Hủy
Thế giới

Nhóm nước giàu dư 1,2 tỉ liều vaccine COVID-19

Phùng Mỹ Chủ Nhật | 05/09/2021 21:58

Mỹ đã sử dụng khoảng 440 triệu liều vaccine và chủng ngừa cho 52% dân số. Ảnh: Bloomberg.

Phân tích mới cho thấy các nước giàu có thể thừa khoảng 1,2 tỉ liều vaccine vào cuối năm nay, trong khi nhiều nước nghèo thiếu nguồn cung.
 

Theo Bloomberg, các quốc gia giàu có đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc chuyển nguồn cung cấp vaccine COVID-19 sang các khu vực có thu nhập thấp hơn.

Các nước phương Tây và Nhật hiện dư khoảng 500 triệu liều vaccine COVID-19 và con số này có thể tăng tới 1,2 tỉ liều vào cuối năm nay, theo phân tích về tiến độ cung ứng và triển khai vaccine toàn cầu được công ty Airfinity có trụ sở ở Anh công bố hôm 4/9.

Dữ liệu về số lượng vaccine dư thừa được đưa ra dựa trên nguồn cung và tỉ lệ tiêm chủng của Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu, Canada và Nhật, với giả định các nước sẽ tiếp tục triển khai chiến dịch tiêm liều tăng cường cho công dân. Airfinity cho rằng số lượng dư thừa này có thể được chia sẻ cho các nước nghèo mà không gây ảnh hưởng tới chiến dịch tiêm chủng ở những nước giàu.

Tính đến 2/9, chỉ 1,8% dân số các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, trong khi tỉ lệ này ở nhóm nước thu nhập cao là 64%.

Một phân tích độc lập về ứng phó COVID-19 hồi đầu năm nay đã kêu gọi các nước thu nhập cao cung cấp hơn 2 tỉ liều vaccine cho nhóm nước nghèo tới giữa năm 2022. Trong hơn 1 tỉ liều mà nhóm G7 và EU cam kết, chưa đầy 15% được chuyển giao.

Giám đốc điều hành Airfinity Rasmus Bech Hansen cho biết các nước vẫn phân vân trước lựa chọn tiếp tục chiến dịch tiêm tăng cường trong nước và chia sẻ vaccine cho nước ngoài. "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy đó là một sự phân vân sai lầm, bởi bạn có thể làm cả hai cùng lúc", ông nói.

Ông Rasmus Bech Hansen cho biết thêm rằng sản lượng vaccine toàn cầu đang tăng đều đặn và dường như khó xảy ra gián đoạn. Airfinity ước tính sản lượng có thể vượt 12 tỉ liều vào cuối năm nay, vượt qua số lượng hơn 11 tỉ liều cần để tiêm chủng cho toàn thế giới.

Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus khuyến nghị hoãn tiêm mũi 3 cho đến khi có nhiều vaccine hơn được phân phối đến các quốc gia khan hiếm. Ảnh: Bloomberg.
Tổng giám đốc WHO Ghebreyesus khuyến nghị hoãn tiêm mũi 3 cho đến khi có nhiều vaccine hơn được phân phối đến các quốc gia khan hiếm. Ảnh: Bloomberg.

Theo Airfinity, vaccine hãng Pfizer-BioNTech chiếm khoảng 45% số vaccine có sẵn có thể được phân phối lại, trong khi vaccine của Moderna chiếm khoảng 1/4 tổng số.

Kể từ khi bùng phát hồi cuối năm 2019, COVID-19 đã khiến hơn 221 triệu người nhiễm và gần 4,6 triệu người chết. 5,44 tỉ liều vaccine đã được tiêm chủng trên toàn cầu, với trung bình 35,64 triệu liều được tiêm mỗi ngày. 40,2% dân số thế giới đã tiêm ít nhất một liều.

Nhiều quốc gia có thu nhập thấp đang dựa vào chương trình Tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19 (COVAX) để nhận vaccine nhưng chương trình này của Tổ chức Y tế Thế giới chưa đạt được mục tiêu. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết nên hoãn lại các kế hoạch tiêm mũi 3 cho đến khi có nhiều vaccine hơn được phân phối đến các quốc gia khan hiếm.

Có thể bạn quan tâm:

Liều Pfizer thứ 3 giúp giảm nguy cơ nhiễm biến chủng Delta


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới