Nhiều người cho rằng các ông chủ quỹ đầu cơ đang kiếm được lợi nhuận kếch xù trong khi các khách hàng của họ ngày càng nghèo đi.
Trong 10 năm gần đây, các quỹ đầu cơ (hedge - fund) có diễn biến không chỉ tồi tệ hơn thị trường chứng khoán mà thậm chí lợi nhuận sản phẩm này đem lại còn thấp hơn cả tỷ lệ lạm phát. Sau khi trừ các loại phí, trung bình, nhà đầu tư chỉ nhận được lợi suất 17%.
Trong quá khứ, người ta không ngớt ca ngợi những thiên tài điển hình như George Soros - người có thể tận dụng nhiều cơ hội đến từ những điều bất thường trên thị trường. Tuy nhiên, hàng nghìn ông chủ quỹ đầu cơ khác với tổng tài sản hơn 2.000 tỷ USD có vẻ như sẽ không thể kiếm được nhiều lợi nhuận trong năm nay.
Tất nhiên, không thể không kể đến một số người xuất sắc và đã thành công. Dẫu vậy, trong ngành này, những gì đã diễn ra trong quá khứ không thể "đưa đường chỉ lối" cho tương lai. John Paulson, ông trùm quỹ đầu cơ đã thắng lớn trong cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn vừa qua, đã ngày càng dấn sâu vào thua lỗ kể từ đầu năm 2011.
Tuy nhiên, có 1 vấn đề cơ bản hơn đối với nhà đầu tư: họ bị thu quá nhiều tiền phí. Các nhà quản lý quỹ đầu cơ đang thu phí quá cao so với các tương hỗ thông thường và thậm chí cao hơn rất nhiều lần so với các quỹ theo dõi các chỉ số trên thị trường chứng khoán.
Hàng năm, nhà đầu tư thường phải chịu mức phí 2% cộng thêm 20% lợi nhuận. Điều này dễ dàng khiến mọi người nghĩ rằng có thể trở thành tỷ phú nhờ quản lý quỹ đầu cơ trong khi rất khó nghĩ rằng các khách hàng có thể trở nên giàu có như vậy. Quản lý quỹ giống như 1 bộ phim hoặc 1 môn thể thao chuyên nghiệp: người trong cuộc sẽ thu về siêu lợi nhuận trong khi khách hàng thu được những đồng lợi nhuận còi cọc.
Không ai biết chắc chắn rằng lợi nhuận trong tương lai sẽ là như thế nào. Nếu như các cây bút của tờ Economist biết rõ câu trả lời, họ phải đang hưởng thụ cuộc sống và cười vang trên những du thuyền đắt tiền chứ không phải ngồi cặm cụi phân tích về những giả định như hiện nay. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy có vẻ như lợi nhuận là khiêm tốn. Cách ước lượng chính xác nhất về lợi nhuận trong tương lai mà tiền mặt và trái phiếu chính phủ mang lại là dựa vào mức lãi suất hiện tại. Trong khi đó, ở hầu hết các thị trường phát triển, lợi suất gần như đang ở mức thấp nhất mọi thời đại.
Cổ phiếu có thể có diễn biến tốt hơn nhiều so với trái phiếu trong thập kỷ sắp tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần phải thận trọng. Nguyên nhân đẩy lợi suất trái phiếu xuống mức quá thấp như hiện nay là do các ngân hàng trung ương (NHTW) quá lo lắng về triển vọng của nền kinh tế. Nếu như các nhà điều hành đúng, lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ khó có thể tăng lên trong những năm tới, đặc biệt là ở Mỹ - nơi lợi nhuận thặng dư đã ở mức cao trong nhiều thập kỷ. Ngược lại, nếu nỗi lo của các nhà hoạch định chính sách đã được đặt nhầm chỗ, điều đó có nghĩa là chính sách tiền tệ được thực hiện trong thời gian qua và sai lầm. Tuy nhiên, kịch bản này cũng đem lại nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp, điển hình là rủi ro lạm phát.
Thật trớ trêu, diễn biến tồi tệ của thị trường cổ phiếu và trái phiếu trong suốt thập kỷ vừa qua chính là nguyên nhân khiến các quỹ đầu cơ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư định chế, điển hình là các quỹ hưu trí. Người ta hi vọng rằng ngành này sẽ đóng vai trò như một "vị thánh" giải cứu nhà đầu tư khỏi tình trạng thua lỗ triền miên.
Nhà đầu tư nên tập trung vào một yếu tố khác và thậm chí đây là điều mà họ có thể kiểm soát được: chi phí. Thời kỳ những năm 1990, khi các quỹ đầu cơ đem lại lợi nhuận từ 10-30% mỗi năm, mức phí mà họ thu được là rất nhỏ so với lợi nhuận của nhà đầu tư. Quy đổi tương đương với tình hình hiện nay, nhà đầu tư chỉ nên tập trung vào các loại hình quỹ nhỏ lẻ có tính an toàn cao nhưng lợi suất thấp như các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) hay các quỹ theo dõi chỉ số.
Tuy nhiên, các quỹ này cũng không phải không đem lại rủi ro. Một số quỹ thu phí thấp hơn các quỹ khác (ví dụ, ở Anh, quỹ ETF của HSBC chỉ thu phí 0,27%/năm trong khi một quỹ tương tự như vậy của Virgin thu phí 1%). Tuy nhiên, một số quỹ ETF không đầu tư vào cổ phiếu mà họ theo dõi mà lại giao dịch các hợp đồng phái sinh với 1 ngân hàng khác. Như vậy, rủi ro được tăng thêm 1 lớp.
Cách tốt nhất chính là chọn các ETF có mức phí thấp kết hợp với đa dạng hóa danh mục đầu tư cả về mặt địa lý và loại tài sản. Đây không phải là 1 chiến lược đầu tư mang lại nhiều điều thú vị và cũng sẽ không mang lại niềm tự hào. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện nay, có lẽ đây là cách đầu tư khôn ngoan nhất.