Hủy
Thế giới

Liên Hợp Quốc thảo luận về hiệp ước buôn bán vũ khí

Thứ Tư | 27/03/2013 15:13

Các thành viên Liên Hợp Quốc đang gấp rút thảo luận về hiệp ước quốc tế đầu tiên dành cho thị trường buôn bán vũ khí trị giá 70 tỷ USD.
 

Theo hãng tin Reuters, hiệp ước đang được các nước thành viên soạn thảo tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở New York. Quá trình soạn thảo dự kiến sẽ còn kéo dài đến hết ngày mai 28/3.

Trước đó, hôm 22/3, các nước tham gia hội nghị đã cho công bố văn bản dự thảo của hiệp ước, song vấp phải khá nhiều sự chỉ trích của các nhóm nhân quyền.

Theo các nhà phân tích, mục đích của hiệp ước buôn bán vũ khí mà Liên Hợp Quốc hướng tới đó là xây dựng một bộ tiêu chuẩn cho tất cả các loại vũ khí - hạng nặng hay hạng nhẹ - được buôn bán qua biên giới.

Hiệp ước cũng bao gồm các yêu cầu ràng buộc các nước phải kiểm tra sát sao mọi hợp đồng buôn bán vũ khí qua biên giới để đảm bảo chúng không vi phạm các nghị quyết về nhân quyền, khủng bố, nhân đạo, không vi phạm lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hợp Quốc cũng như được buôn bán bất hợp pháp.

Hiêp ước cũng yêu các chính phủ từ chối xuất khẩu vũ khí sang các quốc gia có khả năng sử dụng chúng để làm tổn hại tới quyền con người hoặc phát động chiến tranh.

Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền, những người ủng hộ kiểm soát vũ khí cùng đa số các nước trong 193 thành viên Liên Hợp Quốc thì cho rằng các điều khoản trong hiệp ước này vẫn quá nhẹ, đồng thời yêu cầu phải xây dựng một hiệp ước mạnh mẽ hơn với những tiêu chuẩn khắt khe hơn đối với các hợp đồng mua bán vũ khí.

Những nước yêu cầu thắt chặt kiểm soát buôn bán vũ khí chủ yếu là các nước đến từ châu Âu, châu Mỹ Latinh và châu Phi.

Trong khi đó, những nước nhiệt tình ủng hộ bản dự thảo hiệp ước chủ yếu là các cường quốc sản xuất vũ khí, điển hình như Anh và Đức. Trong khi đó, 4 nước xuất khẩu vũ khí nhiều nhất, bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc và Pháp, thì không xác nhận bản dự thảo này.

Trong trường hợp hội nghị không thể thông qua hiệp ước chung với sự đồng thuận cần thiết, các quốc gia tham gia hội nghị có thể buộc phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc để thông qua.

Nguồn Reuters/Khampha


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới