Hủy
Thế giới

Lòng tham của các doanh nghiệp châu Âu thúc đẩy lạm phát

Lam Ngọc Thứ Tư | 14/02/2024 07:00

Trong khi lạm phát đang hạ nhiệt ở Mỹ, giá cả vẫn duy trì ở mức cao tại châu Âu. Ảnh: Nikkei Asia.

 
 
Có quan điểm cho rằng giá cả cao hơn chủ yếu là do lạm phát từ lòng tham của các doanh nghiệp tìm cách tăng giá để gia tăng lợi nhuận.

Lạm phát tham lam

Lạm phát hoành hành là một vấn đề nghiêm trọng ở châu Âu, khi mà mức tăng giá tiêu dùng hàng tháng diễn ra nhanh hơn so với cùng kỳ năm trước ở Mỹ và Nhật Bản. Theo một ước tính, khoảng 50% mức tăng giá ở châu Âu bắt nguồn từ việc các công ty địa phương chuyển gánh nặng chi phí cao hơn cho người tiêu dùng hoặc do hiệu ứng tăng giá theo lạm phát. Khi giá cả tăng nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương, người tiêu dùng đành chịu thắt chặt chi tiêu hàng ngày.

Đầu năm 2023, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường Anh đã đưa một số chuỗi siêu thị lớn như Asda, Sainsbury's và Tesco vào danh sách theo dõi vì cáo buộc trục lợi trong cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Dù các doanh nghiệp này đã được gỡ bỏ cáo buộc, vẫn có quan điểm cho rằng giá cả cao hơn chủ yếu là do lạm phát từ lòng tham của các doanh nghiệp tìm cách tăng giá để gia tăng lợi nhuận.

Lạm phát cao từ lâu đã là điều xa lạ đối với các nền kinh tế phát triển, nhưng hiện cả Mỹ và châu Âu đều phải đối mặt với những đợt tăng giá đáng kể. Trong khi lạm phát đang hạ nhiệt ở Mỹ, giá cả vẫn duy trì ở mức cao tại châu Âu. Tháng 7/2023, giá tiêu dùng thực phẩm và các sản phẩm khác đã tăng hơn 10% tại Đức trong 15 tháng liên tiếp và tăng hơn 14% tại Anh.

Tình trạng giá cả thực phẩm tăng cao đe dọa đến sinh kế của nhiều người. Một cuộc khảo sát của Ủy ban Châu Âu (EC) cho thấy tỉ lệ lạm phát được cảm nhận trong năm 2023 đã tăng lên 26% ở các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Những khó khăn do tăng giá thực phẩm và hàng hóa khác dẫn đến những cuộc biểu tình xảy ra trên khắp châu Âu. Chính phủ các quốc gia tăng cường giám sát định giá của các doanh nghiệp và những hành vi khác.

Các doanh nghiệp chiếm một phần lớn trong việc gây ra lạm phát tham lam. Theo kết quả phân tích hàng năm của 70 công ty sản xuất và bán lẻ thực phẩm tại châu Âu, công ty tư vấn quản lý Oliver Wyman nhận ra EBITDA tuyệt đối (thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao) tăng 11% tại các nhà bán lẻ thực phẩm và 12% tại các nhà sản xuất vào năm 2022 so với năm trước, chủ yếu là do doanh thu tăng.

Một phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho rằng lạm phát không kiểm soát được là do lòng tham của các doanh nghiệp. Theo IMF, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp chiếm 45% trong tổng số lạm phát ở châu Âu vào năm 2022, cao hơn so với tỉ lệ 40% do chi phí nhập khẩu tăng cao.

Tình trạng ảm đạm

Việc các doanh nghiệp cố gắng tối đa hoá lợi nhuận bằng cách tăng giá là điều tự nhiên, đặc biệt là đối với các công ty niêm yết phải đối mặt với áp lực từ cổ đông. Tuy nhiên, các công ty tại châu Âu đã bị chỉ trích nặng nề vì tiền lương chậm tăng so với giá tiêu dùng.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), lợi nhuận doanh nghiệp tại Đức đã tăng 24% từ quý cuối cùng của năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, đến quý đầu tiên của năm 2023, trong khi chi phí lao động chỉ tăng 13%. Xu hướng tương tự có thể thấy ở hầu hết các quốc gia khác trong khu vực châu Âu. 

Tháng 7/2023, doanh số bán lẻ tại Mỹ tăng 0,7%, ghi nhận tháng tăng thứ 4 liên tiếp và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tại khu vực đồng euro, doanh số bán lẻ giảm theo tháng và theo năm do thu nhập thực tế giảm.

Giá thực phẩm cũng tiếp tục tăng ở Nhật Bản. Theo OECD, quốc gia này đã chứng kiến chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua mức lạm phát của Mỹ. Giá cả của thực phẩm đã tăng hơn 9%, gần bằng với tốc độ tăng ở châu Âu.

Trong suốt thời gian quan, các công ty Nhật Bản dường như không muốn tăng giá, khi nhiều công ty chọn cắt giảm chi phí thay vì chuyển gánh nặng chi phí lên người tiêu dùng. Theo tổ chức OECD, lợi nhuận doanh nghiệp tại Nhật Bản chỉ tăng 4%, con số thấp nhất trong nhóm 7 nền kinh tế lớn, trong khi đó mức tăng lương lại chỉ tăng nhẹ.

Tình trạng tiền lương yếu kém và giá cả ở Nhật Bản dẫn đến khoảng cách sức mua ngày càng lớn so với các quốc gia khác, khiến nơi này trở thành điểm mua sắm giá rẻ đối với du khách quốc tế. Dù hành vi kinh doanh của các công ty Nhật Bản ít “lòng tham” hơn có thể đã giúp gia tăng chi tiêu của các hộ gia đình, nhưng mức lương vẫn bị giữ ở mức thấp.

Có thể bạn quan tâm:

Gần 2/3 CEO lo ngại về tính bền vững của doanh nghiệp

Nguồn Nikkei Asia


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới