Asia.

Đa dạng hoá danh mục đầu tư

Ông Asuka Honda, Giám đốc Nghiên cứu của CBRE tại Nhật, cho biết mô hình đầu tư tại Nhật đã bắt đầu thay đổi vào cuối năm ngoái. Một số nhà đầu tư nước ngoài đã rút tiền hoặc chuyển đổi giữa các loại tài sản. 

 

Đầu tư văn phòng, hạng mục dẫn đầu cho năm 2021 và 2022, đã bị đầu tư công nghiệp - chủ yếu là cơ sở  logistics - vượt mặt trong sáu tháng đầu năm nay.

CBRE dự đoán nhu cầu về cơ sở vật chất logistics sẽ vẫn tăng mạnh do vấn đề chung của năm 2024 - tình trạng thiếu lao động ​​do những hạn chế chặt chẽ hơn về giờ làm việc của tài xế giao hàng. Cũng vì thế, nhu cầu dự kiến tăng đối với các địa điểm trung chuyển giữa các thành phố lớn, hay các cơ sở lớn và tiên tiến hơn để trữ được nhiều hàng hơn và đáp ứng cho các phương tiện tự lái.

Các phân khúc nóng khác trong nửa đầu năm là đầu tư vào khu dân cư và khách sạn. Ông Couse cho biết nhà đầu tư đang đa dạng hóa danh mục của họ.

Trong khi đó, các văn phòng mới đang được mở ở Tokyo. Cơn sốt xây dựng diễn ra ngay cả khi một số công ty Nhật chuyển trụ sở chính ra khỏi trung tâm thành phố Tokyo để tiết kiệm chi phí và áp dụng hình thức làm việc từ xa.

Diện tích văn phòng khổng lồ và xu hướng làm việc kết hợp ngày càng nhiều đã đẩy tỉ lệ văn phòng trống ở trung tâm Tokyo lên khoảng 6,5%, cao nhất trong 9 năm, theo nhà môi giới bất động sản Tokyo Miki Shoji. Tuy nhiên, dữ liệu của JLL cho thấy Tokyo có tỉ lệ chỗ trống thấp hơn hầu hết các thành phố khác trên toàn cầu.

Theo dữ liệu của CBRE, trong nửa đầu năm 2023, đầu tư nước ngoài vào bất động sản Nhật đã tăng hơn gấp đôi lên 5 tỉ USD. Singapore dẫn đầu làn sóng này, rót vào 2,1 tỉ USD - tăng gấp 4 lần so với một năm trước. Canada cũng nổi lên như một nhà đầu tư lớn vào tài sản của Nhật.

Các cơ sở công nghiệp ngày càng phổ biến trong danh mục đầu tư bất động sản tại Nhật Bản của nhà đầu tư nước ngoài. ẢNh: Nikkei Asia.
Bất động sản công nghiệp ngày càng phổ biến trong danh mục đầu tư tại Nhật của nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: Nikkei Asia.

Có thể bạn quan tâm: 

Thủ phủ sản xuất ô tô Mỹ đối mặt nhiều trở ngại

Nguồn Nikkei Asia


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới