Ngành quản lý tài sản đón sóng M&A
Dennis Lynch, con trai của nhà sáng lập Lynch & Mayer (một nhà quản lý quỹ đi tiên phong từ những năm 1970) có quỹ tương hỗ riêng của mình trị giá 3,4 tỉ USD: Morgan Stanley Institutional Growth, chuyên đầu tư vào các công ty như Twitter, Netflix và Tesla. Quỹ này đã đạt mức sinh lợi hằng năm cao hơn 2 điểm phần trăm so với chỉ số S&P 500 trong 10 năm qua, đưa ông vào tốp 6% các nhà quản lý quỹ có kết quả cao và tích lũy lợi nhuận tốt cho những nhà đầu tư đã rót tiền vào quỹ.
Thế nhưng, con số 6% ít ỏi cũng cho thấy loại hình quản lý quỹ theo chiến lược chủ động đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng. Loại hình này sử dụng một hoặc nhiều nhà quản lý quỹ để quản lý danh mục đầu tư sao cho mang lại mức sinh lời cao hơn chỉ số của thị trường (như chỉ số S&P 500 chẳng hạn) bằng cách chọn lọc các khoản đầu tư một cách thận trọng và sáng suốt, thay vì đầu tư theo chỉ số (dạng quỹ đầu tư thụ động khi xây dựng danh mục đầu tư mô phỏng theo một chỉ số chứng khoán nhất định như Dow Jones, S&P 500, FTSE 100...)
Trên thực tế, đa phần các nhà quản lý chủ động đã không thắng được thị trường xét trong một khoảng thời gian. Vì thế, các nhà đầu tư đang ồ ạt đổ xô sang các quỹ đầu tư theo chỉ số. Kết quả là các quỹ quản lý chủ động đã mất 213 tỉ USD giá trị tài sản trong năm kết thúc vào tháng 5.2016, theo Morningstar, trong khi các quỹ đầu tư thụ động hút về 240 tỉ USD.
Biên lợi nhuận, trước đây được xem là thuộc tốp cao nhất trong giới tài chính, cũng đang bị đe dọa và dường như chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi mức lương thưởng trả cho các nhà quản lý quỹ cũng bị sụt giảm.
Các đợt sa thải “rải rác” tại một số công ty quản lý quỹ từ đầu năm đến nay có thể là một dấu hiệu cho thấy sẽ còn nhiều đợt sa thải nữa trong thời gian tới, theo các chuyên gia tư vấn. Đặc biệt nếu các ông chủ doanh nghiệp sẵn sàng xúc tiến các cuộc thương thảo sáp nhập thì sẽ khơi mào cho một làn sóng cắt giảm lao động nhằm tiết kiệm chi phí.
Một số xem những thay đổi này là cơ hội vàng cho họ. Stephen Yacktman, điều hành Yacktman Asset Management ở Mỹ, cho biết những cuộc bàn tàn về cái chết của các nhà quản lý chủ động “khiến chúng tôi mỉm cười”. Bởi lẽ, khi những nhà quản lý hạng tầm thường bị loại khỏi cuộc chơi và nhà đầu tư đổ vốn vào các quỹ thụ động thì sẽ có nhiều cơ hội hơn cho những ai tìm kiếm các cổ phiếu bị định giá thấp.
Những nhận xét này là lời nhắc nhở rằng nghề chọn cổ phiếu luôn đòi hỏi mức độ tự tin rất lớn. Sự tự tin đó chưa bao giờ cần thiết hơn như lúc này, khi các khách hàng đã chứng kiến nhiều cuộc nghiên cứu cho thấy sự sa cơ của các quỹ đầu tư theo chiến lược chủ động.
Ảnh: independent.co.uk |
Theo khảo sát Spiva hằng năm mới nhất từ S&P, 83% các quỹ tương hỗ Mỹ và 86% các quỹ châu Âu đã mang về mức sinh lợi thấp hơn thị trường trong thập niên vừa qua. Nghiên cứu của Morningstar cũng cho thấy các nhà quản lý quỹ xuất sắc nhất hiện nay khó có thể nằm trong danh sách những người xuất sắc nhất của những năm tiếp theo.
Kết quả là các quỹ đầu tư theo chỉ số đã chiếm tới 40% trong 9.000 tỉ USD các quỹ ETF và quỹ tương hỗ cổ phiếu Mỹ. Và cuộc chuyển đổi này đang tăng tốc rất nhanh. Tuy nhiên, ngành quản lý chủ động vẫn đang là một thế lực lớn khi đang điều hành và hỗ trợ cho 100.000 quỹ tương hỗ khắp thế giới cùng vô số danh mục đầu tư cho các nhà đầu tư tổ chức.
