Hủy
Thế giới

Những “bảo mẫu” không công của châu Á

Thứ Ba | 18/02/2025 16:44

Khi phụ nữ đi làm nhiều hơn, các bà ngoại trở thành trụ cột chăm sóc trẻ. Ảnh: Nikkei Asia.

 
 
Ở nhiều nước châu Á, các bà đóng vai trò trụ cột trong việc trông cháu.

Mỗi sáng thứ Hai đến thứ Sáu, đúng 9 giờ, bà Munkhtsetseg Sanjaasuren (66 tuổi), mở cửa đón cháu trai Sod-Undrakh (6 tuổi). Cậu bé quen thuộc với không gian xung quanh, nhanh chóng bắt tay vào làm bài tập dưới sự hướng dẫn của bà. Sau đó, bà chuẩn bị bữa trưa, rồi dắt cháu đến trường tiểu học gần nhà để bắt đầu buổi học ca chiều.

Sau khi nuôi dạy bốn người con, Sod-Undrakh là đứa cháu thứ tư mà bà Munkhtsetseg chăm sóc kể từ khi nghỉ hưu vào năm 2013, sau nhiều năm giảng dạy ở trường trung học cấp ba. Ở tuổi này, bà chỉ có thể lo cho một cháu. Mới đây, bà đã từ chối khi có người nhờ trông thêm một em bé sơ sinh vì không còn đủ sức.

Không chỉ mình bà, hai chị gái của bà cũng tất bật trông cháu cả tuần. Chỉ đến cuối tuần, họ mới có thời gian gặp gỡ, thư giãn và chơi bài cùng nhau. “May mắn là các con tôi rất trân trọng sự giúp đỡ của tôi. Chúng cố gắng bù đắp bằng những cách khác nhau, chẳng hạn như đưa tôi đi du lịch nước ngoài mỗi năm một lần”, bà Munkhtsetseg chia sẻ.

Trụ cột thầm lặng

Giống như bà Munkhtsetseg, nhiều người bà trên khắp châu Á đang đảm nhận vai trò chăm sóc cháu, giúp cha mẹ trẻ yên tâm đi làm. Ở Trung Quốc, hàng triệu lao động di cư từ nông thôn ra các thành phố ven biển để làm việc trong các nhà máy, để con lại cho ông bà chăm sóc. Nhiều người chỉ có thể gặp con vào dịp Tết Nguyên đán.

Theo nghiên cứu của các học giả, các bà ở châu Á nuôi dưỡng cháu nhiều hơn so với các khu vực khác. Xu hướng này phản ánh sự gia tăng cơ hội việc làm cho phụ nữ, khi rào cản đối với lao động nữ toàn thời gian dần được gỡ bỏ. Một khảo sát của Sun Yi, trợ lý giáo sư tại Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản), cho thấy phần lớn các bậc cha mẹ Nhật Bản và Trung Quốc thừa nhận họ phụ thuộc rất nhiều vào mẹ ruột để trông con.

Tuy nhiên, tại Mông Cổ, mô hình này đang đối mặt với thách thức. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, nhiều bà không còn khả năng chăm sóc cháu, trong khi các lựa chọn thay thế vẫn còn hạn chế. Điều này khiến nhiều bà mẹ buộc phải nghỉ việc để tự chăm con, ngay cả khi đất nước rất cần sự đóng góp của họ cho nền kinh tế. Giới chức Mông Cổ hiện vẫn đang loay hoay tìm giải pháp.

Theo bà Zolzaya Batkhuyag, Giám đốc tổ chức Women for Change Mongolia, bước đầu tiên là phải công nhận giá trị của những người bà trong việc chăm sóc trẻ đối với cả xã hội và nền kinh tế. “Không chỉ các bậc cha mẹ hưởng lợi từ sự chăm sóc của bà, mà cả nền kinh tế cũng hưởng lợi. Doanh nghiệp được hưởng lợi từ mô hình gia đình có hai nguồn thu nhập, còn các nhà tuyển dụng có được nguồn lao động ổn định”, bà nói. 

Bà nhấn mạnh, đây là một dạng lao động thiết yếu nhưng hoàn toàn không được trả công và bị xã hội bỏ quên. “Có thể hiện tại, các bà chưa hình dung được việc được trả lương để trông cháu, nhưng ít nhất chúng ta cần ghi nhận, trân trọng và thống kê mức độ ảnh hưởng của họ đến sự phát triển của đất nước”, bà Batkhuyag nhận định.

Ở nhiều quốc gia châu Á, cha mẹ trông cậy vào bà ngoại để trông con do chi phí dịch vụ tư nhân quá cao hoặc chất lượng chưa đáp ứng kỳ vọng. Một số gia đình muốn các bà tham gia chăm sóc để truyền lại văn hóa, giá trị gia đình hoặc đơn giản vì yếu tố tin tưởng, theo Phó giáo sư xã hội học Premchand Dommaraju tại Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

Tại Mông Cổ, trở ngại lớn nhất đối với các bà mẹ là sự thiếu hụt dịch vụ chăm sóc trẻ công và tư. Trước năm 1990, khi còn theo chế độ cộng sản, hệ thống giữ trẻ công lập tương đối dồi dào. Tuy nhiên, nhiều trung tâm đã bị đóng cửa hoặc tư nhân hóa khi vai trò của nhà nước thu hẹp và tỉ lệ sinh giảm. Ở thủ đô Ulaanbaatar, tình trạng thiếu trường mầm non nghiêm trọng đến mức phải áp dụng hệ thống bốc thăm cho đến năm 2022.