Quản lý tài sản nói chung vẫn là một ngành có mức sinh lời cao ngất ngưỡng, với biên lợi nhuận lên tới 37% trong năm 2015 và lợi nhuận đạt ngưỡng 100 tỉ USD trên toàn cầu, theo Boston Consulting. Nhưng tăng trưởng đã chững lại. Mức phí cực thấp ở các quỹ thụ động không thể bù đắp vào dòng tiền tháo chạy của nhà đầu tư cũng như mức phí giảm ở phía các quỹ chủ động.
Các nhà quản lý quỹ đã nỗ lực kiểm soát chi phí bằng cách hạn chế mức tăng và lương của lực lượng bán hàng và cắt giảm chi phí điều hành. Nhưng Brent Beardsley, đối tác cấp cao của Boston Consulting, cho biết việc siết chặt này sẽ nhanh chóng tác động lên chính các nhà quản lý danh mục đầu tư.
Cách đây 1 năm, Johnson Associates cho biết một nhà quản lý quỹ cổ phiếu Mỹ trung bình có thể dự kiến kiếm được khoảng 690.000 USD/năm tiền lương thưởng, nhưng dự báo mức lương trong ngành có thể giảm khoảng 5-10% vào năm 2016. Áp lực giảm lương trong ngành ngân hàng đầu tư đã xuất hiện kể từ cuộc khủng hoảng tín dụng, nhưng sức ép giảm lương trong ngành quản lý tài sản thì chỉ mới gia tăng kể từ năm ngoái.
Pimco, BlackRock và GMO đã thực hiện các cuộc sa thải từ đầu năm đến nay và mặc dù hầu hết các đợt cắt giảm rơi vào bộ phận bán hàng hoặc back-office nhưng Pimco cũng đã sa thải một số nhà quản lý quỹ trong mảng cổ phiếu. “Các doanh nghiệp sẽ phải theo dõi sát sao hơn, xem các sản phẩm, lĩnh vực nào hoạt động kém hiệu quả thì cân nhắc có nên đóng cửa, giảm bớt hay không ”, Beardsley nói.
Một câu hỏi đặt ra là liệu ngành quản lý tài sản sẽ tiến hành các thương vụ M&A lớn nhằm đẩy nhanh tốc độ cắt giảm chi phí. Các CEO ngành này xưa nay luôn dị ứng với ý nghĩ M&A, cho rằng điều quan trọng là phải giữ gìn văn hóa độc nhất vô nhị của họ. Tuy nhiên, đã xuất hiện những thay đổi đáng chú ý trong thái độ của các nhà lãnh đạo ngành này. Greg Johnson, CEO Franklin Resources, vốn chứng kiến các quỹ của ông bị rút vốn mạnh trong năm vừa qua, cho biết xu hướng liên kết, sáp nhập đang xảy ra. Ông chủ Larry Fink của BlackRock cũng suy nghĩ như vậy.
Joe Sullivan, CEO Legg Mason, thì nhận xét: “Tôi đang chứng kiến thời khắc thay đổi lớn trong ngành. Mọi CEO phải chịu lùi một bước.Ngành này đang dư thừa công suất, đặc biệt khi hoạt động kinh doanh của các quỹ đầu tư chủ động cho thấy phong độ không nhất quán”.
Tất cả sẽ phụ thuộc vào thái độ của các cổ đông. Liệu họ có sẵn lòng chấp nhận biên lợi nhuận thấp hơn, đổi lấy cổ tức cao hơn và các đợt mua lại cổ phiếu quỹ, hoặc liệu họ sẽ buộc các công ty phải tiếp tục giữ lợi nhuận ở mức cao?
“Ai trong số chúng ta cũng đều phải cố gắng bảo vệ biên lợi nhuận, nhưng thực tế là biên lợi nhuận đang trên đà đi xuống. Hãy so sánh mức biên lợi nhuận này với các công ty công nghiệp hoặc công ty dịch vụ. Các nhà quản lý tài sản có biên lợi nhuận trong mức 30-40%. Có bao nhiêu doanh nghiệp mà các bạn biết có thể tạo ra mức biên lợi nhuận như thế”, Sullivan nói.
Trước những diễn biến mới, David Hunt, Tổng Giám đốc PGIM, cho biết thay vì cố gắng đạt mức sinh lời cao hơn chỉ số thị trường như S&P 500, các nhà quản lý được cho rằng sẽ đặt cược các canh bạc lớn hơn, vào số ít cổ phiếu hơn.
Đàm Hoa
Nguồn FT
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi Nhịp Cầu Đầu Tư