Năm 2016, chỉ khoảng 1/3 trẻ dưới 6 tuổi ở Mông Cổ được gửi đến nhà trẻ, theo số liệu của nhà kinh tế Elena Nikolova thuộc Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu. Chính phủ đã tăng cường đầu tư để cải thiện tình hình, nhưng tỉ lệ này vẫn còn rất thấp so với mức trên 90% tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Munkhzul Sanduijav, từng là nhà thiết kế tạp chí, đã từ bỏ sự nghiệp cách đây 10 năm để chăm sóc hai cháu ngoại. “Con gái tôi đã ở nhà với con suốt ba năm Nuôi con tại nhà là điều tuyệt vời, nhưng tôi không muốn con gái mình dành toàn bộ tuổi trẻ chỉ để xoay quanh công việc nhà”, bà Munkhzul nói. 

Dù vậy, bà thừa nhận việc chăm cháu không hề nhẹ nhàng. “Tôi đã quên mất nó vất vả đến thế nào. Cháu là món quà của Chúa, mang lại niềm vui và sự háo hức trong cuộc sống, nhưng cũng khiến tôi kiệt sức”, bà chia sẻ. 

Bài toán chưa có lời giải

Không giống các nước Đông Bắc Á, Mông Cổ vẫn duy trì tỉ lệ sinh khá cao, khoảng 2,52, vượt ngưỡng 2,1 cần thiết để duy trì dân số, theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc. Chính phủ vẫn giữ lại chính sách từ thời cộng sản để khuyến khích sinh đẻ: phụ nữ có bốn con nhận trợ cấp 100.000 tugrik (59 USD) mỗi năm, còn những bà mẹ có sáu con trở lên được nhận 200.000 tugrik.

Tuy nhiên, dù có dân số trẻ, nền kinh tế Mông Cổ vẫn tụt hậu so với khu vực và đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động. Dự kiến đến năm 2030, tổng số giờ chăm sóc trẻ không lương tại nước này sẽ lên tới 1,7 triệu giờ mỗi ngày, tương đương với 15,4% lực lượng lao động toàn thời gian, theo tính toán của Elizabeth M. King, chuyên gia tại Viện Brookings, Mỹ.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Mông Cổ cần nhiều phụ nữ, đặc biệt là các bà, tham gia vào lực lượng lao động. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, nếu tỉ lệ phụ nữ đi làm tăng thêm 10 điểm phần trăm, tăng trưởng GDP hằng năm của nước này có thể tăng thêm 0,5 điểm phần trăm.

Chính phủ hiện tại, nhậm chức từ tháng 7 năm ngoái, đặt mục tiêu nâng tỉ lệ tham gia lao động của phụ nữ từ 54,8% vào tháng 9 lên 65% vào năm 2030. Tuy nhiên, chưa có chính sách cụ thể nào ngoài việc thành lập Bộ Gia đình và mở rộng các chương trình sau giờ học cho trẻ.

Tuy nhiên, khi phụ nữ sinh con muộn hơn, nhiều bà đã không còn đủ sức khỏe để trông cháu. Đồng thời, tăng trưởng việc làm chủ yếu tập trung ở thủ đô và các khu mỏ xa xôi, khiến khoảng cách địa lý giữa bà và cháu ngày càng lớn.

Luật sư Baasanjargal Khurelbaatar từng có công việc ổn định với thu nhập tốt ở Ulaanbaatar. Nhưng bốn năm trước, bà phải nghỉ việc vì lịch làm việc cứng nhắc khiến bà không thể đưa đón con. Mẹ bà sống ở nông thôn và không còn đủ sức để lên thành phố chăm cháu. Tháng 6 năm ngoái, bà Baasanjargal trúng cử vào Quốc hội và gây xôn xao khi đăng ảnh con trai ngồi một mình trên bậc thềm tòa nhà Quốc hội lên mạng xã hội. Bà viết rằng bà không thể để con ở nhà một mình, trong khi tòa nhà không cho phép trẻ em vào.

Trong bối cảnh phụ nữ Mông Cổ sinh con muộn và làm việc xa nhà, nhiều bà không còn sẵn sàng hoặc đủ khả năng chăm sóc cháu. Một số người cũng không muốn từ bỏ sự nghiệp, nhất là khi tuổi nghỉ hưu của phụ nữ Mông Cổ chỉ là 55. “Chúng ta không thể tiếp tục dựa vào các bà mãi được. Xã hội đang thay đổi, và mọi người bắt đầu có nhiều lựa chọn hơn. Những người lớn tuổi có kỹ năng có giá trị kinh tế sẽ nhìn nhận về nghỉ hưu theo một cách rất khác”, bà Zolzaya từ tổ chức Women for Change nhận định.

Có thể bạn quan tâm:

Đông Nam Á tìm lại "tiếng gầm"

Nguồn Nikkei Asia


Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.

Tin cùng chuyên mục

Tin nổi bật trong ngày

Tin mới